![]() |
Các doanh nghiệp vận tải mong cước vận chuyển sẽ tăng. Ảnh: Anh Tuấn |
"Hiệp hội sẽ lấy thêm ý kiến của các thành viên rồi sẽ gửi kiến nghị để tăng giá cước vận tải. Hiện các thành viên không thể chờ đợi thêm được nữa, nếu cứ để như vậy các doanh nghiệp vận tải khó có thể làm ăn có lãi", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP HCM Bùi Văn Quảng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải VN, cho biết, nếu không tăng giá cước, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì xăng tăng 10%, dầu tăng 18% sẽ làm chi phí cho nhiên liệu đội trung bình 8%. Hiệp hội sẽ có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép điều chỉnh giá theo diễn biến thị trường và trên cơ sở thoả thuận với khách hàng. Hiệp hội sẽ đứng ra chỉ đạo doanh nghiệp không được lợi dụng để tăng giá cước bất hợp lý. Biện pháp cụ thể sẽ được đưa ra vào cuối tuần này.
Đối với các doanh nghiệp taxi, trước mắt chưa tăng giá cước vận chuyển nhưng để san sẻ bớt gánh nặng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình cho rằng, biện pháp tốt nhất là tính cước theo hình thức phụ thu nhiên liệu. Theo đó, giá có thể sẽ tăng từ 10% đến 15%. Ông Bình phân tích, từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng tới 2 lần, trong khi đó, giá taxi từ năm ngoái tới nay hầu như không tăng. Do đó, nếu lần này không tăng giá, thì mỗi doanh nghiệp sẽ lỗ ít nhất 30 triệu đồng mỗi tháng.
Theo các doanh nghiệp vận tải, khả năng tăng giá cước là rất lớn, bởi hiện nay những chi phí phát sinh đã đẩy các doanh nghiệp vào tình cảnh khốn đốn. Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Airport taxi, cho biết, công ty ông đang phải đối mặt với bài toán tính cước khó khăn. Hiện, mức giá vé mà công ty đang được áp dụng là 180.000 đồng tuyến Nội Bài - Hà Nội, và 120.000 đồng cho chiều ngược lại. Mức giá này được áp dụng suốt từ năm ngoái tới nay và hành khách đã quen, nếu tăng giá cước có thể hành khách sẽ cảm thấy bị sốc.
Đội xe của Airport taxi có tổng cộng trên 170 chiếc, lần tăng giá xăng trước (từ 7.000 đồng lên 8.000 đồng/lít ngày 29/3), những chi phí phụ trội đã khiến công ty mất khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng. Lần này, ông Cương ước tính con số thiệt hại sẽ cao hơn, ở mức 35 triệu đồng/tháng.
Nhớ lại lần tăng giá tháng 3, các hãng taxi không khỏi lo ngại. Thành, một tài xế 7 chỗ của hãng taxi VinaSun, cho biết, trung bình chạy 100 km sẽ tốn khoảng 12 đến 15 lít xăng, Một ngày, nếu đạt chỉ tiêu thì phải chạy khoảng 250 km. Cứ theo mức tăng sau 2 đợt vừa qua, mỗi ngày thu nhập của tài xế sẽ giảm gần 40.000 đồng. "Giá cước như vậy chắc chúng tôi chạy không công. Trong đợt tăng giá trước, công ty có hỗ trợ thêm 250.000 đồng/tháng cho anh em lái xe, nhưng chạy đủ định mức của công ty sẽ không bù nổi tiền xăng", một tài xế của VinaSun than thở.
Do giá xăng dầu thế giới tăng cao thời gian qua, Hiệp hội chủ tàu Đông Nam Á quyết định từ 1/7 tăng phụ phí xăng dầu lên 50 USD/container 20 feet, tăng 15 USD so với trước. Khoảng 1/9 sẽ có một đợt tăng giá mới. |
Theo ông Bùi Văn Quảng, giá dầu tăng thêm 1.000 đồng/lít thì thu nhập của một đầu xe sẽ giảm đi khoảng 50.000 đến 70.000 đồng/ngày. Hiện Hiệp hội Vận tải TP HCM có hơn 50 thành viên với gần 8.000 đầu xe. Với giá dầu tăng như vậy, mỗi ngày chi phí sẽ tăng thêm khoảng 400 triệu đồng/ngày trong khi chưa tăng giá cước vận tải hàng hoá.
Trong ngày thứ 2 tăng giá xăng dầu, các doanh nghiệp vận tải TP HCM vẫn hoạt động bình thường, nhưng cũng luôn chờ đợi một sự điều chỉnh giá cước vận tải mới để không phải chịu thiệt thòi.
Xăng dầu tăng giá cũng là lúc hàng loạt chi phí đầu vào khác của ngành vận tải tăng theo. Ông Đỗ Quốc Bình cho biết, những đợt tăng giá xăng dầu trước, giá các phụ tùng như săm, lốp, lọc dầu, lọc gió... đều tăng khoảng 20-30%. Không chỉ đau đầu với việc làm thế nào để chống đỡ với giá xăng, dầu tăng, các doanh nghiệp vận tải còn phải tính toán đến việc cắt giảm tối đa các chi phí không cần thiết để đảm bảo hoạt động.
Nhóm phóng viên