Mưa lớn và lũ lụt đã tàn phá nhiều vùng ở Tây Âu, trong đó, Đức và Bỉ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Nhiều vùng của Thuỵ Sĩ, Luxembourg và Hà Lan cũng bị tác động.
"Điều này thực sự sẽ làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vì các tuyến đường sắt đều bị hư hỏng hoặc chia cắt", Tim Huxley, CEO của công ty vận tải Mandarin Shipping nói với CNBC.
Theo ông, các tuyến đường sắt từ Cộng hoà Séc và Slovakia đến các cảng Rotterdam của Hà Lan và Hamburg của Đức đã bị "gián đoạn nghiêm trọng", khiến vận chuyển hàng hoá ra vào bị chậm trễ, tác động xấu đến ngành công nghiệp sản xuất.
Đơn cử, gã khổng lồ sản xuất thép Thyssenkrupp của Đức đã không nhập được nguyên liệu thô do lũ lụt. Các ngành công nghiệp ôtô, thiết bị gia dụng cũng sẽ gặp những vấn đề tương tự.
Trước tình trạng này, ngày 16/7, Thyssenkrupp phải tuyên bố tình trạng bất khả kháng (một sự kiện xảy ra trong các trường hợp không thể dự báo trước, như các thảm hoạ thiên nhiên, khiến cho một bên không thể hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng) với các khách hàng nhằm tránh các khoản phạt.
Nhiều đoạn đường sắt tại Hagen, thành phố nằm ở phía Tây nước Đức, cũng bị phá huỷ. Thêm vào đó là tình trạng khó khăn trong việc huy động các phương tiện cơ giới phục vụ công tác vận chuyển hàng hoá.
Trong khi đó, tình trạng ngập lụt ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) còn tồi tệ hơn khi tỉnh này nằm sâu trong đất liền, không có đường bờ biển trong khi các tuyến đường sắt đang tê liệt. Huxley nhận xét, giá cước vận chuyển sẽ tăng lên. Hiện việc phân phối lúa mỳ, than đá đã bị ảnh hưởng. Hà Nam là vựa lúa mỳ của Trung Quốc, nơi đã sản xuất ra 38 triệu tấn lúa mỳ trong mùa hè năm nay.
"Tuần nào cũng có một vấn đề gì đó với ngành vận tải biển", Huxley cảm thán. Thực tế, vận tải biển đã bị gián đoạn nhiều lần trong năm nay. Đầu tiên là tình trạng thiếu hụt container, dòng hàng hoá bị tắc nghẽn, chi phí vận tải đội giá khi nhu cầu mua sắm tăng lên ở các nền kinh tế hồi phục hậu Covid-19.
Sau đó, đến tháng 4, dòng vận chuyển hàng hoá bị tắc nghẽn gần 1 tuần vì một trong những tàu chở container lớn nhất thế giới gặp sự cố, mắc kẹt tại kênh đào Suez. Sự kiện này gây tác động rất lớn bởi đây là tuyến đường biển nhộn nhịp, với khoảng 12% tổng giá trị hàng hoá thương mại toàn cầu đi qua.
Đến tháng 6, số lượng các ca nhiễm Covid-19 ở miền Nam Trung Quốc cũng khiến cho các cảng biển trong khu vực bị ách tắc, một lần nữa khiến giá cước leo thang.
Đức Minh (Theo CNBC)