Khảo sát của VnExpress tại một số cửa hàng bán rau tại TP HCM ngày 9/7 cho thấy, nhiều sạp đóng cửa, số còn lại mở bán nhưng tăng giá gấp 2-3 lần so với 2 ngày trước đó.
Cụ thể, bí xanh ngày thường 20.000 đồng một kg nay tăng thêm 50.000 đồng; xà lách mềm 25.000 đồng nhảy vọt lên 80.000 đồng một kg. Hành lá và xả cây cũng tăng gấp đôi, lên lần lượt 100.000 đồng và 70.000 đồng một kg.
Bà Hoa, người chuyên bán rau trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp) cho rằng, hiện nay khó nhập hàng và giá đầu vào đắt nên bà bán ra cũng cao. "Giờ này không có trả giá, ai đồng ý thì mua. Nay tôi bán buổi cuối, mai sẽ đóng cửa", bà nói.
Anh Hùng, chủ sạp rau trên đường Quang Trung (Gò Vấp) cũng cho biết giá đầu vào của gia vị, hành lá và một số loại củ tăng gấp đôi nên anh buộc phải bán giá đắt. "Giá cao nhưng cũng không có hàng, nay tôi chỉ lấy được 10 kg hành lá và bán hết từ sáng sớm. Giờ chỉ còn một số loại rau ăn lá, giá cũng tăng 50% so với trước", anh Hùng giải thích.
Trong khi đó, giá rau củ tại các chợ truyền thống hôm nay chỉ tăng nhẹ 10% so với ngày thường. Cô Hằng, bán rau tại chợ Thảo Điền (quận 2) cho biết, tối qua đi lấy hàng tại chợ đầu mối Thủ Đức, giá rau củ đã hạ nhiệt, chỉ còn một vài loại gia vị và bầu bí tăng nhẹ 10% so với ngày thường do lượng hàng ít.
Cũng cho rằng giá rau củ đang bình ổn lại, chị Lệ Phương, tiểu thương chợ Minh Phụng (Quận 6) thông tin, sáng nay chị nhập cải ngọt, cải thảo, cải bắp chỉ 14.000 đồng một kg, bầu bí giá 20.000 đồng. Xà lách 30.000 đồng một kg...giá gần bằng những ngày trước đó.
"Hôm qua hàng về đầy ắp nên không lo thiếu mà chỉ sợ ế ẩm vì sức mua đang giảm trở lại", chị Phương nói.
Là đầu mối rau tại Chợ đầu mối Thủ Đức, chị Thảo cho biết, trước giãn cách, giá rau có tăng nhẹ do nhu cầu cao. Tuy nhiên, hôm nay giá đã hạ nhiệt vì nhiều mối mua hàng đóng cửa, ngưng buôn bán để giãn cách.
Theo lãnh đạo chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, mặc dù chợ đóng cửa nhưng thương nhân vẫn đưa hàng về tập kết xung quanh các tuyến đường gần chợ, khu dân cư với lượng hàng khá lớn, giá hợp lý.
"Giá tại một vài cửa hàng tăng cao là do người bán tự ý đẩy lên. Người dân cần cẩn trọng, tránh mua phải các cơ sở chặt chém. Bởi lượng hàng về TP HCM đang dần ổn định", lãnh đạo chợ đầu mối Thủ Đức nói.
Báo cáo của Sở Công Thương TP HCM cũng cho thấy, tuy ngưng hoạt động, thương nhân 3 chợ đầu mối vẫn vận chuyển hàng vào TP HCM đều đặn.
Cụ thể, các thương nhân ở chợ đầu mối Hóc Môn đã đưa hàng về kinh doanh qua hình thức giao hàng trực tiếp cho các mối quen, hàng không vào chợ, tập trung chủ yếu dọc theo 2 bên tuyến đường Nguyễn Thị Sóc, Quốc lộ 22 hướng từ Ngã ba Chợ đầu mối về bến xe An Sương và ngược lại.
Với thương nhân tại chợ đầu mối Thủ Đức, họ đưa hàng về kinh doanh trực tiếp trên các tuyến đường xung quanh chợ đầu mối, khu dân cư sau chợ, đường Ngô Chí Quốc sau chợ, đường Xa lộ Hà Nội với sản lượng rau củ quả ước đạt trên 700 tấn.
Còn chợ Bình Điền, các thương lái lớn cũng chuyển hình thức kinh doanh giao hàng trực tiếp, và một số thương lái tập kết hàng dọc đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) để giao và nhận hàng.
Theo số liệu của Sở Công Thương TP HCM, ngày 8/7, lượng hàng 3 chợ đầu mối về các kho bãi, các điểm tập kết hàng hóa xung quanh chợ khoảng 900 tấn một ngày đêm. Lượng hàng các thương lái lớn bán qua kênh điện thoại, Zalo, giao hàng trực tiếp không về điểm tập kết ước khoảng 1.200 tấn một ngày đêm.
Tổng lượng hàng về trong ngày 8/7 đạt 2.100 tấn một ngày đêm, giảm hơn 34% so với ngày 7/7 (3.188,9 tấn).
Hồng Châu