Với 37 bàn thắng, 15 đường chuyền thành bàn, Van Persie nghiễm nhiên là ngôi sao sáng giá nhất của Arsenal mùa vừa qua. 30 bàn thắng của anh là yếu tố quan trọng giúp "Pháo thủ" từ chỗ khởi đầu tồi tệ nhất dưới thời Wenger, tăng tốc ngoạn mục để cán đích ở vị trí thứ ba, cứu họ khỏi thảm họa tài chính vì vắng mặt ở Champions League mùa tới.
Những đóng góp to lớn đó cộng hưởng với hệ lụy từ làn sóng di tản liên tiếp và ồ ạt các tên tuổi lớn khỏi sân Emirates nâng Van Persie lên tầm cao mới - một biểu tượng mới của Arsenal, tương tự vị thế của Patrick Vieira, Thierry Henry trước kia hay gần đây là Cesc Fabregas. Việc Van Persie từ chối đề nghị gia hạn hợp đồng mà Arsenal đưa ra - một quyết định sẽ dọn đường cho anh ra đi ngay hè này - chẳng khác nào đòn nặng giáng vào con tim rỉ máu của các fan Arsenal vốn đau khổ khi chứng kiến các ngôi sao cứ lần lượt dứt áo ra đi sau mỗi mùa hè.
Nhưng bi kịch chỉ là với người hâm mộ. Với bản thân đội bóng Arsenal, câu chuyện Van Persie ra đi không hẳn là thảm họa.
Van Persie quan trọng, nhưng sự ra đi của anh cũng không tác động quá tiêu cực tới sức mạnh của Arsenal. |
Dớp trắng tay dài hạn của Arsenal và khát vọng chinh phục của Van Persie rõ ràng là không thể hòa hợp với nhau. Từ sau chiếc Cup FA khiêm tốn năm 2005, Arsenal chỉ hai lần tiệm cận một danh hiệu khi vào tới chung kết Cup Liên đoàn các năm 2007 và 2011 (cùng thua với tỷ số 1-2 trước Chelsea rồi Birmingham City). Suốt bảy năm qua, Arsenal đã quá quen cái cảnh kết thúc mùa giải với hai bàn tay trắng. Mục tiêu cao nhất của thầy trò Wenger mùa này qua mùa khác, dường như chỉ là giữ chỗ đứng trong top 4 Ngoại hạng Anh. Mỗi khi đạt mục tiêu, họ đều xem đó như một chiến công lớn và hài lòng vì có cơ hội dự và kiếm tiền ở Champions League - sân chơi được ví như con ngỗng đẻ trứng vàng.
Đó dứt khoát không phải là dáng dấp của một đạo quân chinh phục, một ứng cử viên vô địch hoặc ít ra, một kẻ thách thức những thế lực khác trên đường đua tranh các danh hiệu lớn. Van Persie đã 28 tuổi, đang vào độ chín nhất sự nghiệp, khát khao chiến thắng, thèm muốn các danh hiệu lớn. Nếu không dứt khoát ra đi ngay từ bây giờ, không chắc anh còn một cơ hội khác để ra đi và hiện thực hóa giấc mơ chinh phục, dù chỉ một danh hiệu lớn.
Wenger và CEO Gazidis có nói bao nhiêu lời, hứa hẹn những điều to tát đến mấy cũng chẳng thể có tác dụng với Van Persie như thực tế mà anh chứng kiến suốt nhiều năm qua. Đã có rất nhiều ngôi sao lớn từ bỏ Arsenal và hầu hết, gần như ngay lập tức, đều cùng đội bóng mới của họ bước lên bục vinh quang.
Thành công của những người ra đi trước như Fabregas là động lực to lớn để Van Persie quyết tâm dứt áo rời Arsenal hè này. |
Chỉ hai ngày sau khi hoàn tất vụ chuyển nhượng sang Barca, Fabregas cùng CLB xứ Catalan đoạt Siêu Cup Tây Ban Nha. Không lâu sau đó, anh này có tiếp Siêu Cup châu Âu. Ngay mùa đầu tiên sau khi sang Man City, Gael Clichy rồi Samir Nasri đều đứng trong đội hình vô địch giải Ngoại hạng Anh. Ashley Cole, Thierry Henry cũng chỉ biết tới mùi vị vinh quang ở Champions League sau khi lần lượt rời Arsenal sang Chelsea và Barca.
Man City, Barca, Juventus và mới nhất, MU, đều đã ngỏ ý muốn có Persie. Cả bốn cái tên này đều ăn đứt Arsenal cả về tiềm lực lẫn tham vọng, hoặc chí ít là một trong hai tiêu chí này. Cứ cho là Van Persie nói thật lòng về việc anh không màng tới chuyện tiền bạc và những đề nghị về lương thưởng cao chót vót, cơ hội để anh cùng một trong bốn đội bóng trên chinh phục ngôi báu ở La Liga, Serie A, Ngoại hạng Anh và/hoặc Champions League rõ ràng lớn hơn hẳn, so với cơ hội dành cho anh, nếu tiếp tục ở lại Arsenal và hy vọng.
Vai trò của Van Persie ở Arsenal, về mặt chuyên môn thuần túy, không hề quan trọng tới mức không có anh, đội bóng không thể tồn tại. Mùa giải vừa qua là mùa đầu tiên Van Persie đá trên 45 trận cho Arsenal, kể từ khi anh được Wenger đưa về từ Feyernoord hè 2004. Đó cũng mới chỉ là mùa thứ ba trong tám mùa giải anh khoác áo Arsenal, tiền đạo này ghi được từ 20 bàn trở lên cho đội bóng (20 bàn mùa 2008-2009, 22 bàn mùa 2010-2011 và 38 bàn mùa 2011-2012). Nếu phải chứng minh Van Persie là chân sút hàng đầu thế giới, những con số trên chưa đủ thuyết phục.
Trong tám năm ở Arsenal, Van Persie ra sân 279 lần, chiếm 60,3% số 462 trận chính thức của CLB. Dù rằng Wenger chủ động cho Van Persie ngồi ngoài tại Cup Liên đoàn - sân chơi mà ông chủ trương chỉ dùng các tài năng trẻ - nhưng khách quan mà nói, đóng góp của tiền đạo người Hà Lan chắn chắn chưa thể tương xứng với vị thế ngôi sao số một của đội bóng như kiểu Ronaldo ở Real Madrid, Rooney ở MU hay Messi tại Barca. Thực tế vẫn là: Arsenal không thể cậy nhờ gì ở tiền đạo chủ lực của họ trong 40% số trận đấu.
Việc Van Persie đột nhiên bùng nổ ở mùa giải vừa qua - mùa đầu tiên kể từ khi đá cho Arsenal, anh không dính chấn thương và ghi bàn như máy - dường như đã làm tất cả, gồm người hâm mộ Arsenal và những đội bóng theo đuổi anh, quên đi các con số thực tế trên.
Wenger sẽ phải vất vả một thời gian đầu, nhưng thay thế Van Persie không hề là nhiệm vụ bất khả thi. |
Không phải ngẫu nhiên mà Arsen Wenger trụ vững ở Arsenal suốt 16 năm qua. Bất chấp cơn khô hạn danh hiệu bảy năm, ông vẫn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ ban lãnh đạo cũng như các CĐV Arsenal. Khi một ngôi sao ra đi, Wenger luôn biết cách phải tìm ai và làm thế nào để thay thế trong thời gian ngắn nhất. Ian Wright ra đi, Henry đến và trở thành biểu tượng mới. Vieira sang Juventus, Fabregas nổi lên trở thành ông chủ mới ở khu vực giữa sân. Henry sang Barca, Adebayor được bồi dưỡng để trở thành họng pháo chủ lực mới. Arteta xuất hiện và tỏa sáng, chẳng ai còn nhớ tới Fabregas...
Từ cuối mùa vừa qua, khi bắt đầu nhận thấy những tín hiệu tiêu cực từ đàm phán với Van Persie, Wenger đã nhanh tay đưa về Lukas Podolski. Mới đây, ông lại thuyết phục ban lãnh đạo chi tiếp 12 triệu bảng mua tuyển thủ Pháp, Vua phá lưới giải Ligue 1 Oliver Giroud. Với kinh nghiệm và sự mát tay từng chứng tỏ gần hai thập kỷ qua, Wenger có lẽ sẽ không quá khó để tích hợp bộ đôi tân binh này vào hệ thống và giúp họ tỏa sáng như ông đã giúp nhiều "Pháo thủ" khác.
Phương Minh