Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, "Linh vật là một thuật ngữ dùng để chỉ cho bất cứ biểu tượng chính thức nào, cho bất kỳ cá nhân nào, động vật và các đối tượng, chủ đề nào mà mang lại sự may mắn". Theo định nghĩa này, linh vật là biểu tượng may mắn, nó có thể là động vật, cây cối hay con người... Còn trong công văn số 2662 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, linh vật được nhìn nhận là "sư tử bằng đá và một số vật phẩm khác".
Thực ra, bản chất của linh vật, dù ở Việt Nam hay quốc gia nào, đều mang hai ý nghĩa rất tự nhiên là "mang đến may mắn" và "trừ tai họa, nguy hiểm". Nó có thể là bất cứ một biểu tượng nào. Do đó, dùng từ "linh khí" sẽ bao quát hơn từ linh vật và cũng tránh gây hiểu nhầm là con vật.
Linh khí của người Việt
Một số nhà nghiên cứu thường dựa vào thiện ác, dữ hiền để phân biệt linh khí Việt và ngoại lai. Đây là điều rất khó và không nói lên bản chất của vấn đề, đồng thời lại có tính kỳ thị dân tộc, quốc gia - điều nên tránh trong một xã hội hòa nhập. Hơn nữa sức mạnh của mãnh thú bảo vệ và trừ tà, mà hiền hay thiện thì sẽ mất tác dụng vốn có của nó.
Bản chất của vấn đề chính là phong tục tập quán và tư duy tiềm thức. Ban đầu, linh khí không phải là thứ dành cho người dân. Vua chúa Trung Hoa sử dụng linh khí để mang lại may mắn và trừ tà, cao hơn là thể hiện quyền uy và bảo vệ chủ nhân, tấn công kẻ thù, vì thế linh khí của người Trung Hoa mới có xu hướng dữ tợn.
Còn vua chúa Việt Nam sử dụng linh khí cũng để mang lại may mắn và trừ tà, cao hơn là thể hiện sự quy thuận chủ nhân, giữ lễ với chủ nhân, ít có xu hướng tấn công kẻ thù. Vì thế linh khí của người Việt mới có xu hướng hiền hơn. Đặc điểm dễ nhận thấy là các linh khí ngoại lai thường quay ra ngoài. Trong khi các linh khí người Việt thường hướng quay vào trong, phủ phục quy về hoặc nằm ngang chầu vào. Nhìn các hình tượng tại các đình đền cổ sẽ thấy rõ điều này.
Việc cấm sử dụng linh khí ngoại lai là điều rất khó. Người điêu khắc, chế tác có quyền sáng tác ra tác phẩm mới chẳng giống ai, làm ra sư tử Việt có dáng sư tử ngoại lai hay sư tử ngoại lai có nét mặt hiền từ của sư tử Việt...
Phương pháp hiệu quả nhất là tăng cường quảng bá về hình ảnh các linh khí cổ của người Việt, dù điều này không dễ dàng. Ví dụ, trong di tích Hoàng thành có một bức ảnh về sư tử gốm thời Đại La. Để thuyết phục và quảng bá nên có một mô phỏng thực tế tỷ lệ linh khí này để người dân nhìn và làm theo.
Lưu ý khi đặt linh khí
Tùy tiện đặt linh khí Việt hay ngoại lai đều lợi bất cập hại. Ví như hình tượng sư tử là mãnh thú, chúa tể nên không thích hợp đặt ở nhà dân, mộ dân mà chỉ nên đặt ở cơ quan công quyền, cơ quan hành chính lớn, với âm trạch chỉ hợp cho những người có chức quyền lớn. Đặt ở nhà dân sẽ tạo ra sát khí ngược "át vía" lại chính chủ nhà.
Thêm vào đó sư tử khi dùng trong phong thủy chủ yếu có tác dụng hóa giải sát khí, trấn giữ khu đất, khi không có sát khí mà đặt sư tử cũng có tác dụng ngược lại. Đền chùa, cơ quan hành chính, ngân hàng... đặt sư tử nhằm tăng tính uy nghiêm, trừ tà ma nhưng thực tế lại tạo cảm giác lạnh lẽo, một phần lại làm người dân sợ không dám đến. Cho nên thay vì đặt sư tử, có thể đặt con chó đá tạo sự gần gũi với người dân.
Bài, ảnh: Nguyễn Mạnh Linh
Viện Quy hoạch & Kiến trúc đô thị - ĐHXD