Hiện tượng tỳ hưu, sư tử đá có hình dáng theo mẫu Trung Quốc, châu Âu trước cổng, cửa các di tích, đền chùa, công sở Việt Nam rộ lên khoảng 10 năm trước và ngày càng phổ biến.
Ngay tại Hà Nội, có thể bắt gặp đôi tỳ hưu Bắc Kinh ở chùa Vân Hồ (phố Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội); đôi sư tử đá Trung Quốc nhe răng, giơ móng vuốt ở Đông Miếu hơn 600 năm tuổi của làng Cót (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) hay cặp sư tử đá theo phong cách châu Âu trước cổng di tích Đền - chùa Bà Tấm (Dương Xá, Gia Lâm)... Dọc phố Bà Triệu cũng có không ít sư tử đá Trung Quốc kích cỡ lớn án ngữ cửa các tòa nhà.
Ảnh: Linh vật ngoại lai án ngữ đền chùa Hà Nội
Tại di tích chùa cổ Chân Tiên (900 năm tuổi, trên phố Bà Triệu), sư tử đá được bày theo phong cách Âu - Á. Cặp sư tử trước khu vườn tháp của chùa được làm theo mẫu của Trung Quốc. Con sư tử được đức Phật ngồi lên, đỉnh tháp lại theo tạo hình châu Âu.
Sư thầy Thích Đàm Đức cho biết, những con sư tử này được nhà chùa làm khoảng hai năm trước. "Thầy không để ý lắm đó là sư tử Trung Quốc hay Việt Nam, chỉ nghĩ đặt nó ở khu vườn tháp cho oai vệ. Tuy hình tướng sư tử dữ dằn nhưng nó có tâm từ", sư thầy Đức nói.
Tại một số nơi ở các địa phương khác như: Chùa Hà Tiên (Vĩnh Phúc), bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc, đường lên chùa Linh Ứng (Đà Nẵng) cũng có sư tử đá kiểu Trung Quốc, châu Âu án ngữ. Hầu hết hiện vật có nguồn gốc ngoại lai là do người dân cúng tiến.
PGS Trần Lâm Biền, ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia ví: "Chúng ta thành cái đuôi của văn hóa nước ngoài. Đem hai tên lính ngoại quốc canh cửa nhà mình, liệu có được yên ổn".
PGS Biền phân tích, sư tử đá Việt Nam là linh vật biểu trưng cho sức mạnh Phật giáo, xuất hiện từ thời Lý. Trong hệ thống di tích văn hóa quốc gia chùa Phật Tích (Bắc Ninh) được xây dựng từ thời vua Lý Thánh Tông vẫn lưu giữ đôi sư tử đá cổ. Những con sư tử đá Việt Nam này có tạo hình giống con lân, trên thân mình có nhiều hoa văn như đang cõng cả bầu trời chuyển động, như đài sen đưa Đức Phật đi khai sáng thế gian. Người Việt Nam chủ yếu là nông dân, tính tình hiền lành chất phác nên có nền văn hóa cũng mềm mại, uyển chuyển. Sư tử đá của ta vì thế trông cũng hiền lành, hướng nội.
"Sư tử đá Trung Quốc thì hình tướng dữ dằn, mang tính đe dọa, thường đặt ở lăng mộ do phân hóa xã hội cao. Con tỳ hưu cũng là của kinh tế thương mại phân hóa cao ở Trung Quốc. Con vật này không có hậu môn, chỉ ăn vào mà không thải ra thể hiện mong muốn của thương nhân chỉ thu tiền vào mà không bị mất mát", ông Biền nói.
Theo PGS Biền, do sự thiếu hiểu biết nên người dân tin vào lời đồn thổi sư tử đá, tỳ hưu án ngữ sẽ bảo vệ gia chủ, giúp phát tài nên mua về nhà hoặc cung tiến vào đền chùa, di tích để trấn an, cho nơi đó oai phong.
PGS Biền cực lực phản đối chuyện để sư tử, tỳ hưu ngoại lai trong di tích của tổ tiên bởi: "Di tích không chỉ gắn với vấn đề tôn giáo tín ngưỡng mà vấn đề lớn hơn là bản sắc văn hóa dân tộc, là lịch sử, tâm hồn của tổ tiên gửi lại cho mai sau". Việc trưng bày, sử dụng, cung tiến biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam sẽ làm méo mó lịch sử, xóa nhòa bản sắc của nước ta.
Trước thực trạng sử dụng biểu tượng, linh vật ngoại lai, Bộ Văn hóa đã ra công văn gửi Sở Văn hóa các tỉnh, thành, các cơ quan đơn vị đề nghị: Không trưng bày, sử dụng, cung tiến biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; Tuyên truyền, vận động những nơi đang sử dụng tháo dỡ những vật phẩm nói trên ra khỏi nơi công cộng, đặc biệt là các khu di tích lịch sử văn hóa tại địa phương; đồng thời giao Sở Văn hóa tuyên truyền, kiểm tra và đề xuất xử lý nếu phát hiện sai phạm.
Quỳnh Trang