(WeblogProject) |
Nhiều công ty truyền thông lớn đang bận rộn đầu tư xây dựng mạng tốc độ cao. Họ không chỉ đem đến kết nối Internet nhanh hơn, mà còn muốn thâm nhập vào cả lĩnh vực truyền hình độ phân giải cao (HD). Ngược lại, các hãng truyền hình cũng nhận thức rõ nhu cầu truyền tải nội dung tương thích đa nền tảng, gồm TV truyền thống, các dịch vụ tải file và thiết bị không dây.
Tại Bắc Mỹ, một số công ty như Verizon và Telus đang chủ động phát sóng chương trình HD. Tuần trước, nhiều nhân viên công sở đã dán mắt vào màn hình máy tính khi mạng CBS truyền trận đấu bóng rổ NCAA trực tuyến. Hàn Quốc còn tiến xa hơn bởi hiện nay, hàng nghìn người dân nước này đã có thể thưởng thức TV chất lượng cao qua điện thoại di động.
Tháng qua, mỗi trang MSN Video và Youtube đã thu hút gần 10 triệu lượt truy cập. Con số này không đáng là bao so với lượng khán giả của mạng truyền hình nhưng cũng cho thấy hiện tượng chia sẻ file đang bắt đầu nở rộ. Youtube, hiện sở hữu 25 triệu video và đăng 15 triệu file mỗi ngày, cũng chỉ mới ra mắt trong năm 2005. Hầu hết các video của Youtube đều là những đoạn phim ngắn, chỉ khoảng vài giây đến vài phút.
Video trên những site chia sẻ được chia làm 3 loại. Loại đầu tiên là file nghiệp dư. Bộ phận này chiếm tỷ lệ cao trong số các bộ sưu tập nhờ xu hướng tự sản xuất và đăng video trên các trang blog. Mỹ, việc tự tạo nội dung đã xuất hiện từ lâu nhưng không thể phổ biến rộng trước công chúng và rất dễ bị lãng quên, trừ khi chúng được chiếu trên những chương trình nổi tiếng như American Funniest Home Videos...
Loại thứ hai là tập hợp các clip sẵn có trong một video theo phong cách riêng. Ví dụ, khi nhập từ khóa thủ tướng Tony Blair hay tổng thống George Bush, Youtube hiển thị hàng trăm video khác nhau về các tuyên bố chính trị nổi tiếng. Tương tự, cầu thủ bóng đá người Anh David Beckham hay ngôi sao môn khúc côn cầu trên băng người Nga Alexander Ovechkin cũng xuất hiện nhiều trên các site video.
Loại hình thứ 3 - video ghi lại các chương trình truyền hình - là thể loại gây tranh cãi nhất. Một số clip được sự chấp thuận của đài truyền hình, nhưng đa phần chúng được lưu hành miễn phí và gây bất bình cho nhà sản xuất. Chẳng hạn, gần đây, hai đoạn video về chương trình Saturday Night Live đã thu hút hàng triệu lượt người xem khiến tập đoàn NBC phải gửi thư yêu cầu các site chia sẻ video gỡ bỏ những clip này.
Nhiều công ty nghe nhìn lại đang săn lùng các file nghiệp dư hoặc sử dụng website chia sẻ video làm đòn bẩy cho chương trình của họ. Kênh MTV2 và Deep Focus đang thỏa thuận với Youtube để phân phối nội dung ngay trên trang này. Nhưng nhìn chung, "văn hóa clip" vẫn là một thách thức mới đối với các hãng truyền thông, bởi hiện nay, người sử dụng không còn hài lòng với việc chỉ ngồi xem các chương trình, mà còn muốn có khả năng chia sẻ và tái tạo lại nội dung đó.
P.T. (theo BBC)