Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cho biết đang nghiên cứu và đề xuất một ứng dụng thống nhất tại thành phố. Ứng dụng này sẽ tích hợp dữ liệu tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm, mã QR các phương tiện vận tải... Qua đó, người dân có thể lấy mã QR để tham gia lưu thông, tới nơi công cộng, tham gia làm việc tập trung, khai báo y tế, xét nghiệm, quét mã "check-in" tại các địa điểm... Trước đó, một số tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Huế cũng xây dựng ứng dụng riêng phục vụ công tác phòng chống dịch.
Một số độc giả của VnExpress cho biết việc các địa phương làm ứng dụng riêng khiến họ phải cài nhiều phần mềm khi di chuyển liên tỉnh. Có ý kiến e ngại rằng đề xuất mới của TP HCM có thể tạo tiền lệ "mỗi tỉnh thành một ứng dụng", gây phiền phức cho người dùng.
"Nếu tỉnh nào cũng làm, sắp tới chúng ta sẽ có thêm 63 ứng dụng y tế", độc giả Hào Kiệt bình luận. Còn độc giả Trấn Vũ chia sẻ: "Các ứng dụng hiện nay đều phát sinh nhiều lỗi trong quá trình sử dụng. Thay vì phân tán nguồn lực, địa phương nên cùng cả nước làm một ứng dụng thực sự tốt. Có thể chậm một chút nhưng thống nhất, đỡ phải đổi qua đổi lại mất thời gian".
Trong khi đó, theo một số chuyên gia, việc các tỉnh thành làm ứng dụng riêng vẫn mang lại những giá trị nhất định cho người dùng và doanh nghiệp tại địa phương đó. Trong tọa đàm trực tuyến bàn về thống nhất ứng dụng phòng chống dịch do VnExpress tổ chức ngày 14/9, ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch Công ty DTT kiêm Giám đốc điều hành đề án ITrithuc, cho rằng cách làm ứng dụng riêng của TP HCM "không phải không có lý".
Ở vai trò người cố vấn về Chính phủ điện tử, ông cho biết dữ liệu hiện nay được phân cấp để quản lý, nên có dữ liệu mà chính quyền thành phố có, nhưng quốc gia chưa chắc có. Theo ông, nếu thành phố tích hợp được những dữ liệu họ có vào một ứng dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hiệu quả hơn thì là điều nên làm.
"Nếu huy động được sức mạnh của dữ liệu đó để giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, người dân di chuyển dễ dàng hơn, tôi nghĩ sẽ mang lại những giá trị mới, thậm chí vượt trội so với việc tạo ra một ứng dụng mới", ông Trung nhận định.
Đồng quan điểm, ông Phạm Nam Long, CEO công ty Abivin chuyên về logistic, cho rằng các giải pháp, ứng dụng công nghệ nên xuất phát từ chính nhu cầu của mỗi địa phương. Các địa phương có thể đưa ra bài toán cụ thể: họ đang quản lý dữ liệu gì, cần thực hiện quy trình gì, cần các loại báo cáo nào... từ đó đưa ra đề bài cho các doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ triển khai.
"Bài toán lớn có thể được bổ ra thành các bài toán nhỏ, để doanh nghiệp cùng tham gia làm. Tuy nhiên, khi làm xong đây sẽ thành hệ thống của chính quyền địa phương. Dữ liệu do địa phương quản lý, còn doanh nghiệp sẽ chỉ làm nhiệm vụ của họ", ông Long chia sẻ.
Tuy nhiên, theo hai chuyên gia này, khi làm ứng dụng riêng, địa phương cũng cần tìm ra những giá trị mới, giúp người dân và doanh nghiệp ở đó thuận tiện hơn, chứ không phải làm lại một ứng dụng giống hệt ứng dụng quốc gia. Khi đó sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, gây phiền phức cho người dùng.
Tại tọa đàm, ông Lê Nhật Quang, Phó giám đốc Khu công nghệ phần mềm (Đại học Quốc gia TP HCM), cho biết thành phố sẽ phát triển một ứng dụng khai báo y tế, kết nối với dữ liệu chung trên nền tảng dữ liệu quốc gia trong liên thông dữ liệu để các quận thí điểm hoạt động. Với người dân, ứng dụng sẽ có các thông tin được đồng bộ gồm: Khai báo y tế, lịch sử tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm và với những trường hợp cách ly tại nhà có theo dõi sức khoẻ. Dữ liệu sẽ kết nối với các ứng dụng khác hiện có.
Tuần trước, Chính phủ chỉ đạo trong thời gian sớm nhất cần có ứng dụng duy nhất phục vụ chống dịch, để thuận tiện cho người dân. Thông tin người dân đã khai báo trên các ứng dụng trước đây sẽ được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng mới, không phải thực hiện lại. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ra hướng dẫn về việc sử dụng QR chung cho toàn bộ nền tảng, ứng dụng phòng chống Covid-19 tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Tử Quảng, Kiến trúc sư trưởng Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, cho hay từ cách đây 3 tháng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập trung tâm với mục tiêu kết nối các ứng dụng chống dịch lại với nhau dưới một thiết kế chung. "Sắp tới sẽ có một phần mềm tham gia phòng chống dịch hiệu quả, người dân có thể sử dụng thuận lợi hơn", ông Quảng nói.
Lưu Quý