Giới chức Philippines hôm 18/6 cho hay hải cảnh Trung Quốc đã "cản trở hai xuồng cao su của hải quân nước này đang chuyển hàng tiếp tế" cho các binh sĩ đồn trú trên tàu chiến BRP Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây. Xô xát, va chạm xảy ra sau đó khiến ít nhất 8 thủy thủ Philippines bị thương, trong đó một người bị mất ngón tay cái.
Trong khi đó, hải cảnh Trung Quốc cáo buộc Philippines "hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự việc". Họ cho biết một tàu Philippines "phớt lờ những cảnh báo liên tục và tiếp cận một cách nguy hiểm, thiếu chuyên nghiệp tàu Trung Quốc đang di chuyển bình thường, dẫn đến va chạm".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay tàu tiếp vận đi cùng với hai xuồng cao tốc Philippines đang cố vận chuyển vật liệu xây dựng và các vật tư khác cho BRP Sierra Madre. Bắc Kinh mô tả hành động của hải cảnh Trung Quốc là "chuyên nghiệp, kiềm chế, hợp lý và hợp pháp".
Đây là một trong nhiều vụ va chạm diễn ra gần đây giữa hải cảnh Trung Quốc và lực lượng Philippines liên quan đến các hoạt động gần bãi Cỏ Mây, một trong những điểm nóng tranh chấp giữa hai nước trên Biển Đông. Lực lượng Philippines và Trung Quốc nhiều lần cáo buộc lẫn nhau gây căng thẳng tình hình thực địa.
"Mỗi khi Philippines có bất kỳ phản ứng nào, Trung Quốc lại tăng cường độ. Khi Philippines bổ sung hai tàu cảnh sát biển, Trung Quốc sẽ tăng thêm 6 tàu hải cảnh", Andrew J. Masigan, cố vấn đặc biệt cho dự án Nghiên cứu Truyền thông Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Truyền thông Trung Đông (MEMRI), nhận xét.
Masigan cho rằng Philippines sẽ nỗ lực củng cố liên minh Mỹ - Australia - Philippines - Nhật Bản, đồng thời tăng cường hợp tác với các nước khác trong khu vực.
Tổng thống Philippine Ferdinand Marcos Jr. gần đây nhấn mạnh vai trò của Biển Đông đối với thế giới, cảnh báo đây có thể "không còn là vấn đề khu vực nữa".
"Biển Đông là tuyến đường phục vụ một nửa khối lượng thương mại của thế giới và do đó hòa bình, ổn định cũng như tự do hàng hải ở Biển Đông là một vấn đề toàn cầu", ông nhấn mạnh.
Căng thẳng trên biển giữa Trung Quốc và Philippines tăng nhiệt đáng kể gần đây. Hải quân và hải cảnh Trung Quốc bị cáo buộc chiếu tia laser cấp độ quân sự và phun vòi rồng công suất lớn vào cả tàu dân sự và tàu cảnh sát biển Philippines. Hồi đầu tháng, hải cảnh Trung Quốc bị cáo buộc ngăn chặn tàu tiếp tế, đổ thực phẩm dành cho lính Philippines đồn trú trên tàu Sierra Madre xuống biển.
Khi được yêu cầu bình luận về tình hình ở bãi Cỏ Mây, các quan chức Trung Quốc đã nhắc lại quan điểm rằng khu vực này thuộc về họ và tàu Philippines phải được kéo đi.
Dean Karalekas, tác giả cuốn sách "Quan hệ dân sự - quân sự ở Đài Loan: Bản chất và sự biến đổi", nhận định đây có thể là cách Trung Quốc thử thách "lằn ranh đỏ" của Mỹ. Về lý thuyết, tàu chiến cũ nát BRP Sierra Madre mắc cạn ở bãi Cỏ Mây từ năm 1999 vẫn là một chiến hạm trong biên chế hải quân Philippines và Manila từ chối loại biên nó, dù con tàu đã xuống cấp nghiêm trọng.
"Trung Quốc muốn biết liệu Mỹ có sẵn lòng tham gia vào một cuộc xung đột trên Biển Đông hay không", ông nói, thêm rằng căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh hiện tại rõ ràng là một phép thử tốt.
Karalekas lưu ý Trung Quốc cũng có thể "đánh giá thời gian phản ứng của Mỹ, quan sát chiến thuật của họ và thu được kinh nghiệm vô giá khi chiến đấu với hải quân Mỹ, trong một cuộc xung đột ít rủi ro mà họ hoàn toàn có khả năng dễ dàng rút lui mà không bị mất mặt".
Căng thẳng liên quan đến bãi Cỏ Mây đến nay đã dẫn tới một số động thái phản ứng nhất định. Quân đội Mỹ, Philippines, Nhật Bản và Australia đang thảo luận về việc hợp tác chặt chẽ hơn. Mỹ được cho là đang xem xét cung cấp cho Philippines máy bay không người lái (UAV), máy bay vận tải và các hệ thống phòng thủ khác.
Vũ Hoàng (Theo Fox News, Reuters, AFP)