Thermo King, công ty đã cách mạng hóa vận chuyển thực phẩm qua những phương pháp kiểm soát nhiệt độ tiên tiến trước Thế chiến II, đang làm việc với các công ty dược phẩm, chính phủ và các công ty hậu cần để đảm bảo vaccine Covid-19 được bảo quản đúng cách trước khi tới các trung tâm tiêm chủng và bệnh viện.
Để làm được điều này, họ cải tiến loại container vốn dùng để vận chuyển cá ngừ sang Nhật Bản, mặt hàng yêu cầu giữ lạnh ở điều kiện tương tự vaccine. "Chúng tôi sử dụng và cải tiến loại container này", Francesco Incalza, chủ tịch Thermo King ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi, nói.
Cá ngừ đòi hòi bảo quản lạnh ở nhiệt độ -60 độ C để duy trì chất lượng và màu đỏ sậm khi đưa tới hệ thống siêu thị và nhà hàng, Incalza nói. Vaccine Covid-19 do Pfizer và BioNTech phát triển đòi hỏi bảo quản ở -70 độ C khi vận chuyển.
Vì vậy, Thermo King đã bổ sung thêm lớp cách nhiệt trong container, điều chỉnh hệ thống làm lạnh sâu hơn, để biến mỗi container dài hơn 6 m của mình có thể chứa được 300.000 liều vaccine Pfizer, loại vaccine đầu tiên được các nước phương Tây phê duyệt, bằng đường bộ hay đường biển. Một số container đã được bán. Incalza cho hay thông thường loại phát minh này mất vài năm phát triển.
Mặt hàng dược phẩm thường phải giữ lạnh ở 2-8 độ C trong quá trình vận chuyển, nhưng vaccine của Pfizer thì khác. Đây là lần đầu một loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA được phê duyệt. Công nghệ này đưa thông tin di truyền (mRNA) của virus vào cơ thể để cơ thể tự sản xuất protein của virus và kích hoạt hệ thống miễn dịch chống lại mầm bệnh.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine Pfizer hôm 11/12. Vương quốc Anh bắt đầu tiêm chủng diện rộng cho người dân hôm 8/12, còn Canada bật đèn xanh cho loại vaccine này hôm 9/12.
Một loại vaccine khác do Moderna (MRNA) sản xuất cũng sử dụng công nghệ mRNA, có thể được chính phủ các nước phê chuẩn trong vài tuần tới. Nó yêu cầu giữ lạnh ở -20 độ C.
Các chuyên gia về chuỗi cung ứng cho rằng việc lưu trữ vaccine mRNA ở nhiệt độ đủ lạnh là một trong những vấn đề chính đối với công tác phân phối vaccine trên khắp thế giới. Nhưng họ cho rằng công việc này hoàn toàn khả thi nhờ cái gọi là "chuỗi lạnh", hình thành qua hàng chục năm vận chuyển thực phẩm và dược phẩm khắp thế giới.
"Cần phải lên kế hoạch cẩn thận và cụ thể", Burak Kazaz, giáo sư về quản lý chuỗi cung ứng tại đại học Syracuse, bang New York, Mỹ, nói. "Không phải là không thể làm được, mà chúng ta phải rất cẩn thận".
Công nghệ này không hề rẻ. Đại học Hoàng gia London lưu ý phần lớn chi phí của các chương trình tiêm chủng nằm ở vận chuyển lạnh, yêu cầu có thể chiếm tới 80% tổng chi phí.
Tuy nhiên, theo Tom Jackson, tác giả cuốn "Giữ lạnh: Tủ lạnh đã thay đổi thế giới như thế nào và có thể thay đổi lần nữa", cho rằng cơ chế vận chuyển hàng hóa nhạy cảm và đòi hỏi kiểm soát nhiệt độ đã có sẵn.
"Nếu giữ được nhiệt độ thích hợp, chúng ta có thể vận chuyển bất kỳ thứ gì đi bất kỳ đâu và bảo quản bao lâu tùy ý", Jackson nói.
Theo Jackson, Frederick McKinley Jones và Joseph Numero, hai nhà sáng lập của Thermo King, đã góp phần để thực hiện điều này. Ông cho hay Jones đã phát triển một thiết bị giữ lạnh hiệu quả hơn có thể đặt sau xe tải sau khi một người bạn chơi golf phàn nàn với Numero, đối tác kinh doanh của ông, về một lô hàng thịt gà bị hỏng trong quá trình vận chuyển năm 1938.
Theo Bộ Giao thông Vận tải Mỹ, Thermo King đã phát triển chóng mặt trong Thế chiến II, khi công nghệ của họ được sử dụng để bảo quản máu, thuốc và thực phẩm. Hai ông đã được Tổng thống George H.W. Bush trao trặng Huân chương Quốc gia về Công nghệ năm 1991. Jones là người da màu đầu tiên nhận vinh dự này.
Nhiều năm sau, Thermo King tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý một cuộc khủng hoảng khác. Hồi tháng 10, David Regnery, chủ tịch công ty Trane Technologies, công ty mẹ của Thermo King, cho biết công ty đã phát triển loại tủ đông lạnh di động có công suất gấp 60 lần so với những loại dùng cho thị trường dược phẩm trước đây.
Đó là loại container vận chuyển cá ngừ được cải tiến. Sản phẩm mới, được phát triển theo tham vấn với các nhà sản xuất thuốc, là "cơ hội lớn cho Thermo King", Regnery nói.
Dự đoán nhu cầu sẽ tăng vọt, Thermo King bắt đầu tăng cường sản xuất container đông lạnh mới tại nhà máy ở Trung Quốc vài tháng trước, Incalza cho biết. Ông coi việc phân phối những liều vaccine đầu tiên vào cuối năm nay là một phần trong quá trình thử nghiệm quan trọng trước khi thực hiện nhiệm vụ lớn hơn vào 2021.
"Khi mùa xuân tới, hàng tỷ tỷ liều vaccine sẽ cần phân phối", ông nói.
Ông lưu ý ngoài thời gian đại dịch, loại container qua cải tiến này còn có thể chứng minh tính hữu dụng với các liệu pháp chữa trị bằng gene và dược phẩm sinh học mới, những loại cũng đòi hỏi vận chuyển và lưu trữ ở nhiệt độ cực lạnh.
"Ngày càng nhiều sản phẩm cần vận chuyển ở nhiệt độ cực thấp, vì vậy, một thị trường mới cho loại thiết bị này đang mở ra", ông nói.
Tuy nhiên, nhiều thách thức lớn vẫn tồn tại, bao gồm việc làm thế nào để vận chuyển vaccine tới những khu vực kém phát triển, nơi thiếu cơ sở hạ tầng làm lạnh ở nhiệt độ tương đương. Incalza cho rằng ở những khu vực này, Thermo King sẽ triển khai các loại tủ đông nhỏ hơn có thể đạt nhiệt độ -30 độ C, dùng cho vaccine Moderna và những loại khác, vì chúng dễ dàng vận chuyển hơn.
An ninh cũng là vấn đề cần lưu ý. Hồi đầu tháng, Tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM cho biết họ phát hiện tin tặc đã tấn công vào hệ thống chuỗi lạnh mà những nỗ lực này "có dấu hiệu là cuộc tấn công do nhà nước bảo trợ". Các công ty vận hành chuỗi lạnh khẳng định sản phẩm của họ đảm bảo an toàn và tin tặc không phải vấn đề lớn.
Việc phân phối vaccine chắc chắn là một nhiệm vụ khó khăn nhưng Michael Berg, CEO của Envirotainer, một công ty Thụy Điển chuyên vận chuyển dược phẩm lạnh bằng đường hàng không, cho rằng ngành công nghiệp chuỗi lạnh có thể làm được điều này.
"Sẽ cần lên nhiều phương án và mọi công ty đều phải nâng cao năng lực", Berg nói. "Nhưng tất cả những điều này đang được tiến hành".
Hồng Hạnh (Theo CNN)