6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của VN sang các nước ASEAN đạt 3,8 tỷ USD, trong khi nhập khẩu lên tới 6,9 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang ASEAN hiện vẫn là dầu thô, gạo, linh kiện điện tử, dệt may, thủy sản, lạc nhân, cà phê và cao su, trong đó hai mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch và tỷ trọng lớn nhất là dầu thô và gạo.
Tuy nhiên, con số nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam thời gian qua cũng cho thấy Việt Nam đang nhập siêu từ khu vực này. Riêng 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chính là máy móc thiết bị, phân bón, hóa chất nguyên liệu, xăng dầu.
Trao đổi với VnExpress bên lề "Diễn đàn 100 nhà doanh nghiệp khu vực Đông Nam Á" sáng nay, ông Hoàng Văn Dũng - Phó chủ tịch thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN còn khiêm tốn là do cơ cấu hàng sản xuất và xuất khẩu của hai bên tương đối giống nhau, đều dựa trên nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, lắp ráp và gia công...
Bên cạnh đó, dung lượng thị trường và thu nhập của một số nước lớn trong ASEAN như Indonesia, Phillipines cũng chưa phải là cao nên những mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang ASEAN là dầu thô và nông sản. Những hàng có giá trị cao thường được xuất sang Nhật Bản, EU, Mỹ.
Theo ông Dũng, để đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập siêu, các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh cho hàng hóa, tận dụng những lợi thế ASEAN là thị trường gần, có nhiều nét tương đồng, dân số đông, tốc độ tăng trưởng cao, chi phí cho quảng cáo và tiếp thị thấp. Những cơ hội này nếu biết tận dụng sẽ giúp các doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn vào các nước thành viên ASEAN để tăng thị phần và xây dựng thương hiệu của mình.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu tham dự diễn đàn sáng nay là làm thế nào để các nước ASEAN thu hút được nhiều FDI trong bối cảnh nổi lên của Trung Quốc và Ấn Độ. Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, đây là hai quốc gia lớn và có quan hệ mật thiết với Việt Nam. Chính vì thế, sự phát triển của hai nước này và của Việt Nam sẽ hỗ trợ và hậu thuẫn cho nhau.
Trong khi đó, theo ông Hoàng Văn Dũng, Trung Quốc, Ấn Độ phát triển chắc chắn cũng sẽ có nhu cầu nhập hàng của Việt Nam. Điều quan trọng là các doanh nghiệp trong nước phải biết nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa, chuyển từ việc chỉ xuất thô trước đây sang xuất khẩu hàng chế biến.
Sáng nay, Diễn đàn 100 nhà doanh nghiệp khu vực Đông Nam Á đã diễn ra tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tham dự với tư cách là khách mời danh dự của diễn đàn. Tại đây, Thủ tướng đã kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài cũng như xóa bỏ dần các rào cản. |
Hà Vy