Giao dịch, thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam vẫn rất phổ biến. |
Theo yêu cầu của Chính phủ, một trung tâm thông tin về phòng chống rửa tiền phải được thành lập. Đây sẽ là cơ quan đầu mối thu thập và xử lý các thông tin về những giao dịch đáng ngờ do ngân hàng thương mại gửi tới. Đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định và tạo cơ chế cho việc ra đời của cơ quan chuyên trách này.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress sáng nay, Phó chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đăng Hồng cho biết, vài ngày nữa mới có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 74. Cơ cấu nhân sự của trung tâm thông tin cũng đang trong quá trình hoàn tất. Dự kiến, trong thời gian chưa ban hành thông tư, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những hướng dẫn cụ thể gửi tới các ngân hàng thương mại để thực hiện các quy định chung về phòng chống rửa tiền. Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, chưa có hướng dẫn nhưng ngay từ hôm nay, các ngân hàng thương mại bắt đầu thực hiện thống kê các giao dịch cần báo cáo.
Theo dòng sự kiện | |
|
"Chúng tôi chưa nhận được chỉ đạo chính thức về việc này", Giám đốc Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam Nguyễn Danh Lương trả lời về kế hoạch triển khai Nghị định 74/CP tại đơn vị mình. Nhiều ngân hàng thương mại khác cũng chưa thực sự bắt tay vào cuộc. Một quan chức Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết ngân hàng đang nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và trang bị kiến thức cho cán bộ, nhân viên để thực hiện quy định chung của Chính phủ về phòng chống rửa tiền. "Tuy nhiên, phải chờ trung tâm thông tin của Ngân hàng Nhà nước ra đời và có hướng dẫn cụ thể thì BIDV mới có thể triển khai", vị quan chức này nói.
Theo lãnh đạo một nhà băng cổ phần trên địa bàn Hà Nội, các quy định về báo cáo, thống kê những giao dịch đáng ngờ không quá khó khăn đối với ngân hàng thương mại. Bởi khi Nghị định 74 chưa ra đời, ngân hàng đã có rất nhiều giao dịch thuộc tiêu chuẩn phải báo cáo. "Hằng ngày, hằng tuần hay hằng tháng có rất nhiều thông tin phải báo cáo và liên hệ giữa các ngân hàng thương mại với Ngân hàng Nhà nước. Bản thân việc thống kê, báo cáo chỉ mang tính định lượng và hầu hết đã được tự động hoá, vì vậy có thêm một khoản báo cáo không phải quá khó khăn với ngân hàng. Chỉ có điều, các ngân hàng lo sẽ mất khách nếu khách hàng không hiểu đúng các quy định về phòng chống rửa tiền", ông trao đổi. Ông cho biết thêm, ngay từ hôm nay, ngân hàng của ông sẽ bắt đầu thực hiện các quy định về giám sát, thống kê những giao dịch đáng ngờ. Còn những công việc liên quan tới Trung tâm Thông tin Phòng chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước sẽ chờ khi nào cơ quan chuyên trách này ra đời sẽ thực hiện.
Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận đó là các ngân hàng thương mại phải theo dõi chặt và báo cáo đầy đủ những giao dịch có giá trị lớn nhằm phòng ngừa các thương vụ rửa tiền. Trước mắt, những giao dịch (gồm VNĐ, ngoại tệ, vàng) trong ngày của một cá nhân, hay tổ chức mà tổng trị giá từ 200 triệu đồng trở lên (với tiền mặt) hoặc 500 triệu đồng (với các khoản tiết kiệm) sẽ thuộc diện giám sát và báo cáo. Theo các ngân hàng thương mại, hạn mức này tương đối thấp và việc báo cáo, giám sát có thể gây phiền hà cho khách hàng, khiến họ ngại gửi tiền qua tài khoản.
Trao đổi với báo chí, Thống đốc Lê Đức Thuý khẳng định, thực hiện phòng chống rửa tiền, bí mật tiền gửi của khách hàng vẫn được đảm bảo. Bởi Nghị định 74 không yêu cầu báo cáo số dư tài khoản của ngân hàng, chỉ yêu cầu giám sát và báo cáo các giao dịch có giá trị lớn. Và quá trình báo cáo, xử lý thông tin này hoàn toàn không ảnh hưởng tới giao dịch của khách hàng với ngân hàng.
S.L.