Ông Klaus Rohland.
Ảnh: Vneconomy.
- Tham nhũng và nhận hối lộ là vấn đề không thể chấp nhận được. Do đó chúng ta cần phải có cách tiếp cận theo hướng xử phạt, nhưng không thể coi đó là chiến lược chống tham nhũng.
Chiến lược này phải tập trung vào việc thiết lập ra các hệ thống mà trước hết phải minh bạch, cởi mở để tất cả mọi người đều biết. Ví dụ như sử dụng chính phủ điện tử là một cách tiếp cận rất hứa hẹn để nâng cao minh bạch. Bên cạnh đó cũng phải thiết lập trách nhiệm giải trình, để mọi người làm việc trong chính phủ giải trình những vấn đề cụ thể.
Cuối cùng, phải thay đổi từ cách tiếp cận muốn quản lý tất cả mọi thứ để chuyển sang cách tiếp cận xác định những lĩnh vực rủi ro, đánh giá rủi ro và đưa ra cách để vượt qua những rủi ro đó.
Tham nhũng là vấn đề cần xử lý mạnh tay, nhưng cũng không thể nào giải quyết một sớm một chiều được.
- Theo ông, đến thời điểm nào Việt Nam có thể tự đi lên với tư cách nước khá phát triển?
- Ngân hàng Thế giới làm việc thông qua hai cửa sổ cấp vốn. Một cửa sổ là những hỗ trợ ưu đãi dành cho những khoản nợ có ân hạn và cho vay dài hạn không có lãi suất với các nước có thu nhập thấp.
Cửa sổ ưu đãi này chắc chắn sẽ hết hạn khi nào Việt Nam đã đạt được mức thu nhập trung bình, ở ngưỡng khoảng 1.000 USD mỗi người một năm. Lúc đó, Việt Nam vẫn được tiếp cận với nguồn vốn vay không lãi suất dành cho các nước nghèo, từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) trong khoảng 3 năm nữa, sau đó sẽ không còn được áp dụng. Nên Việt Nam có thể tranh thủ đến năm 2012-2013.
Từ đó trở đi, chúng tôi sẽ cung cấp vốn với lãi suất sát với thị trường hơn. Đó là Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế (IBRD) cung cấp khoản vay với những nước có thu nhập cao hơn như Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ... Cửa sổ cho vay này sẽ được duy trì cho đến khi Việt Nam đạt đẳng cấp của các nước phát triển. Có thể vào năm 2020 hay ngoài năm 2020.
- Ông đánh giá khả năng trả nợ nước ngoài của Việt Nam như thế nào?
- Nợ nước ngoài hiện nay của Việt Nam hoàn toàn là nợ được hưởng lãi suất thấp, nên tỷ lệ trả nợ khoảng 6% so với khoản thu của Việt Nam từ nguồn xuất khẩu. Như thế là tỷ lệ thấp so với chuẩn quốc tế. Chúng tôi không thấy nước nào có tỷ lệ trả nợ so với thu nhập từ xuất khẩu thấp giống như ở Việt Nam.
- Mức độ giải ngân vốn ODA của Việt Nam năm nay đạt 1,8 tỷ USD. Như vậy liệu đã đạt mong muốn các nhà tài trợ?
- Chúng tôi rất mong Chính phủ có giải ngân tốt hơn. Không phải chỉ vì chúng tôi muốn rót tiền cho nhanh, mà điều quan trọng là giải ngân sẽ dẫn tới đầu tư.
Tất cả mọi đầu tư càng trì hoãn thì càng lâu thu được lợi ích. Nên chúng tôi rất mong Việt Nam đạt tốc độ thực hiện đầu tư làm sao nhanh hơn chứ không phải là tiêu tiền nhanh hơn. Có thể do tình trạng quan liêu của Chính phủ nên việc ra quyết định liên quan đến quá nhiều phòng ban, quá nhiều người, mất nhiều thì giờ và cũng là liên quan đến sự e ngại không muốn phải lãnh chịu rủi ro.
Những tác động của những vụ scandal như vụ PMU 18 đối với sự sẵn sàng của các quan chức Chính phủ trong việc đưa ra quyết định cần cân nhắc. Đừng vì vụ đó mà ngại trách nhiệm. Nó cũng liên quan đến chiến lược quản trị và chống tham nhũng.
Bên cạnh việc cải thiện chỉ số giải ngân, chúng tôi cho rằng năm sau những vấn đề đặt ra vẫn liên quan đến cải cách hành chính công. Đây cũng là vấn đề then chốt trong những lĩnh vực cải cách được đưa ra tại Hội nghị CG. Chính phủ Việt Nam cần phải đối mặt với thách thức để thúc đẩy trở thành nước có thu nhập trung bình và không chỉ dừng lại ở đó mà còn phải nâng nền kinh tế Việt Nam hội nhập với thế giới.
(Theo TBKTVN)