Thông tin này được nêu tại hội thảo trực tuyến Chất lượng thông tư và công văn - góc nhìn từ doanh nghiệp, do Phòng Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Báo cáo của VCCI cho thấy, chất lượng văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao như luật, nghị định đã rõ ràng, cụ thể hơn trước. Song, thực tế doanh nghiệp vẫn phải chờ thông tư hướng dẫn mới có thể thực thi luật.
Số lượng thông tư được các bộ, ngành ban hành lớn hơn nhiều so với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Đơn cử, trong khoảng 5 năm (2016 - 2020), các bộ, ngành đã ban hành hơn 2.530 thông tư và thông tư liên tịch để hướng dẫn các luật, nghị định.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận xét, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền của thông tư rất thấp (dưới nghị định và luật), nhưng thực tế ngược lại. Có thông tư chưa thống nhất với nghị định hoặc quy định thiếu rõ ràng, tạo cách hiểu không nhất quán và ách tắc trong thực thi pháp luật, thậm chí thông tư còn "to hơn cả luật".
Mặt khác, theo quy định, thông tư không được "cài" điều kiện kinh doanh, hay quy định các thủ tục hành chính... nhưng thực tế tình trạng này vẫn còn. Một số thông tư gây khó khăn cho doanh nghiệp được ông Tuấn chỉ ra, như Thông tư 02/2021 quy định lắp camera phải theo dõi khoang hành khách, trong khi Nghị định 10/2017 không yêu cầu. Điều này khiến tốn thêm chi phí lắp camera, đường truyền thậm chí hình ảnh riêng tư.
Nhận xét về quy định tại thông tư cao hơn nghị định, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, quy định này thể hiện "góc nhìn nhỏ của một bộ, ngành nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến số đông doanh nghiệp".
"Cơ quan ban hành những văn bản này cần tham vấn ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, rà soát kỹ để tránh tình trạng ban hành rồi lại đình chỉ, làm giảm hiệu lực chính sách", bà Thảo nói.
Đại diện CIEM cũng dẫn ra bất cập tại Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 1/8 tới, hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và quản lý thuế với hộ kinh doanh.
Một trong những nội dung tại thông tư này, được các chuyên gia đánh giá là chưa nhất quán với các luật về thuế, là yêu cầu sàn thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay người kinh doanh. Quy định này, theo bà Thảo, cơ quan quản lý muốn quản, muốn thu nhiều hơn là tạo sân chơi tốt, hiệu quả cho các bên tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng.
Đồng tình, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử nói tác động của Thông tư 40 rất rộng, liên quan nhiều bên, không riêng ban quản trị sàn. Ông Dũng phân tích, sàn thương mại điện tử có sự tham gia của các công ty đa quốc gia, xuyên biên giới, và các hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương, có sự chệnh lệch giữa các thành phần. "Một số quốc gia tiên tiến quy định khai thuế tự động, công khai, cá nhân tự chấp hành. Còn ở Việt Nam, người kinh doanh không biết phải làm gì", ông Dũng nêu.
Trả lời báo giới mới đây, Tổng cục thuế cho biết, trước ngày 1/8 sẽ lấy ý kiến các sàn thương mại điện tử về việc kê khai, nộp thuế cho cá nhân kinh doanh qua sàn để "chuẩn hoá" dữ liệu kết nối thông tin.
Trong lĩnh vực sản xuất, nội dung tại thông tư "đá" nghị định, luật khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh "cười ra nước mắt". Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) phản ánh, sản phẩm con tôm đông lạnh dùng cho người khi xuất đi khỏi Việt Nam thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho một đơn vị quản lý trên cơ sở Thông tư 48 (hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm) kiểm tra an toàn thực phẩm với sản phẩm xuất khẩu.
Cũng sản phẩm này nhưng được từ nước ngoài về Việt Nam, thì cơ quan khác lại quản lý và phải kiểm duyệt theo Luật Thú y. "Việt Nam đã hội nhập, việc công nhận sản phẩm tương đương là cơ chế chung được áp dụng, thì với cùng một sản phẩm ở Việt Nam lại có cách quản lý khác nhau", ông Nam bình luận.
Không riêng các thông tư, ngay với công văn của bộ, ngành không phải là văn bản quy phạm pháp luật cũng mang nội dung, tính chất như quy định.
Ông Đậu Anh Tuấn dẫn chứng công văn 8909 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, hướng dẫn một số thủ tục về đầu tư, trong khi Nghị định 31 hướng dẫn Luật Đầu tư chưa được ban hành là "có vấn đề" về thẩm quyền, khiến một số địa phương lo ngại khi thực hiện gặp khó khăn, tạo hệ lụy lớn về mặt pháp lý, gây thiệt hại và rủi ro cho doanh nghiệp.
Phổ biến hiện nay là tình trạng công văn trả lời nội dung về việc áp dụng pháp luật của doanh nghiệp không đi thẳng vào vấn đề mà trích dẫn các quy định pháp luật, khiến doanh nghiệp "muốn hiểu ra sao thì hiểu".
Ông Nguyễn Hoài Nam đồng tình, nếu các bộ, ngành chưa có công văn trả lời là mọi thủ tục của doanh nghiệp dừng lại hết. Nhiều công văn khi nhận được, doanh nghiệp không biết áp dụng thế nào.
Nguyên nhân khiến các văn bản pháp luật "đá" nhau, kém chất lượng, bà Nguyễn Minh Thảo chỉ ra, do năng lực kém và thiếu cơ chế giám sát tiếp thu pháp lý.
"Thông tư là của bộ trưởng ban hành, nhưng hiện ta chưa có chế tài, mặc dù có cơ chế khởi kiện nhưng khó thực hiện", bà Thảo nói và cho rằng, cần có cơ chế giám sát văn bản quy phạm pháp luật khi được ban hành.
Từ thực tế doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị, cần có chế tài cụ thể cho những văn bản kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
"Chúng ta có hàng trăm chế tài xử lý vi phạm của công dân, nhưng chế tài cho cán bộ trong ban hành các văn bản quy phạm pháp luật kém chất lượng rất ít", ông Nam nêu.
Ở khía cạnh này, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI đề xuất, cần nâng cao và phát huy vai trò của cơ quan "gác cửa" chất lượng thông tư. Theo đó, gắn trách nhiệm cá nhân với những thông tư có vấn đề, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
"Hiện nay việc ban hành thông tư có thể gây ra hậu quả rất lớn, nhưng lại không bị xử lý, không có chế tài. Vì thế, cần gắn với trách nhiệm một cá nhân cụ thể", ông Tuấn nói.
Anh Minh