Công ty Quản lý và Khai thác tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là doanh nghiệp đặc biệt, được quyền xử lý toàn bộ số nợ của nền kinh tế đang kết chuyển tại hệ thống tổ chức tín dụng. Quyền năng lớn nhưng thực lực tài chính chỉ 500 tỷ đồng, chuyên gia tài chính độc lập Nguyễn Trí Hiếu đã đặt ngược vấn đề về đòn bẩy tài chính của công ty này.
Theo ông, Thông tư 02 và VAMC chính là hai công cụ cực kỳ quan trọng xử lý nợ xấu và có quan hệ rất mật thiết với nhau. Thông tư 02 giữ vai trò như chiếc máy ủi làm vợi đi lớp đất đá bên trên, làm lộ thiên phần nợ xấu, từ đó, VAMC mới có cơ sở để xử lý nợ.
Nhưng khi Thông tư 02 bị lùi thời hạn thực hiện thêm một năm, các ngân hàng đã và sẽ tìm cách giấu nợ xấu nhằm tránh VAMC “sờ gáy”, bởi theo quy định, chỉ những ngân hàng nào có nợ xấu trên 3% mới phải bán nợ cho VAMC.
Cuối năm ngoái, nhiều ngân hàng thương mại có nợ xấu cao, đã tìm cách đẩy nợ xấu xuống dưới 3%. “Đáng lẽ, cần phải thực thi ngay Thông tư 02 để nợ xấu lòi ra thì mới có cơ sở xử lý. Đằng này, hoãn Thông tư 02 thì có thể phải chấp nhận khả năng VAMC không có hàng để mua”, ông Hiếu nói.
Thứ hai, VAMC còn gặp một số khó khăn nội tại mà đầu tiên là đòn bẩy tài chính. Theo bố cáo thành lập doanh nghiệp, vốn điều lệ của doanh nghiệp này chỉ 500 tỷ đồng. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước hy vọng VAMC xử lý nợ xấu khoảng 40.000 - 70.000 tỷ đồng, còn Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng sẽ xử lý được 100.000 tỷ.
Ví dụ khi VAMC mua nợ 50.000 tỷ đồng và trao lại cho ngân hàng những tờ trái phiếu đặc biệt, trong bảng cân đối tài sản của VAMC ở một thời điểm nào đó trong tương lai, sẽ là: bên “Nợ” 50.000 tỷ đồng nhưng bên “Có” chỉ 500 tỷ đồng từ vốn điều lệ. Đòn bẩy tài chính ở đây là 50.000 tỷ/500 tỷ đồng, bằng 100/1.
Thông thường, tỷ lệ đòn bẩy tài chính ở một ngân hàng đang hoạt động khoảng 10/1, những đơn vị nào có tỷ lệ này 15/1 được coi là rủi ro, còn nếu ở mức 20/1 là quá rủi ro, hơn nữa thì ngấp nghé phá sản bất cứ lúc nào. Một VAMC tầm cỡ quốc gia mà đòn bẩy tài chính như trên là khó thuyết phục về mặt kỹ thuật tài chính.
Thứ ba, trái phiếu “đặc biệt” của VAMC là loại trái phiếu gì? Chắc chắn không phải trái phiếu Chính phủ, không phải trái phiếu công ty được Chính phủ bảo lãnh như trái phiếu Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trái phiếu Ngân hàng Chính sách Xã hội và cũng khác xa với tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, vốn là loại giấy tờ có giá đứng đầu về giá trị trong giao dịch nghiệp vụ thị trường mở.
Cũng vì chưa có tiền lệ nên vẫn còn một băn khoăn nữa về mặt pháp lý: VAMC hoạt động theo luật công ty, nếu trái phiếu đó không có giá trị do VAMC hoạt động không hiệu quả thì ai sẽ có trách nhiệm?
Do đó, rất nhiều khả năng là khi các ngân hàng thương mại cầm trái phiếu VAMC, họ sẽ đến Ngân hàng Nhà nước chiết khấu ngay để lấy tiền tươi thóc thật thay vì giữ lại. Hiện tỷ lệ chiết khấu cũng chưa rõ bao nhiêu vì Ngân hàng Nhà nước cần phải thống nhất với Bộ Tài chính. Trong khi đó, mỗi năm các ngân hàng lại phải trích lập dự phòng rủi ro khoảng 20% trong vòng 5 năm để giảm trừ giá trị trái phiếu về số nợ cần cân bằng trước khi bán.
Vậy nên, ngân hàng thà giấu diếm để ôm số nợ kia, vừa không phải ỉ eo với cơ quan quản lý để được chiết khấu mà lại không bị “lộ hàng”. Kinh doanh ngân hàng không ai dại dột cho bàn dân thiên hạ biết mình đang là “khách hàng” của VAMC! Đằng nào thì sau 5 năm, nếu không xử lý hết nợ xấu, số tài sản độc hại kia lại quay về với khổ chủ.
Cũng theo ông Hiếu, nói đi thì phải nói lại, VAMC là công ty con của Ngân hàng Nhà nước, hoàn toàn có thể dựa vào uy tín của cơ quan này để thực thi nhiệm vụ . Và nếu thành công thì mô hình VAMC là sáng kiến tuyệt vời chỉ có ở Việt Nam. Ở các nước, khi nợ xấu trầm trọng, họ cũng lập công ty mua bán nợ quốc gia và bỏ ra số tiền rất lớn từ ngân sách để mua đứt bán đoạn.
“Chắc ăn nhất, muốn để công ty này thực thi được nhiệm vụ thì Chính phủ phải thò bảo lãnh ra, hoặc mua đứt bán đoạn bằng ngân sách. Lúc đó, ngân hàng mới sẵn sàng bán thẳng nợ xấu cho VAMC với giá thuận mua vừa bán, tùy thuộc vào mức độ độc hại của nợ xấu, để thêm vốn làm ăn. Nếu Chính phủ bỏ vốn ra thì con số này ước phải 5 tỷ USD trở lên”, ông Hiếu nói.
Trao đổi với một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước, ông cho rằng, những lo lắng trên ít nhiều có cơ sở, nhưng trong điều kiện hiện nay, mô hình VAMC để xử lý nợ xấu vẫn có tính khả thi cao.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước rất muốn vốn điều lệ của VAMC cao hơn mức 500 tỷ đồng nhưng thực tế, để xử lý nợ xấu thì vốn điều lệ không thấm tháp gì so với tổng nợ xấu trong hệ thống, mà vấn đề phụ thuộc vào trái phiếu do VAMC phát hành. Vốn điều lệ nhiều thì công ty có thể sẽ đầu tư vốn dưới các hình thức khác nhau để sinh lời, nhưng lại gây tốn kém cho nhà nước.
Hơn nữa, nếu là doanh nghiệp, khi phát hành trái phiếu, họ phải tuân thủ mọi quy định về phát hành trái phiếu, còn với VAMC là doanh nghiệp đặc biệt, có hẳn một nghị định riêng của Chính phủ để điều chỉnh, điều này càng làm cho vốn điều lệ của công ty không ý nghĩa gì.
Thứ hai, những nghi ngại về giá trị trái phiếu VAMC, khả năng giao dịch trên thị trường như trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước hay trái phiếu doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh là thiếu cơ sở, bởi trái phiếu do VAMC phát hành nhưng được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận, nên mức độ giá trị của chúng không khác gì trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh, cho nên, các ngân hàng thương mại sẽ thích ngay.
Thứ ba, vị lãnh đạo trên cho rằng việc trì hoãn Thông tư 02 sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại giấu nợ xấu và VAMC sẽ “thất nghiệp” là hơi thái quá.
Ông phân tích, hiện nay, có những ngân hàng đang hoạt động bình thường, họ có thể làm cho nợ xấu của mình xuống dưới 3% nhưng với cơ chế mua bán nợ của VAMC, họ sẽ đẩy lên trên 3% để bán ngay vì có giữ lại nợ xấu cũng không lợi lộc gì. Còn với những trường hợp cố tình che giấu nợ, Nghị định 53 cũng cho phép Ngân hàng Nhà nước sử dụng các biện pháp nghiêm khắc, yêu cầu họ bán nợ để giữ an toàn hệ thống. Những trường hợp này không nhiều vì thực tế có 9 ngân hàng thương mại trong diện tái cơ cấu, họ đã và đang rất muốn bán nợ cho VAMC.
Ngược lại, Ngân hàng Nhà nước đang tính tới khả năng là thời gian tới, VAMC sẽ phải hạn chế mua, chỉ mua nhưng tài sản đáng mua. Tăng trưởng tín dụng rất khó dù lãi suất tiền vay đã rất thấp, thanh khoản ngân hàng quá dồi dào, trong khi đã mua nợ thì phải đẩy thêm tiền ra nhưng không giải quyết được vấn đề gì.
Nhận định VAMC sẽ xử lý được khoảng 40.000 - 70.000 tỷ đồng theo Ngân hàng Nhà nước là có cơ sở. Nghị định 53 quy định có hai loại mua bán nợ: mua theo giá thị trường và mua theo giá trị sổ sách. Nếu mua theo giá thị trường thì phải trải qua quá trình định giá, kiểm tra tài sản bảo đảm, công bố phát mại tài sản, thậm chí ra tòa nên khó thực hiện. Thế nên, VAMC chủ yếu sử dụng hình thức mua bán nợ trên sổ sách, tức nợ trên sổ ngân hàng chuyển sang sổ của VAMC, ngân hàng nhận tiền là... xong.
Về phía VAMC, Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Thủy nói: "Nghị định 53 xác định rất rõ: trái phiếu VAMC không chuyển đổi trên thị trường mà chỉ là giấy nhận nợ của VAMC đối với các tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng có thể mang giấy này đến Ngân hàng Nhà nước để tái chiết khấu với một tỷ lệ nào đó theo quy định, nhưng việc sử dụng nguồn tiền từ chiết khấu phải có mục đích rõ ràng".
“Hiện có băn khoăn rằng, VAMC “ép” tổ chức tín dụng bán nợ, chúng tôi kỳ vọng không cần phải dùng từ này vì đây là nhiệm vụ lớn của nền kinh tế. Việc xử lý nợ xấu là để ngân hàng thương mại rảnh nợ và phục vụ doanh nghiệp tốt hơn. Trước đó, trong quá trình thảo luận Nghị định 53 cũng như thông tư hướng dẫn thực hiện, các tổ chức tín dụng đã tỏ rõ sự đồng thuận rất cao trong việc bán nợ cho VAMC”, ông Thủy nhìn nhận.
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam