Chính phủ hôm 8/7 ban hành Nghị quyết về phiên họp thường kỳ tháng 6. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để vận hành VAMC trong tháng 7. Theo dự kiến, Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) với vốn điều lệ 500 tỷ đồng đi vào hoạt động từ ngày 9/7. Tuy nhiên, đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa ban hành Thông tư về hoạt động mua bán nợ của VAMC.
VAMC sẽ có trụ sở tại 22 Hàng Vôi, Hà Nội và hoạt động theo mô hình Công ty TNHH Nhà nước một thành viên. Bộ máy quản lý của Công ty VAMC bao gồm Hội đồng thành viên, Ban Kiểm soát và Tổng giám đốc.
Về mặt nhân sự, hiện đã có 2 "sếp" cũ của các ngân hàng thương mại về VAMC đảm nhiệm vị trí mới như ông Đoàn Văn Thắng - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và ông Bùi Tín Nghị, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Vận hành và Khối Hành chính Quản trị Ngân hàng SHB.
Nhìn nhận những điều kiện để mua, bán nợ xấu với VAMC, hầu hết các ngân hàng thương mại đều cho rằng "quá chặt chẽ" và có vẻ như VAMC "chỉ mua nợ tốt".
Theo dự thảo Thông tư này, một trong số những điều kiện để được mua bán nợ với VAMC là không dưới 65% tổng giá trị tài sản bảo đảm của khoản nợ phải là bất động sản, bao gồm cả bất động sản hình thành trong tương lai. Tại hội thảo góp ý về dự thảo Thông tư, nhiều ngân hàng đề nghị nới điều kiện này để phù hợp với thực tế.
Một đại diện của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) phân tích, yêu cầu này chỉ có ở những đơn vị kinh doanh bất động sản trong khi phần lớn khách hàng hiện là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. "Tỷ lệ này rất nhỏ đối với những đơn vị kinh doanh sản xuất bởi các doanh nghiệp vốn rất tiết kiệm trong mua đất, họ chỉ chủ yếu dành tiền đầu tư nhà xưởng máy móc", lãnh đạo Agribank cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Kim Oanh - phó phòng công nợ của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cũng cho rằng yêu cầu tỷ lệ 65% không khả thi. "Ngay tại Vietcombank, các khoản nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản chỉ chiếm tỷ lệ 50-60%. Do đó, Vietcombank đề xuất giảm tỷ lệ xuống 40% để các ngân hàng có thể bán nợ được nhiều hơn cho VAMC", đại diện Vietcombank cho biết.
Ông Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp lý của Hiệp hội Ngân hàng cũng lo ngại với các điều khoản khắt khe này, sẽ khó để khuyến khích các ngân hàng bán nợ để xử lý nợ xấu. Ông Bùi Minh Khải - Giám đốc ban Pháp chế của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng e những quy định chặt chẽ trong Thông tư có thể khiến mục tiêu mua bán nợ cho VAMC khó đạt được.
Một điều kiện khác để VAMC đồng ý mua lại nợ là khoản nợ đó tại thời điểm bán không thấp hơn 3 tỷ đồng (với tổ chức) và một tỷ đồng (với cá nhân). Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cho rằng quy định này sẽ bó hẹp phạm vi khoản nợ xấu được phép mua bán. Agribank giải thích, với đặc thù cho vay hộ cá nhân nhỏ lẻ, việc quy định trên một tỷ đồng mới đủ điều kiện không khả thi.
Bên cạnh đó, sau khi bán nợ xấu cho VAMC, bản thân các ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm chính về các khoản nợ và phải trích lập dự phòng rủi ro 20% một năm. Một chuyên gia tài chính nhìn nhận, đây có thể là một "trở ngại" khiến các ngân hàng phải tính toán kỹ việc có bán nợ xấu cho VAMC hay không.
Thanh Thanh Lan