Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành dự thảo Thông tư về việc mua bán, xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) để lấy ý kiến. Theo đó, Thông tư nêu rõ những nguồn thu mà VAMC có thể được hưởng sau khi tham gia đánh tan "cục máu đông" cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Công ty này dự kiến có vốn điều lệ 500 tỷ đồng và dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Dự thảo cho hay, sau khi xử lý nợ, VAMC sẽ được hưởng 2% số tiền thu hồi được của các khoản nợ đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. Dự kiến công ty này sẽ dọn dẹp được khoảng 80.000 – 100.000 tỷ đồng nợ xấu với tỷ lệ thu hồi dự kiến là 20% – 40%. Ngân hàng Nhà nước cho hay tỷ lệ được hưởng là 2% tương ứng với mức thu của VAMC là 320 – 800 tỷ đồng. Với thời gian xử lý dự kiến là 5 năm thì mức thu hàng năm của VAMC là khoảng 60 – 160 tỷ đồng. Số tiền này ước tính sẽ đủ bù đắp các chi phí liên quan hàng năm của công ty.
Khoản tiền từ thu hồi nợ xấu phải gửi tại các ngân hàng đã bán nợ cho VAMC dưới dạng không kỳ hạn và không được rút trước khi thanh toán trái phiếu. Việc này theo giải thích của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo tránh thất thoát, xử lý không đúng số tiền thu hồi nợ. Dự kiến VAMC sẽ xử lý được khoảng 80.000 – 100.000 tỷ đồng nợ xấu với tỷ lệ thu hồi dự kiến là 20% – 40%.
Thông tư cũng quy định rõ mọi việc mua bán nợ xấu của VAMC phải thực hiện bằng VND. Trong trường hợp dùng trái phiếu đặc biệt mua các khoản nợ xấu bằng ngoại tệ (đôla) phải quy đổi tỷ giá theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng tại ngày gần nhất với thời điểm ký hợp đồng mua bán.
VAMC chỉ mua bằng trái phiếu đặc biệt với những khoản nợ từ 3 tỷ đồng trở lên - đối với doanh nghiệp và từ một tỷ trở lên đối với khách vay cá nhân. Còn để VAMC mua nợ theo giá trị thị trường, khoản nợ đó phải được đánh giá có khả năng thu hồi và tài sản đảm bảo có thể phát mại.
Để tạo điều kiện cho những khách hàng (doanh nghiệp hoặc cá nhân) có khoản nợ xấu, VAMC sẽ bảo lãnh cho những đối tượng này tiếp tục vay vốn tại ngân hàng khác sau khi đã mua lại khoản nợ trên và đánh giá khách có khả năng phục hồi.
Nghị định 53 về thành lập VAMC đã nêu rõ, mọi tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu từ 3% so tổng dư nợ tín dụng trở lên phải bán nợ cho VAMC. Trong dự thảo Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước đề xuất trong 5 ngày từ khi Thống đốc yêu cầu bán nợ, các ngân hàng phải gửi hồ sơ.
Sau khi mua nợ, VAMC sẽ điều chỉnh lãi suất các khoản nợ đã mua. Theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất không được cao hơn mức lãi suất cho vay bình quân tương ứng theo từng kỳ hạn 4 ngân hàng quốc doanh là Vietinbank, Vietcombank, Agribank và BIDV.
Để giảm chi phí, các ngân hàng sẽ không phải trích lập dự phòng chung với trái phiếu đặc biệt nhưng trong thời hạn của trái phiếu phải trích lập dự phòng rủi ro cụ thể vào chi phí hoạt động hàng năm. Số tiền trích lập hàng năm sẽ bằng mệnh giá chia cho thời hạn trái phiếu.
Dự kiến Thông tư có hiệu lực từ ngày 9/7.
Thanh Thanh Lan