Các chuyến tàu do tập đoàn đường sắt quốc doanh Ukrzaliznytsia vận hành vẫn tiếp tục hoạt động, bất chấp quân đội Nga tăng cường tập kích tên lửa vào các nhà ga, đường ray trên toàn quốc.
Trong hai tuần qua, mạng lưới đường sắt Ukraine liên tục bị nhắm mục tiêu. Cây cầu đường sắt bắc qua sông Dnipro đã bị hư hại nghiêm trọng trong đòn không kích hôm 4/5, trong khi một số ga xe lửa ở miền tây và miền nam Ukraine cũng bị tấn công đêm trước đó. Ukrzaliznytsia tuần trước ra thông báo cho hay 20 đoàn tàu của họ đã bị trễ lịch trình tới 12 giờ.
Theo bình luận viên Thomas Latschan của DW, với vai trò của hệ thống đường sắt trong mạng lưới hậu cần của Ukraine, Nga có lý do để tập trung tấn công mục tiêu này.
Mạng lưới đường sắt Ukraine có tổng chiều dài khoảng 22.000 km, trải rộng khắp đất nước. Trước chiến sự, tập đoàn Ukrzaliznytsia là một trong những doanh nghiệp sử dụng nhân công nhiều nhất cả nước với hơn 230.000 nhân viên. Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự, Ukrzaliznytsia trở thành mắt xích quan trọng trong nỗ lực kháng cự của Ukraine.
Ukraine 10 năm trước đã đầu tư khoảng 740 triệu USD để nâng cấp hạ tầng đường sắt, đầu máy phục vụ cho giải Euro 2012 do nước này và Ba Lan đồng đăng cai. Kết quả là Ukraine hiện nay sở hữu hệ thống đường sắt khá hiện đại.
Ukraine có hệ thống đường bộ rộng lớn, nhưng thường chỉ là những tuyến đường mỗi chiều một làn xe, ngoại trừ một số tuyến gần thành phố lớn. Nhiều tuyến quốc lộ hiện trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và không phù hợp để vận chuyển thiết bị nặng.
Do đó, mạng lưới đường sắt đã trở thành biểu tượng cho khả năng kháng cự của Ukraine, khi chuyên chở vũ khí, hàng viện trợ, đồ tiếp tế đến miền đông đất nước, cũng như giúp sơ tán hàng triệu người dân khỏi khu vực này. Các chuyến tàu cũng đang đưa các gia đình từ nơi sơ tán trở về quê nhà nơi họ từng rời đi.
Nhiều quan chức cấp cao phương Tây như Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Ursula von der Leyen hay Chủ tịch đảng bảo thủ Đức Friedrich Merz cũng đã di chuyển tới thủ đô Kiev bằng tàu hỏa.
Đường sắt Ukraine cũng ngày càng đóng vai trò chủ đạo trong vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của đất nước.
Trước đó, 50% hàng hóa xuất nhập khẩu của Ukraine đi qua Odessa, cảng biển chiến lược lớn nhất của nước này tại Biển Đen. Sau khi Nga phong tỏa khu vực duyên hải, Ukraine gần như chỉ còn sử dụng đường sắt để xuất khẩu hàng hóa như lúa mì, than, thép, các sản phẩm hóa chất sang các nước ở biên giới phía tây.
Trong thời gian đầu chiến sự, hệ thống đường sắt Ukraine tỏ ra thích nghi tốt một cách "đáng ngạc nhiên", theo bình luận viên Latschan.
"Chúng tôi đôi khi sửa xong các tuyến đường ray hư hỏng chỉ trong vài giờ", Oleksandr Pertsovskyi, giám đốc điều hành Công ty Vận tải Đường sắt Ukraine, nói với NBC News. Các quản lý cấp cơ sở giờ đây cũng có thể đưa ra quyết định tại chỗ mà không cần xin phép cấp trên.
Với vai trò quan trọng như vậy, hệ thống đường sắt Ukraine đã trở thành mục tiêu tranh chấp quyết liệt từ khi chiến sự nổ ra. Nga cố gắng nhanh chóng kiểm soát các trung tâm hậu cần trong mạng lưới này tại các thành phố lớn như Kharkov và Kiev, song vấp phải sự kháng cự quyết liệt từ phía Ukraine.
Quân đội Ukraine cũng tìm cách phá hủy tuyến đường sắt giữa Nga và Belarus, được cho là chìa khóa trong công tác tái triển khai lực lượng Nga ở phía bắc.
Về mặt hậu cần, quân đội Nga cũng phụ thuộc nhiều vào mạng lưới đường sắt. Lãnh thổ Nga rộng lớn với nhiều địa hình hiểm trở, nhiều khu vực trở thành bãi lầy vào mùa băng tuyết tan. Do đó, các đơn vị cơ giới của quân đội Nga dựa nhiều vào mạng lưới đường sắt để chuyển quân, lương thực, nhiên liệu.
"Ở phía bắc Ukraine trong giai đoạn đầu chiến dịch, Nga không kiểm soát được bất kỳ trung tâm đường sắt nào ở Chernihiv hoặc xung quanh thủ đô Kiev, khiến các đoàn xe quân sự phải sử dụng đường bộ", Emily Ferris, chuyên gia về Nga tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), cho biết.
Do trời mưa, đường lầy lội, nhiều phương tiện quân sự đã bị mắc kẹt dọc các tuyến đường bộ. Lực lượng Nga đã phải bỏ lại một số phương tiện bị sa lầy như vậy, Ferris nói.
Nga đã xác định lại mục tiêu trong chiến dịch quân sự giai đoạn hai, trong đó tập trung kiểm soát vùng lãnh thổ phía đông và đông nam Ukraine. Tuy nhiên, bà Ferris cũng cho rằng lực Nga không đủ nguồn cung lương thực và nhiên liệu để duy trì các chiến dịch tấn công trên bộ nhằm kiểm soát các vùng lãnh thổ cách xa trục đường sắt.
Nga vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn các mạng lưới hậu cần đường sắt ở Kharkov và miền nam Ukraine, trong đó một số tuyến đã bị phá hủy trong giao tranh. Hậu quả là lực lượng này "chưa thể tận dụng cơ sở hạ tầng đường sắt địa phương để vận chuyển binh sĩ, khí tài vào sâu trong lãnh thổ Ukraine để mở rộng vùng kiểm soát", theo Ferris.
Thực tế này cũng đặt phần còn lại của hệ thống đường sắt Ukraine vào tình trạng nguy hiểm. Sau khi thay đổi mục tiêu của chiến dịch, Nga giờ đây không còn cần hệ thống đường sắt để thúc đẩy đà tiến quân nữa.
Thay vào đó, Nga tăng cường tập kích tên lửa vào các nhà ga, đường ray nhằm cắt đứt tuyến đường vận chuyển vũ khí của phương Tây cho Ukraine. "Khả năng Ukraine có thể duy trì mạng lưới đường sắt này tiếp tục vận hành hiệu quả trong bao lâu có thể sẽ yếu tố định đoạt tương lai chiến sự", bình luận viên Latschan nhận định.
Đức Trung (Theo DW)