-
08h30
Với mong muốn đưa đặc sản Việt Nam nói chung, quả vải thiều nói riêng đến gần hơn với nhiều người tiêu dùng thế giới, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức diễn đàn "Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới" và khai trương Triển lãm số cùng chủ đề. Sự kiện do Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Báo VnExpress thực hiện.
Các khách mời tham gia diễn đàn gồm: ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cùng đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các cơ quan thương mại, doanh nghiệp trong nước và quốc tế...
Trong số các cơ quan ngoại giao có mặt tại sự kiện có Đại sứ quán các nước: Indonesia, Lào, Sri Lanka, Ấn Độ, Pakistan, Iran, Nhật Bản, Philippines, Palestine, Saudi Arabia, Timor Leste, Nga, Mỹ, Brazil, Venezuela, Peru, Angola...
Tại sự kiện, lãnh đạo địa phương, đại diện doanh nghiệp cùng các chuyên gia sẽ đưa ra bức tranh rõ nét về định hướng phát triển vùng trồng vải thiều cũng như tìm giải pháp mở đường cho quả vải Việt Nam tiếp cận gần hơn với thị trường quốc tế. Trong đó, ông Trần Văn Quân sẽ chia sẻ câu chuyện về con đường phát triển bền vững của vải thiều Hải Dương với bài tham luận với chủ để "Sẵn sàng, đảm bảo chất lượng đưa vải thiều Việt Nam ra thế giới". Về phía Bắc Giang, ông Phan Thế Tuấn sẽ tập trung câu chuyện vải thiều Bắc Giang chinh phục thị trường nước ngoài. Một phiên tọa đàm với chủ đề "Lời giải cho bài toán xuất khẩu vải thiều Việt Nam" với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện Bộ Công Thương, các Hợp tác xã, doanh nghiệp xuất khẩu vải tại Hải Dương và Bắc Giang.
-
09h16
Ông Phạm Anh Tuấn phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, Việt Nam là xứ sở nhiệt đới với nhiều loại nông sản phong phú, trong đó vải thiều từ lâu đã trở thành món ăn đặc sản được mọi người hâm mộ. Việt Nam cũng là quốc gia có điều kiện thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm trước, việc trồng và giao thương còn nhiều khó khăn. Nhưng từ sau năm 1989, Việt Nam đã vươn lên thành nhà cung cấp nông sản lớn, với mức tăng trưởng 3,5% một năm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
"Chúng tôi đã luôn đặt câu hỏi phải làm sao để đưa nông sản Việt Nam vươn ra thế giới, nông sản Việt Nam cần đạt chất lượng cao như thế nào, cần làm gì để vượt qua rào cản thương mại, để nhiều người dân trên thế giới được hưởng hương vị đặc sắc của nông sản Việt Nam", ông nói.
Cũng theo Thứ trưởng, hiện Việt Nam ký kết 17 hiệp định thương mại, quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, dần khẳng định vị trí trên thế giới. Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt 46,8 tỷ USD, tăng 12 lần so với năm 2000. "Có được điều này là nhờ những người bạn tốt sinh sống ở Việt Nam - họ đã làm sứ giả góp phần đưa nông sản Việt Nam vươn ra thế giới", ông Pham Anh Tuấn cho hay. "Chúng tôi trân trọng cảm ơn các bạn và cam kết sẽ mang đến cho người dân thế giới nông sản chất lượng, an toàn".
Với mong muốn đổi mới phương thức truyền thống, quảng bá địa phương trong đó quảng bá sản phẩm địa phương, đưa sản phẩm địa phương đến gần với người dân thế giới, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức diễn đàn "Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới".
-
09h20
Quả vải thiều lên Triển lãm số
-
9h30
Xây dựng thương hiệu toàn cầu cho vải thiều
Chia sẻ câu chuyện về con đường phát triển bền vững của vải thiều Hải Dương, Ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương mang đến bài tham luận với chủ để "Sẵn sàng, đảm bảo chất lượng đưa vải thiều Việt Nam ra thế giới".
Hải Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thuận lợi giao thương phát triển kinh tế. Tỉnh có 60% diện tích đất nông nghiệp, 70% dân số sống ở nông thôn, đất đai màu mới... cùng nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn.
Hàng năm, tỉnh sản xuất 2 triệu tấn nông sản. Trong đó, nổi bật là sản phẩm vải thiều Thanh Hà thơm ngon, nổi tiếng. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Việt Nam cho "Cây vải thiều lâu năm nhất (cây vải tổ)" cho cây vải tổ Thúy Lâm tại đây. Vải Thanh Hà cũng đạt top 10 nhãn hiệu nổi tiếng, được bình chọn là tinh hoa đặc sản 3 miền.
Toàn tỉnh hiện có trên 9 nghìn hecta trồng vải, thu hoạch 60 nghìn tấn mỗi năm. Trong đó có 50% sản lượng vải thiều được tiêu dùng trong nước, 40% xuất khẩu tới các thị trường truyền thống, 10% xuất khẩu tới các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản...
"Chúng tôi hướng tới xây dựng thương hiệu vải thiều chất lượng toàn cầu", ông Quân nhấn mạnh. Để sẵn sàng, từ nhiều năm, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp tập trung xây dựng các vùng chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu.
Về chọn giống, tỉnh hợp tác với các cơ quan khoa học để ra các giống mới, đa dạng hoá các loại sản phẩm, như vải u trứng, vải u hồng... khác biệt. Vải thiều chính vụ xuất khẩu trên 30 nghìn tấn.
Về ứng dụng khoa học kỹ thuật, các sản phẩm đều đáp ứng chuẩn VietGap, GlobalGap. Có trên 1.200 hecta được cấp tiêu chuẩn để sản xuất vải xuất khẩu trên toàn tỉnh. Công tác quản lý, giám sát vùng trồng được quan tâm. Vải thiều được lấy mẫu để kiểm tra đánh giá trước khi xuất khẩu.
100% vải xuất khẩu đều đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. từ tỉnh, huyện, xã, các cơ quan chuyên môn giám sát ngay từ khi chăm sóc, ra hoa, chăm bón, đến khi thu hoạch, đóng thùng xuất khẩu, đảm bảo cam kết với các thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Quân, nhiều khó khăn tồn động như vải thiều là nông sản có tính mùa vụ cao, thời gian thu hoạch ngắn. Các doanh nghiệp xuất khẩu vải tươi đến thị trường cao cấp chưa được nhiều."Tỉnh mong muốn các đoàn ngoại giao, cơ quan truyền thông quan tâm hỗ trợ, tuyên truyền quảng bá trong và ngoài nước, đẩy mạnh tìm kiếm, kết nối đối tác, nhà đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến. Tỉnh cam kết tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, bến bãi, cơ sở vật chất... cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư", ông Quân chia sẻ. -
9h38
Vải thiều Bắc Giang năm 2022 đạt chất lượng cao nhất từ trước đến nay
Ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhận định, sự kiện có ý nghĩa lớn, kết nối hỗ trợ địa phương và quảng bá sâu rộng nông sản đến thế giới. Những năm gần đây, tỉnh phát triển toàn diện trong công tác sản xuất và thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước và quốc tế.
Với vị trí địa lý có tiềm năng lớn, khí hậu đặc trưng, ít thiên tai, Bắc Giang có rất nhiều tiềm năng để trồng trọt. Đến nay, tỉnh có 300.000 ha đất trồng nông nhiệp với 155 sản phẩm đặc trưng. Trong đó, đất trồng vải thiều lên đến 28.000 ha. Sản phẩm được xuất ra Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Lào, Singapore...
Lãnh đạo địa phương đồng hành cùng người dân trồng, xây dựng chiến lược sản xuất và tiêu thụ vải thiều. Tỉnh lấy chất lượng vải là tiêu chí phát triển bền vững, đảm bảo chất lượng vượt trội và sạch sẽ, an toàn.
Đến nay, sản lượng vải thiều của tỉnh đã đạt mức 125.000 tấn, trong đó có lượng lớn đạt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP, vải được xuất ra thị trường quốc tế. Riêng Trung Quốc, tỉnh có 109 mã nông sản với sản lượng hàng nghìn tấn.
Năm 2022, rét kéo dài, mưa đều, điều kiện thuận lợi, do đó, vải thiều có chất lượng cao hơn. Năm nay là năm vải thiều Bắc Giang có chất lượng cao nhất từ trước đến nay, quả to, cùi dày, hạt nhỏ.
Theo ông Phan Thế Tuấn, Bắc Giang coi trọng tất cả thị trường, cả trong nước và ngoài nước. Với thị trường nội địa, tỉnh tích cực đưa tới các doanh nghiệp, siêu thị... Trên trường quốc tế, địa phương xuất khẩu vải thiều đến đến 30 quốc gia, trong đó cao nhất là Trung Quốc và nhiều quốc gia tiềm năng khác như Singapore, Nhật Bản, Các Ttiểu vương quốc ẢRập...
Tỉnh cũng kết hợp thương mại truyền thống và hiện đại, đưa vải thiều lên các sàn thương mại điện tử và các kênh mạng xã hội.
Những ngày ngày, thị trường địa phương đã rất sôi động. Chính quyền địa phương và người dân đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp. Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã thu hoạch 200.000 tấn. Các cấp các ngành luôn sẵn sàng sản xuất vải chất lượng cao, đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác sản xuất và tiêu thụ.
Ông cũng cho biết, Bắc Giang mong nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan truyển thông, doanh nghiệp và chính quyền địa phương để đưa vải thiều Bắc Giang đến gần người dân, thúc đẩy đưa đặc sản chinh phục thị trường quốc tế. Ông cũng hy vọng các tổ chức quốc tế giới thiệu để đưa nông lâm sản tỉnh phổ biến hơn.
-
10h15
Buổi trải nghiệm quả vải tại Diễn đàn
Sau các bài tham luận mang đến bức tranh tổng quát hơn con đường phát triển của quả vải thiều tại Hải Dương, Bắc Giang, chương trình chuyển sang phần tiếp theo là buổi trải nghiệm sản phẩm thực tế dành cho các đại biểu.
Tại buổi trải nghiệm, Ban tổ chức giới thiệu về quy trình, quy cách trồng quả vải thiều sạch và đạt chất lượng, sản lượng cao. Bên cạnh quả vải tươi, khu trải nghiệm còn có các sản phẩm chế biến khác như vải đóng hộp, nước vải.
-
10h19
Đại biểu quốc tế thưởng thức quả vải
Các đại biểu quốc tế từ gần 20 cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các đại sứ quán cũng có cơ hội trải nghiệm quả vải thiều tươi tại buổi trải nghiệm.
Nhiều đại biểu quốc tế cho biết đây là lần đầu tiên họ được thưởng thức quả vải dù đã đến Việt Nam một thời gian. Các đại biểu thích thú với phần trải nghiệm thú vị này, và cho biết sẽ giới thiệu loại quả đặc sản Việt Nam cho những người bạn bè, đồng nghiệp, đối tác và cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ, nhập khẩu tại đất nước mình.
Ông Wibar, cán bộ đại sứ Saudi Arabia cho biết : "Tôi đã có cơ hội thưởng thức vải một vài lần, nhưng cảm thấy rất ấn tượng với hương vị, vị ngon ngọt của quả vải Thanh Hà chính gốc giới thiệu tại sự kiện". Ông đánh giá Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu loại quả này, muốn kết nối vải Thanh Hà tới thị trường Ả Rập. Trước đó, Saudi Arabia có nhập khẩu nông sản từ Thái Lan, Ấn Độ... nhưng ko nhiều, đang nhắm tới thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Hamid Mosadeghi, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Iran, chia sẻ đã thưởng thức vải thiều Việt Nam ở Malaysia. Lúc đó ông đã ấn tượng với vị ngon đặc biệt của loại đặc sản Việt Nam, Hôm nay ông càng thích thú khi lần đầu tiên được ăn quả vải thiều Bắc Giang đúng mùa, tươi ngon mới hái ngay tại Hà Nội và thấy còn ngon hơn nhiều.
-
10h31
Lời giải cho bài toán xuất khẩu vải thiều Việt Nam
Sau hai bài tham luận của đại diện Bắc Giang và Hải Dương, diễn đàn tiếp tục với toạ đàm "Lời giải cho bài toán xuất khẩu vải thiều Việt Nam", dưới sự điều phối của ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Nội dung tọa đàm tập trung vào các vấn đề chính là việc đáp ứng tiêu chuẩn vải thiều vào các thị trường và các giải pháp mở rộng thị trường và tăng sản lượng xuất khẩu vải thiều.
Mở đầu phiên toạ đàm, ông Phạm Văn Dũng - Giám đốc HTX Hồng Xuân, Bắc Giang chia sẻ về điểm khác biệt trong quy trình canh tác đối với những lô hàng vải thiều xuất đi châu Âu và Mỹ so với canh tác truyền thống.
Theo ông Dũng, ở quy trình truyền thống, bà con nông dân sản xuất theo quy trình tự nhiên, thậm chí không theo quy trình nào. Còn hiện nay, khi xuất khẩu thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, người nông dân phải tuân theo quy định bên nhập khẩu, bên cạnh các quy trinh như Vietgap, Globalgap.
Về quy trình kỹ thuật chăm sóc, vườn trồng phải sạch, không để dịch bệnh, ô nhiễm vườn trồng; không chăn thả quanh vườn trồng, phân bón phải tốt, hữu cơ.
Riêng với thuốc bảo vệ thực vật phải áp dụng đúng quy trình, lịch hạn như thế nào... đặc biệt không được dùng thuốc có thành phần cấm trên cây ăn quả.
Về phương pháp thu hoạch: khi thu hoạch phải tuân thủ vệ sinh; dụng cụ thu hoạch, đựng quả vải phải sạch sẽ, không có tác nhân gây bệnh. Các quy trình làm xong phải có nhật ký chăm sóc từ bất cứ công việc kỹ thuật gì như bón phân, tưới nước và chịu sự quản lý của các ngành chức năng đến kiểm tra, kiểm soát.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện đúng quy trình và bảo quản quả vải, ông Dũng cho biết, những năm 2007 khi mới áp dụng quy trình Vietgap, hợp tác xã phải động viên bà con không chăn nuôi, hoặc chuyển chăn nuôi sang khu vực khác để không ảnh hưởng vườn trồng. Bên cạnh đó là quy trình ghi chép nhật ký. Bà con nông dân gặp khó khăn trong việc ghi chép nhật ký cũng như về sử dụng thuốc đúng liều lượng, cách ghi chép...
"Quy trình bảo quản cũng gặp khó khăn. Hiện nay chúng tôi đã được hỗ trợ kho để vận chuyển, sơ chế, tuy nhiên chúng tôi mong muốn có thể đảm bảo trường hợp vải chín chưa tiêu thụ hết sẽ cần các phương án chuyên sâu hơn như sấy lạnh hay sấy công nghệ cao để khi xong vụ vẫn còn sản phẩm xuất cho khách thị trường", đại diện Bắc Giang cho hay.
Trả lời câu hỏi: "Người nông dân hài lòng với lợi nhuận thu được chưa?", ông Dũng cho rằng: "Hợp tác xã đã có những tác động hỗ trợ tiêu thụ cho bà con ngay cả trong dịch bệnh. Các cơ quan chức năng, UBND tỉnh luôn tạo điều kiện, mở luồng xanh, tiêu thụ trực tiếp, kết nối hệ thống siêu thị. Khi có khó khăn vướng mắc, tổ chức sẽ vào cuộc tháo gỡ. Vì vậy, với người sản xuất, họ vui hơn so với trước, giá tăng cao hơn, sản lượng tiêu thụ tốt hơn so với mọi năm dù dịch bệnh". -
10h45
Hành trình vải đến tay khách hàng
Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần AMEII Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp này triển khai nhiều giải pháp, mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo tính tươi ngon của sản phẩm, và đến tay khách hàng nhanh nhất.
Theo đó, các chương trình liên kết với bà con nông dân được thực hiện chặt chẽ. Công ty tổ chức chuỗi liên kết, hình thành hợp tác xã, đảm bảo quy trình trồng, chăm sóc, sản phẩm tưoi ngon và chất lượng tốt nhất, phù hợp với các thị trường.
Thứ hai, doanh nghiệp đảm bảo thời gian thu hoạch, vận chuyển về nhà máy nhanh nhất để đảm bảo độ tươi của vải, thường thu hoạch vào sáng sớm, ngay sau khi thu hoạch sẽ đưa vào đóng gói, chế biến để giữ nguyên độ tươi ngon.
Với công nghệ sơ chế, chế biến, yếu tố quan trọng nhất là phù hợp với từng thị trường riêng như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu... Mỗi thị trường sẽ có một lộ trình được điều chỉnh phù hợp khi đưa sản phẩm tới khách hàng.
Ông Tiến đánh giá cao sự ủng hộ và đồng thuận từ các cơ quan quản lý đã quyết liệt trong chỉ đạo. Ông lấy ví dụ trong vụ xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản ngay giữa dịch Covid-19, doanh nghiệp không thể tiếp cận trực tiếp vùng vải, bà con nông dân, nhưng có sự hỗ trợ, chỉ đạo xuyên suốt của các cán bộ Nhà Nước, địa phương đã giúp công tác kết nối thông suốt.
-
10h53
Tăng cường phát triển hệ thống sản phẩm từ vải
Trả lời câu hỏi về thuận lợi và khó khăn của địa phương, doanh nghiệp khi xuất khẩu vài thiểu, ông Nguyễn Đức Hưng - Giám đốc Công ty Toàn Cầu cho biết, các đơn vị, tổ chức hiện nay chỉ tập trung vào quả vải tươi. Tuy nhiên, số lượng được phép xuất khẩu chưa cao do thời gian bảo quản chỉ tối đa 40 ngày, rất khó để đưa vải đến các thị trường xa hơn. Vì vậy, địa phương, người dân và doanh nghiệp cần có sự đồng bộ giải pháp phát triển và cải thiện sản phẩm xuất khẩu.
Hiện, Việt Nam đã làm rất tốt công tác canh tác, cho phép tự canh tự tác, tức người dân có thể tự do trồng trọt, phát triển sản phẩm. Từ đó, chất lượng sản phẩm được nâng cao hơn nhiều. Thứ hai, nhà nước cũng mở cửa thị trường, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để đưa vải thiều đến các thị trường quốc tế.
Theo ông, Việt Nam cũng đang tập trung vận chuyển vào hàng không và đường thủy. Thế nhưng, vận chuyển đường thủy gặp khó khăn khi muốn tiếp cận thị trường xa. Do đó, các doanh nghiệp có thể nghĩ đến đến đường sắt để hướng tới thị trường châu Âu. Trong khi đó, ở những thị trường hiện nay, chúng ta chỉ cần phát huy chất lượng.
"Một lợi thế khác là chúng ta có nhiều sản phẩm chế biến từ vải thiều, có khả năng bảo quản dài hạn hơn như quả đông lạnh", ông nói. Hiện doanh nghiệp này đang nghiên cứu loại sản phẩm có thể bảo quản đến hai năm nhưng chi phí sản xuất rất cao. Ví vậy, đơn vị cũng phát triển thêm các sản phẩm đóng hộp, hướng tới tạo nên hệ thống đồng bộ, đưa ra sự lựa chọn đa dạng hơn, thay vì chỉ có vải tươi. Miễn sao, các cơ sở vẫn giữ được hồn cốt của sản phẩm và được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, ông Hưng nói thêm.