Những ngày giữa tháng 6, màu vải chín bắt đầu phủ đỏ từng khoảng vườn, ngọn đồi tại huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang). Vải được xếp đầy sân những ngôi nhà làm điểm tập kết tại thị trấn Kép, Chũ hay xã Phượng Sơn (huyện Lục Ngạn). Tại đây, sản phẩm sẽ được phân loại, đóng thùng xốp rồi đưa lên xe chở qua biên giới Trung Quốc. Chỉ một phần nhỏ được dành tiêu thụ trong nước.
Ông Bùi Văn Cánh, chủ một đại lý tại Phố Kép (xã Hồng Giang) cho biết năm nay được mùa hơn hẳn mọi năm. Từ đầu tháng 6, trung bình mỗi ngày gia đình ông thu mua khoảng 30 tấn, ngày cao điểm có thể cả trăm tấn. "Tôi nhận làm đầu mối thu mua cho các thương lái Trung Quốc. Họ gửi tiền gom hàng rồi cho xe tải đưa lên biên giới", ông cho biết. Hiện tại giá vải tương đối cao nhưng khác biệt theo thời gian trong ngày, buổi sáng thu mua có thể đạt 18.000 đồng một kg, mức trung bình là 15.000-16.000 đồng, nhưng tới đầu giờ chiều giá có thể chỉ còn 8.000-10.000 đồng.
Ở khoảng sân trước nhà, hàng chục nhân công cả nam lẫn nữ thay nhau đóng xếp vải vào thùng để đưa lên xe container. Người nông dân sau khi thu hoạch tại vườn sẽ chở bằng xe máy (thường từ một đến 1,5 tạ mỗi xe) tới các điểm đại lý thu mua như nhà ông Cánh. Sau đó sản phẩm sẽ được cân lại rồi nhúng qua nước đá có pha chất giữ tươi lâu trước khi được xếp vào thùng xốp có chứa đá lạnh để vải không bị hỏng trong suốt hơn 4 tiếng đồng hồ chuyển từ Kép lên cửa khẩu Tân Thanh để xuất sang Trung Quốc.
Nhận định việc kinh doanh phụ thuộc hết vào người Trung Quốc là bấp bênh, nhưng vì khách hàng thường đánh vải với số lượng rất lớn nên dù có những lần thua lỗ, ông Cánh vẫn tiếp tục công việc của mình. "Buôn bán có lời có lỗ, lúc này lúc kia nên khi chọn sống bằng nghề này rồi thì mình không bỏ". Những ngày này, nhà ông Cánh luôn có mặt những thương nhân từ Trung Quốc sang, thậm chí có người còn ngủ luôn tại nhà.
Không chỉ ông Cánh, một số đại lý người Việt Nam tại đây cũng cho biết quả vải Lục Ngạn đang trông đợi nhiều thương nhân Trung Quốc. "Có lúc họ ép giá, ép cân vải nhưng vẫn là khách thu mua chính, có thể nhập nhiều tấn hàng của người dân", chủ một vựa quy mô nhỏ chia sẻ.
Bà Ngô Thị Nhung, thương nhân đến từ tỉnh Phú Yên cho biết một chuyến hàng chỉ nhập về khoảng 200 thùng để bán. "Ít vậy nên một lần phải rủ thêm ba bốn người nữa đi cùng, đánh hàng về các tỉnh khác nhau dọc đường đi cho đủ một xe 15 tấn", bà chia sẻ. Khi không đủ người đi, bà Nhung lấy hàng từ các xe nhập vào TP HCM khi chạy qua địa phận Phú Yên thay vì phải ra tận Lục Ngạn.
"Vào trong kia bán giá có thể gấp đôi so với ở đây, nhưng chi phí sinh hoạt trong thời gian đi đánh hàng, cước vận chuyển và nhiều thứ khác khiến chúng tôi lãi chẳng bao nhiêu. Nhà buôn vải mà đâu phải lúc nào cũng dám bỏ tiền túi mua để ăn đâu", nữ thương nhân tâm sự.
Là một trong những đại lý lớn nhất tại Kép, chủ vựa Bùi Văn Cánh cho biết năm nay buôn bán không mấy thay đổi so với các năm trước. "Giá cả vẫn vậy, có chênh lệch đôi chút thì cũng không đáng kể. Tuy nhiên doanh thu sẽ không bằng, một phần vì thương lái bên kia biên giới sang ít hơn", ông chia sẻ. Bên cạnh đó, việc siết tải trọng cũng khiến chi phí cho các chuyến hàng tăng lên do lượng sản phẩm được phép chở thấp đi, trong khi mỗi chuyến xe lên cửa khẩu giá gần 20 triệu đồng, không giảm so với các năm trước.
Có mặt hơn 10 ngày nay tại vựa vải Phố Kép, ông Nông Đức Sẹc, thương nhân từ Bằng Tường (Trung Quốc) cho biết đã chuyển xong 50 xe hàng về nước, mỗi xe từ 12-15 tấn. "Gần chục năm buôn vải tại Kép, có ngày tôi mua tới 15 xe, bây giờ trung bình 5-6 xe để đưa về nước. Đợt này giá vải cao hơn, mấy hôm trước chỉ 10.000 đồng một kg, nay lên tới 15.000-18.000 đồng", ông nói. Theo ông, giá tăng vì thương nhân tranh nhau mua cho đủ xe hàng.
Người đàn ông 50 tuổi cũng chia sẻ, dù giữa hai quốc gia đang có một số bất đồng, ông vẫn qua lại thường xuyên để buôn bán và mong tình hình sẽ tốt hơn. "Năm nay người Trung Quốc về đây không đông bằng các năm trước. Mấy người ở Phúc Kiến xa quá nên họ cũng chẳng qua", ông chia sẻ.
Ngoài vải, ông Sẹc còn thu mua dưa hấu, xoài và nhiều loại nông sản khác của Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. "Người nước tôi thích ăn hoa quả, mà của Việt Nam thường ngon hơn. Như quả vải, Trung Quốc cũng có, cũng nhiều nhưng ăn không bằng dù mẫu mã rất đẹp", vị thương lái chia sẻ.
Anh Trần Đại Hải (38 tuổi, người Hồ Nam, Trung Quốc) lần đầu sang Việt Nam buôn vải vì người dân nước anh chuộng loại vải Lục Ngạn. Tại Bắc Kinh, Thượng Hải vải được giá nhất nhưng đánh xe lên các điểm đó có thể mất hơn 2 ngày. Một thương nhân khác có mặt tại Phố Kép tên Trương Chính Hào (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) khẳng định vải Việt Nam mang về bao nhiêu cũng bán hết, công việc kinh doanh của anh rất thuận lợi.
Trao đổi với VnExpress, ông Bùi Huy Tình, Chủ tịch UBND xã Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết hiện tại trên địa bàn có 36 thương nhân Trung Quốc sang đăng ký hoạt động thu mua. Theo ông, vụ vải năm nay bên kia biên giới thu hoạch muộn, thương lái còn lo mua hết hàng bên đó rồi mới sang Việt Nam. "Bây giờ mới có một số họ chuẩn bị làm hộ chiếu để sang nên năm nay họ sang muộn hơn bình thường", ông nhận định.
Lãnh đạo xã cũng khẳng định: "Mối quan hệ lúc này vẫn tốt, đôi bên tạo điều kiện thuận lợi cho nhau để kinh doanh. Năm nay sản lượng toàn xã tăng hơn năm ngoái, đạt trên 5.000 tấn vải, hai phần ba trong số này sẽ xuất sang thị trường Trung Quốc, số còn lại tiêu thụ trong nước".
Cùng nỗi lo với người nông dân khi vải cho doanh thu tốt, ông Tình cho biết nhiều khả năng nay giá sẽ không còn cao như năm ngoái. "Chuyện được mùa mất giá thì không có gì lạ. Năm ngoái trung bình mỗi kg vải đạt 20.000 đồng thì vụ 2014 dù chưa có con số cụ thể, tôi nghĩ chỉ khoảng 15.000-16.000 đồng".
Anh Quân