Trung Quốc đang là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2013, Việt Nam xuất khẩu 13,1 tỷ USD sang Trung Quốc nhưng nhập về tới 36,8 tỷ USD, trong đó hơn 50% là hàng tiêu dùng. Những năm gần đây, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng máy móc, thiết bị, điện thoại, máy vi tính và linh kiện điện tử đang gia tăng, với tốc độ vài chục phần trăm.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan kiêm Phó chủ tịch Hội Da giày TP HCM, cho biết các doanh nghiệp dệt may đang lệ thuộc nhiều vào nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc. Hơn 50% số vải nhập khẩu từ nước này được doanh nghiệp sử dụng làm nguyên liệu gia công hàng xuất khẩu.
“Nguồn cung nguyên liệu cũng như ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn quá yếu, trong khi đây là thế mạnh của Trung Quốc. Hơn nữa, hàng Việt Nam đang nghiêng về giá rẻ nên việc nhập nguyên liệu từ Trung Quốc là điều đương nhiên”, ông Kiệt cho biết.
Phó chủ tịch Hiệp hội Cao su nhựa TP HCM, ông Trần Việt Anh cho biết, doanh nghiệp nhựa đang phụ thuộc đến 90% máy móc và 80% nguyên phụ liệu, vật tư phụ trợ ngành nhựa.
Ngành lương thực thực phẩm cũng tương tự. Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, lâu nay, Trung Quốc vốn được xem là một trong những thị trường dễ tính và không yêu cầu cao về mặt chất lượng hàng hóa, nên được doanh nghiệp Việt Nam ưa chuộng. Tuy nhiên, phần lớn hàng hóa xuất qua nước này là tiểu ngạch nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Năm 2013, doanh nghiệp Việt Nam xuất sang Trung Quốc 6,6 triệu tấn gạo, trong đó xuất tiểu ngạch chiếm đến 1,4 triệu tấn.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, những năm gần đây, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông sản quan trọng của Việt Nam. Tính bình quân 3 năm gần đây, tỷ trọng hàng nông sản xuất sang Trung Quốc chiếm 33,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Còn theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm 32% thị phần trong 4 tháng đầu năm 2014.
Trước tình hình doanh nghiệp Việt lệ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, các chuyên gia nhìn nhận trước mắt Trung Quốc sẽ không dám ngăn chặn việc giao thương với Việt Nam vì họ cũng thiệt hại. Tuy nhiên, về lâu về dài khó có thể đoán trước được. Vì thế, doanh nghiệp trong nước phải tìm mọi cách để thoát “cái bóng hàng Trung Quốc”.
"Thay đổi là không dễ nhưng đây là cơ hội để doanh nghiệp nâng cấp, thoát sự ảnh hưởng từ hàng Trung Quốc. Và đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế, cân bằng giữa các thị trường, kể cả nội địa. Nhưng điều này sẽ không thể thành hiện thực nếu chỉ có sự tham gia của doanh nghiệp mà cần có sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước và cả người tiêu dùng", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định.
Trên thực tế, nhận thức được tầm quan trọng của việc thoát sự lệ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu Trung Quốc, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động, từng bước thay thế. Bà Hồ Trang, Tổng giám đốc Công ty Áo mưa Lucky, cho biết 5 năm trước công ty sử dụng 100% nguyên liệu từ Trung Quốc. Thế nhưng, từ khi có thông tin hàng Trung Quốc ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, Lucky đã dần chuyển sang nguyên liệu từ Thái Lan, Ấn Độ…
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam, cho biết, do thuế nhập khẩu trong các nước ASEAN bằng 0% nên hiện nay các doanh nghiệp nhựa đã tăng cường nhập nguyên liệu từ các nước trong khu vực. “Hàng Trung Quốc có lợi thế lớn nhất là giá rẻ, nhưng đó không còn là ưu tiên hàng đầu để doanh nghiệp chọn lựa. Hiện nguyên liệu nhựa Trung Quốc nhập về Việt Nam đang phải chịu thuế trung bình 5%, nên đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp từ bỏ nguồn nhập khẩu này”, ông Lam nói.
Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, phần nhiều các doanh nghiệp dệt may, da giày đang sản xuất và gia công sản phẩm cấp trung bình nên không thể mua phụ liệu cao cấp. Vì sản xuất hàng thấp cấp nên việc mua nguyên liệu từ Trung Quốc là điều đương nhiên. Vì vậy, muốn thoát khỏi nguồn cung này, các doanh nghiệp cần phải nâng cấp chất lượng sản phẩm và tìm cách đa dạng hoá nguồn nguyên liệu.
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (Garmex Saigon), cho biết, trước đây, nguyên liệu Trung Quốc chiếm 70% trong tổng nguồn nguyên liệu sản xuất của Công ty. Để giảm mạnh nguồn hàng này, từ năm 2011, Công ty chuyển sang làm FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm). Để tiếp tục giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nước này, Công ty đang rà soát nhằm thay thế bằng nguyên liệu Việt Nam và các nước khác. Cụ thể, một số vải đặc thù và có giá trị cao có thể thay bằng nguyên liệu Đài Loan, Hàn Quốc, còn những nguyên liệu khác thì dùng hàng Việt Nam.
Ông Hùng tin rằng, khách hàng sẽ chấp nhận phương án này vì 2 năm trước, Garmex Saigon đã từng thuyết phục một khách hàng Mỹ chấp nhận nguyên liệu Việt Nam. Từ đó đến nay, đều đặn mỗi năm, Garmex Saigon đều mua một triệu mét vải nội địa để sản xuất sản phẩm cho đối tác. Theo ông Hùng, hiện nay, có nhiều nguồn cung nguyên liệu rất tốt từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. “Vấn đề là doanh nghiệp đang thiếu thông tin và không có những kết nối giữa doanh nghiệp may mặc với nhà cung ứng nguyên liệu. Muốn thay đổi nguyên phụ liệu, doanh nghiệp phải thuyết phục được khách hàng vì sao thay đổi và cung cấp cho họ đầy đủ thông tin về giá cả, chất lượng, các vấn đề môi trường… của nguồn cung mới”, ông Hùng khuyên.
Song Ngân