Hầu như tất cả chúng đều bắt đầu bằng câu "có nguồn vaccine chắc chắn" ở nước ngoài, chỉ cần xin được giấy phép nhập về là thành công.
Không khẳng định tất cả các lời đề nghị là phi lợi nhuận nhưng tôi chắc nhiều người trong số đó chỉ nghĩ đến sự bình an của đất nước. Vì vậy, tôi cũng rất nhiệt tình liên hệ với mọi chỗ quen biết để giúp họ. Nhưng câu trả lời đều là những cái lắc đầu.
Nguyên nhân rất dễ hiểu. Các hãng chỉ chấp nhận đàm phán với chính phủ, vì tất cả vaccine phòng chống Covid-19 đều chưa được thương mại hóa.
Vì sao?
Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ - FDA, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu - EMA và các quốc gia trên thế giới mới chỉ cấp giấy phép lưu hành khẩn cấp - EUA cho vaccine của Pfizer-BioNtech, Moderna và Johnson & Johnson. Vaccine AstraZeneca vẫn chưa được cấp EUA ở Mỹ.
Còn trong danh sách "lưu hành khẩn cấp" của WHO hiện chỉ có các loại vaccine sau, theo thứ tự thời gian được phê chuẩn: Pfizer/BioNtech, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna, Sinopharm và Sinovax.
Việc các doanh nghiệp nội và cả FDI đang chủ động tìm nguồn cung vaccine nhằm hỗ trợ chính phủ là nỗ lực rất đáng trân trọng bên cạnh góp tài chính cho Quỹ vaccine. Tuy nhiên, chưa nhà sản xuất vaccine nào có kế hoạch phân phối sản phẩm thương mại tung ra thị trường.
Họ chưa đủ động lực làm điều đó khi mà việc đáp ứng đơn hàng của các chính phủ vẫn còn đầy khó khăn do năng lực sản xuất không kịp nhu cầu trong nhiều tháng tới, thậm chí kéo dài hết năm sau.
Lý do thứ hai, các hãng chỉ bán cho đối tác chính phủ. Như vậy họ mới được miễn bồi hoàn trách nhiệm nếu có tai biến xảy ra khi sử dụng sản phẩm của mình.
Vì vậy, các doanh nghiệp không nên tìm nguồn vaccine gián tiếp. Nếu mua gián tiếp, không rõ nguồn gốc, chúng ta có thể gặp những nguy cơ như vaccine hết hạn bảo quản mà chưa được sử dụng. Ví dụ, Pfizer chỉ được sử dụng trong 30 ngày ở 2 đến 8 độ C khiến nhiều nước Mỹ, Âu phải hủy bỏ vì không kịp tiêm. Ngoài ra, ta cũng không thể chắc chắn tránh khỏi hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng nếu mua không chính hãng.
Nhưng chúng ta cũng không nên quá lo. Với những cam kết chính phủ Việt Nam đạt được cho đến hôm nay, nguồn vaccine dự kiến sẽ đủ cho đại bộ phận dân chúng để hướng tới miễn dịch cộng đồng.
Vấn đề quan trọng nhất đang đặt ra với Việt Nam là chiến dịch tổ chức tiêm. Làm sao việc tiêm chủng được thiết kế khoa học, hợp lý, tránh những bất cập có thể phát sinh trong một chiến dịch tiêm chủng quy mô rộng khắp, lớn nhất trong lịch sử.
Tôi vừa được vinh dự tham gia dự án tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Đại học Y Hà Nội. Chương trình bắt đầu từ 26/4, đến hôm nay đã tiêm cho 14.300 người. Điều quan trọng nhất của hoạt động tiêm chủng là phải đảm bảo tối đa an toàn cho người được tiêm.
Từ khâu lập danh sách, khám sàng lọc đến tiêm và theo dõi sau tiêm, chúng tôi phải giám sát hết sức khoa học và tường minh, đồng thời tuân thủ quy định của Bộ Y Tế và Chương trình Tiêm chủng quốc gia. Có gấp gáp bao nhiêu, chúng ta tuyệt đối không nên "sáng tạo" hay cắt bớt bất cứ khâu nào.
Vấn đề là: nếu thực hiện đúng, đủ quy trình, năng suất tiêm sẽ chậm lại. Số người được tiêm mỗi ngày sẽ rất hữu hạn. Mỗi ngày, chúng tôi cần không dưới 100 nhân lực song số người được tiêm tối đa không quá được 1.000. Vậy, thử hình dung, để tiêm hết 70 triệu liều vaccine trên 63 tỉnh thành, chúng ta cần huy động lực lượng y tế khổng lồ đến mức nào.
Có những ý kiến đề xuất cho phép người dân tự tiêm, nhưng với những gì tôi đã chứng kiến, việc xử lý các biến chứng trong và sau tiêm không hề đơn giản. Làm sao người không đủ chuyên môn biết sàng lọc bệnh nền, kỹ thuật lấy thuốc và tiêm? nơi tiêm và kỹ thuật tiêm có được cấp chứng chỉ an toàn, vô khuẩn? Với các phản ứng dị ứng từ nhẹ đến sốc phản vệ, "người thường" biết xử trí ra sao?
Điểm tiêm chủng của Đại học Y Hà Nội tuần trước không có ca sốc phản vệ độ bốn như vài cơ sở khác, nhưng chúng tôi đã gặp hai ca phản vệ độ ba cần xử lý truyền Adrenaline - loại thuốc độc bảng A chỉ được bác sĩ kê đơn và sử dụng trong bệnh viện. Các chuyên viên cũng xử trí các ca dị ứng nhẹ như tăng huyết áp, tim đập nhanh, mẩn ngứa mề đay mỗi ngày. Hơn nữa, ở khâu theo dõi sau tiêm, nếu phản ứng xảy ra, tất cả chúng ta cần một địa chỉ liên hệ chuyên nghiệp và trách nhiệm cao với mũi tiêm của mình.
Từ hôm triển khai chương trình tiêm chủng trên, hầu như không đêm nào tôi không bị dựng dậy bởi những cuộc điện thoại vì sốt, đau đầu, huyết áp tăng vọt, thậm chí chỉ là "bác sĩ ơi không ngủ được".
Chưa tính đến biến chứng muộn gây rối loạn đông máu, chỉ bằng ấy các lý do, tôi thấy đã đủ để khuyến cáo: không thể để những người không được đào tạo Y khoa tiến hành tiêm chủng cho dân.
Đã có nhiều phản biện, thậm chí chỉ trích ngành Y trong việc chuẩn bị nguồn vaccine cho Việt Nam. Là người trong ngành, tôi biết ơn sự lo lắng của những người có hiểu biết và lương tri. Để cuộc sống sớm bình thường trở lại, xin hãy đồng hành cùng chúng tôi trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất bắt đầu từ tuần này.
Đồng hành bằng cách nào? Bạn chỉ việc tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan chức năng khi nhận được thông báo đi tiêm, bảo đảm 5K ở địa điểm tiêm chủng, đừng ngần ngại thông báo các biểu hiện khác thường của cơ thể mình sau tiêm.
Và quan trọng, nói "không" với những chào mời vaccine hàng "xách tay" vì đó là thứ tuyệt đối không nên mua ở chợ đen.
Nguyễn Lân Hiếu