Các chuyên gia cho biết người dân có thể dễ dàng phân biệt vaccine thật và giả mạo. Vaccine hợp pháp hiện chỉ được bán cho chính phủ, triển khai tại các điểm tiêm chủng theo quy định. Do đó vaccine được rao bán đều là giả mạo và có khả năng gây hại cho sức khỏe người dùng.
Trung Quốc và Nam Phi hồi tháng trước đã thu giữ hàng nghìn liều vaccine Covid-19 giả, bắt giữ hàng chục người có liên quan. Mexico cũng đang điều tra lô hàng khoảng 6.000 liều Sputnik V không rõ nguồn gốc từ một máy bay tư nhân đến Honduras vào tháng 3.
Trong nhiều tháng, Trung tâm Điều phối Quyền Sở hữu trí tuệ Quốc gia (IPR), thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ, đã điều tra các vụ lừa đảo liên quan Covid-19 toàn cầu. Cơ quan thu hồi các lô khẩu trang, đồ bảo hộ và nhiều sản phẩm kém chất lượng trị giá 48 triệu USD. Kể từ mùa thu năm ngoái, điều tra viên tập trung hơn vào vaccine Covid-19, xử lý các vụ lừa đảo trực tuyến. Họ đã xóa 30 trang web và thu giữ 74 tên miền bất hợp pháp.
Đến nay, Mỹ chưa phát hiện vaccine giả. Nhưng nguồn cung hạn chế và nhu cầu cao khiến nhiều người tìm cách tiêm chủng bên ngoài địa điểm chính thức, đặc biệt là ở Mexico và Brazil, nơi dịch bệnh còn căng thẳng.
Tại Mexico, khoảng 80 người đã được tiêm vaccine tại một phòng khám với giá 1.000 USD một liều. Tiến sĩ Manuel de la O Cavazos, người đứng đầu cơ quan y tế bang Nuevo León, cho biết các lọ vaccine được tìm thấy trong một tủ lạnh đựng bia, sai hạn sử dụng, số hiệu khác với lô hàng được gửi đến bang dù vỏ ghi là vaccine của Pfizer. Đến nay, chưa có trường hợp nào trong số được tiêm loại vaccine này ghi nhận triệu chứng bất thường. Giá gốc của vaccine Pfizer là 39 USD một liều hai mũi tiêm. Tại Mexico, vaccine được tiêm miễn phí cho nhóm ưu tiên.
Nhà chức trách Ba Lan cũng vừa thu giữ một lượng vaccine giả tại căn hộ của một người đàn ông. Chất bên trong có thể là thuốc điều trị nếp nhăn, đại diện Pfizer cho biết. Vaccine chưa được tiêm cho bất cứ ai.
Vụ việc tương tự xảy ra hồi tháng 1, Pfizer phát hiện lô vaccine giả từ một căn hộ ở Ba Lan. Hãng thử nghiệm chất lỏng trong lọ, nhận thấy chúng thiếu các thành phần quan trọng cấu tạo nên vaccine, thay vào đó là axit hyaluronic (có trong sản phẩm căng da). Người đàn ông ở căn hộ này đã bị bắt giữ và buộc tội lừa đảo.
Ở Việt Nam, Bộ Y tế đã nhiều lần cảnh báo tình trạng vaccine Covid-19 giả. Tuần trước, Bộ Y tế cho biết xuất hiện bộ hồ sơ xin nhập khẩu vaccine Covid-19 của Moderna có dấu hiệu giả mạo. Trên thực tế, Bộ Y tế chỉ mới nhận được văn bản đề nghị tìm kiếm nguồn cung từ Moderna của một doanh nghiệp dược phẩm nhà nước.
Kể từ cuối 2020, các hãng dược như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson nỗ lực ngăn chặn hoạt động phi pháp liên quan đến vaccine. Chiến dịch tiêm chủng toàn cầu cùng nhu cầu cao của cộng đồng tạo cơ hội cho tội phạm lợi dụng những người nhẹ dạ, cả tin.
"Mọi người trên thế giới đều cần đến vaccine Covid-19. Hiện nay, nguồn cung còn hạn chế. Số vaccine sẽ tăng lên khi có thêm các công ty tham gia vào thị trường. Còn lúc này, tội phạm có cơ hội hoàn hảo để thực hiện hành vi lừa đảo", Lev Kubiak, người đứng đầu bộ phận an ninh của Pfizer, nhận định.
Pfizer mới đây xác nhận vaccine của hãng đã bị làm giả ở Mexico và Ba Lan. Hãng sẽ làm việc với nhà chức trách để điều tra thêm về vụ việc.
Tony Pelli, chuyên gia tư vấn của Viện Tiêu chuẩn Anh, cho biết: "Trong một số lĩnh vực nhất định, khi cung - cầu quá cách biệt, sẽ có những người sẵn sàng lấp đầy khoảng cách đó bằng hàng giả. Với những loại thuốc mới, không sớm thì muộn, chúng sẽ bị làm giả".
Thực tế, việc làm giả thuốc theo đơn sinh nhiều lợi nhuận hơn trong thập kỷ qua. Theo Pricewaterhouse Coopers (PwC), một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, thị trường dược phẩm giả có giá trị hơn 200 tỷ USD một năm.
Theo ông Pelli, do các quốc gia bảo quản vaccine Covid-19 rất nghiêm ngặt trong đại dịch, việc phân phối vaccine giả cũng dễ dàng hơn so với đánh cắp những liều tiêm chính hãng.
"Với hàng giả, bạn chỉ cần nói ‘Đây là vaccine Covid-19, đừng hỏi vì sao chúng tôi có được’ và bắt đầu bán chúng cho những người nhẹ dạ", ông nói.
Các hãng dược lớn như Pfizer thường hợp tác với cơ quan an ninh, cựu quan chức hành pháp để điều tra nạn thuốc giả. Trong những năm gần đây, hãng nỗ lực tìm kiếm tội phạm làm giả thuốc điều trị rối loạn cương dương Viagra và thuốc chống lo âu Xanax.
Steve Francis, giám đốc IPR, cho biết: "Chúng tôi chưa bao giờ thấy nhiều vụ lừa đảo và thông tin sai lệch liên quan đến vaccine như vậy".
Ông Kubiak phỏng đoán tình trạng hàng giả sẽ trở nên tồi tệ hơn khi chiến dịch tiêm chủng mở rộng. Ông nói: "Ngay lúc này, người tiêu dùng rất dễ bị lừa. Họ đang tuyệt vọng để có được vaccine".
Thục Linh (Theo WSJ)