Vaccine Covid-19 do Công ty TNHH Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế triển khai cho kết quả bước đầu khả quan. Thạc sỹ Mạc Văn Trọng, thành viên nhóm nghiên cứu tại Vabiotech cho biết, dự án vaccine Covid-19 dự tuyển do nhóm thực hiện có tính sinh miễn dịch khá cao.
Dự án bắt đầu thực hiện từ tháng 2, sau đó các nhà khoa học đã tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của nCoV tại phòng thí nghiệm, nguyên liệu quan trọng trong sản xuất vaccine. Vaccine dự tuyển được tiêm thử nghiệm trên chuột. Đến ngày 15/5 và 29/5, 2 lô mẫu huyết thanh của 50 con chuột tiêm dự tuyển vaccine Covid-19 được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để đánh giá.
Bằng việc tiêm so sánh với chính chủng virus hoang dại đã được bất hoạt cho chuột, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xác định các mẫu huyết thanh này đã cho đáp ứng kháng thể, trong đó có những mẫu đáp ứng khá cao.
"Đây là cơ sở để phát triển thành vaccine hoàn chỉnh", PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nhận định.
Với kết quả này, Vabiotech đã vượt tiến độ 2 tháng của giai đoạn 1 dự án, cũng là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19. Ở giai đoạn tiếp theo, vaccine dự tuyển sẽ được phát triển thành vaccine hoàn chỉnh, ổn định và đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho người. Nhóm nghiên cứu cũng sẽ xây dựng quy trình sản xuất thương mại để có thể đáp ứng quy mô sản xuất lên tới hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu liều.
"Để cho ra đời vaccine hoàn chỉnh cần 9 -12 tháng nữa nhưng chúng tôi đang nỗ lực để rút ngắn thời gian này. Dù vậy, so với mức trung bình 10 năm của một vaccine bình thường, thời gian 18 - 24 tháng để phát triển được một vaccine đã là một thành tựu rất đáng kể", Thạc sỹ Trọng nói.
Lý giải về tốc độ nghiên cứu được rút ngắn, TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Vabiotech cho biết, nhóm sử dụng công nghệ vector virus thay vì các công nghệ vaccine bất hoạt hay sống giảm độc lực như truyền thống. Đây là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các vaccine đại dịch.
"Nhờ nguồn kinh phí tài trợ, Công ty đã nâng cấp được hệ thống nuôi cấy tế bào Bioreactor vốn đã được trang bị gần 10 năm trước. Model thế hệ mới này thích ứng hơn với công nghệ vector virus mà chúng tôi đang dùng", TS Đỗ Tuấn Đạt cho biết.
Trước đó dự án được đầu tư kinh phí 8 tỷ đồng để "Phát triển vaccine chống lại chủng mới của virus corona trên giá thể baculovirus ở quy mô phòng thí nghiệm" với sự tài trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF (thuộc Tập đoàn Vingroup).
Hải Minh