Ngày 1/7, bà Sarah Gilbert, Giáo sư nghiên cứu vaccine tại Đại học Oxford cho biết, 8.000 tình nguyện viên tham gia vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine AZD1222 ngừa Covid-19 của công ty dược phẩm Astrazeneca.
Vaccine này được bào chế từ một loại virus gây cảm lạnh là ChAdOx1 đã được làm suy yếu trước khi đưa vào cơ thể người. Do đó, nó khá an toàn ngay cả với người có hệ miễn dịch yếu. Trước đây, nhóm Oxford phát triển vaccine ngừa MERS cũng sử dụng phương pháp này.
"Chúng tôi rất vui khi quan sát được phản ứng miễn dịch trên các tình nguyện viên giúp chống lại nCoV", bà Gilbert nói.
Giai đoạn 3 của các thử nghiệm trên người được thực hiện với quy mô lớn nhằm đánh giá cách thức hoạt động của vaccine, cách thức ngăn chặn xâm nhập của virus gây bệnh.
Gilbert cho biết, bà hy vọng vaccine Oxford sẽ có bước tiến triển sớm hơn nhưng bà không cho biết mốc thời gian cụ thể để vaccine có thể sẵn sàng ra thị trường vì còn phụ thuộc vào kết quả của thử nghiệm.
Việc nghiên cứu phát triển vaccine Covid-19 trên toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, trước nguy cơ đại dịch có thể gia tăng trở lại vào cuối năm nay.
John Bell, Giáo sư Y khoa Regius tại Đại học Oxford, nói rằng Anh nên chuẩn bị cho tình huống chưa có vaccine Covid-19 để tiêm trong mùa đông năm nay và khuyến khích mọi người tiêm vaccine cúm để tránh mắc bệnh nhiễm trùng ở bệnh viện.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đánh giá vaccine Covid-19 của công ty dược phẩm Astrazeneca do nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford dẫn đầu là tiềm năng nhất trong cuộc đua bào chế vaccine hiện nay.
Dù chưa kết thúc thử nghiệm nhưng chính phủ Brazil đã ký một thỏa thuận trị giá 127 triệu USD để sản xuất vaccine Oxford (tên khác AZD1222) do Đại học Oxford nghiên cứu và phát triển. Ngày 26/6, hãng dược Nhật Bản Daiichi Sankyo cho biết họ đang đàm phán với AstraZeneca về việc sản xuất và phân phối vaccine Oxford tại nước này.
Lê Cầm (Theo Reuters)