Tôi đi xe máy điện cả năm nay, hôm rồi bị bể bánh xe, đến tiệm gần nhà vá, vá không được thì thay vỏ. Anh thợ trẻ ra loay hoay một hồi rồi lắc đầu, chỉ đi tiệm khác. Tiệm khác xa hơn nên tôi đành dắt về nhà, khiêng lên xe bán tải rồi chở đi.
Đến tiệm khác, thợ bảo không có dụng cụ chuyên dụng, lại chỉ đi chỗ khác. Tôi đến tiệm khác thì chủ tiệm bảo: Ở đây chỉ vá, thay lốp xe tay ga xe điện thì bó tay.
Tôi tại bỏ xe lên xe bán tải chở đi... may sao có anh thợ chịu sửa giùm. Tôi hỏi: Sao giờ vá xe máy điện khó đến vậy, thì được giải thích là do mô tơ nằm ở bánh sau, phức tạp rắc rối, chẳng bao nhiêu tiền lại tốn công nên không nhiều thợ chịu làm... Cuối cùng, tôi phải chở lên tận chỗ mua ở thị trấn, tổng cộng đi vòng vòng hơn 20 km thì mới có người làm.
Tôi lại nghĩ đến những năm 2000, khi tivi CRT to như cái tủ vẫn còn thịnh hành. Đến lúc màn hình LCD, LED đổ bộ, nhiều thợ điện tử chới với, vì kỹ năng sửa bo mạch, sửa bóng đèn hình không còn dùng được nữa.
Có người nhanh chóng học nghề mới, người thì mày mò tự học cách sửa. Chỉ đến khi giá tivi quá rẻ, đem sửa có khi còn mắc hơn mua mới thì lớp thợ điện tử này mới lặng lẽ bỏ nghề.
Xã hội càng hiện đại, máy móc càng thông minh, thì người lao động lại càng không thể mãi đứng im một chỗ. Kỹ năng hôm nay có thể là vô dụng ngày mai nếu không được cập nhật. Những người ngại khó thì sớm muộn gì cũng bị bỏ lại phía sau.
Chẳng ai muốn mình phải đi mấy chục cây số hay phải chở xe lên tận chỗ mua để vá một cái bánh xe. Không chỉ ở phố, xe điện giờ cũng đã phổ biến ở nhiều vùng quê.
Câu chuyện vá xe này có thể nhỏ thôi, nhưng nó đặt ra một câu hỏi: Chúng ta đang hướng nghiệp thế nào cho thế hệ trẻ? Nhiều người chọn nghề vì thấy "dễ làm, dễ kiếm", thấy bạn bè đi học nghề gì thì đi theo.
Nhưng những cái "dễ" đó thường chỉ tồn tại trong một giai đoạn ngắn. Rồi khi nghề đó trở nên cạnh tranh, bị thay thế, bị công nghệ hóa, thì họ lại rơi vào trạng thái hoang mang, mất phương hướng.
Thế nên, đã làm nghề thì phải xác định: không chỉ làm để kiếm sống hôm nay, mà còn phải sẵn sàng học để tồn tại ngày mai.
Những nghề khó đang cần người giỏi, chứ không phải là "khó quá không làm". Nghề nào cũng có sự vất vả riêng, nhưng chính những người biết dấn thân, chịu khó, chịu cập nhật mới là những người bền vững với nghề.