Kể từ lúc giới doanh nhân nhảy vào đầu tư bóng đá, V-League trở thành "thiên đường" trong mắt các ngoại binh. Như cầu thủ Oloya Moses của B.Bình Dương từng thừa nhận một năm chơi bóng tại Việt Nam bằng 60 năm ở quê nhà Uganda.
Không thể phủ nhận rằng kể từ lúc V-League ra đời năm 2001, làn sóng ngoại binh góp phần không nhỏ nâng cao trình độ các câu lạc bộ tại Việt Nam. Qua 14 năm, giải đấu ngày càng phụ thuộc vào lực lượng này, thậm chí có HLV từng khẳng định rằng các cầu thủ nước ngoài quyết định đến 80 phần trăm cơ hội thành công của các CLB.
Tuy nhiên, khả năng tuyển lựa ngoại binh của các CLB tại Việt Nam đang ngày càng thiếu hiệu quả. Trong số các cầu thủ ngoại được mua ở mùa chuyển nhượng năm nay, không một ai tạo được ấn tượng rõ nét.
Thực tế đó dẫn đến hiện tượng "bình mới, rượu cũ" khi các đội tìm cách mua lại các cầu thủ cũ của nhau và chỉ sử dụng những người có kinh nghiệm, từng chơi bóng ở Việt Nam. Điều này khiến V-League thiếu hẳn đi sự mới mẻ, và chất lượng hẳn nhiên sa sút khi lứa ngoại binh tính đến tuổi "băm" như Nastja Ceh, Nguyễn Rogerio, Phan Văn Santos... ngày càng nhiều hơn.
Sự "lão hóa" ngoại binh ở sân chơi V-League còn đáng buồn hơn khi có cầu thủ từng 5-6 năm không thi đấu bỗng nhiên trở lại. Mùa giải 2013, thủ môn Nguyễn Quốc Thiện Esele khoác áo B.Bình Dương ở độ tuổi 29. Chưa ai quên chàng thủ môn Nigeria từng chơi cực hay màu áo Nam Định trong hai mùa 2003 và 2004. Nhưng trong mấy năm tiếp theo, Esele nhập quốc tịch Việt Nam, chuyển sang Hòa Phát Hà Nội và Hà Nội.ACB rồi gần như mất dạng.
Trở về quê nhà từ mùa 2011, Esele gần như không bắt bóng nhưng khó khăn tài chính khiến anh phải trở lại Việt Nam xin việc. Khi về B.Bình Dương xin HLV Lê Thụy Hải thử việc, Esele thậm chí không còn một đồng nào trong túi. Mất 3 năm không chơi bóng, Esele lóng ngóng như gã hề trong cầu môn ở một vài trận đầu. Nhưng giờ chàng thủ môn nhập tịch này trở thành chốt chặn số một khi B.Bình Dương thăng hoa với vị trí dẫn đầu V-League.
Đặc biệt không kém là tiền đạo Đặng Amaobi, vốn cũng nổi lên trong màu áo Nam Định trong giai đoạn mùa giải 2004. Tài năng không thể phủ nhận nhưng Amaobi nổi tiếng là "siêu quậy". Anh tưởng chừng hết thời sau nhiều lần chuyển khẩu qua lại ở bảy CLB gồm Nam Định (2004 và 2009), SHB Đà Nẵng (2005 và 2008), B.Bình Dương (2006 và 2010), V. Ninh Bình (nửa cuối mùa 2008), An Giang (2010), SQC Bình Định (2001-2012). Bất ngờ, giai đoạn hai V-League 2014, tiền đạo gốc Nigieria xuất hiện trong màu áo Thanh Hóa và lập tức có bàn thắng cho đội nhà khi bước vào tuổi 33.
Nhưng sự trở lại gây sốc nhất là cựu Vua phá lưới V-League 2007 và 2008 Almeida. Cựu tiền đạo SHB.Đà Nẵng bị đứt dây chằng gối đầu mùa 2009 và dự đoán không có cơ hội trở lại sân cỏ. Tuy nhiên sau 5 năm vắng bóng, Almeida lại xuất hiện trong màu áo QNK.Quảng Nam ở giai đoạn hai mùa này. Chấn thương cùng thời gian khiến chẳng ai còn nhận ra tiền đạo Brazil từng làm mưa làm gió sân cỏ Việt Nam năm hoặc sáu năm trước. Vậy mà trong bối cảnh thiếu tiền đạo giỏi, QNK.Quảng Nam vẫn chấp nhận mạo hiểm dùng cầu thủ từng bị xem là "hàng thải" này.
Từ trường hợp Nguyễn Quốc Thiện Esele, Đặng Amaobi, Almeida..., không biết chừng V-League sẽ còn đón chào nhiều ngoại binh tưởng đã hết thời từ vài năm trước. Tín hiệu ấy càng gây lo lắng khi độ tuổi ngoại binh đến Việt Nam ngày càng cao trong hai mùa giải gần đây.
Anh Tuấn