
Việc HLV Marcelo Zuleta phải ra đi sau vòng đấu vừa qua chỉ phản ánh một xu thế từ nhiều năm trở lại đây là thầy ngoại đang dần mất chỗ đứng. Sau khi lần lượt các HLV ngoại Francisco Vital, Cho Yoon Hwan rồi mới đây Marcelo Zuleta mất ghế, sân chơi V-League chỉ còn lại ông thầy ngoại duy nhất là Choi Yoon Gyum, vốn đang dẫn dắt HAGL đứng đầu V-League.
Thế nhưng, bất chấp những thành công của HAGL trong việc sử dụng thầy ngoại thì xu hướng các đội bóng ở V-League cũng đều tìm đến thầy nội sau khi sa thải HLV ngoại. Bình Dương sau khi chia tay HLV Cho Yoon Hwan đã chọn HLV nội quen thuộc là Lê Thụy Hải và hiện khá hài lòng với lựa chọn của mình. Đồng Tâm cũng tìm đến HLV nội Quang Sang trong mục tiêu trụ hạng V-League sau khi chia tay với hai HLV ngoại liên tiếp.
Khi quyết định chuyển hướng sang thầy nội, lãnh đạo đội Bình Dương đã nói rằng, họ không muốn tìm một HLV phải mất nhiều thời gian tìm hiểu công việc mới và chưa có hiểu biết về bóng đá Việt Nam. Phần lớn các HLV ngoại đều vấp phải trở ngại này do được đào tạo từ môi trường khác hẳn với Việt Nam.
Cách các ông thầy ngoại mất chức cũng muôn hình muôn vẻ nhưng phần lớn đều là do không nắm được phần hồn của cầu thủ. Ở các nền bóng đá chuyên nghiệp, cầu thủ được trả lương để đá bóng và có nhiệm vụ phải đá tốt nhất có thể. Thế nhưng, ở Việt Nam thì ngay cả điều đương nhiên này cũng khó được thực hiện nếu HLV ngoại không làm được cho cầu thủ hài lòng.
Chính việc khác hẳn về nền văn hóa, cách tư duy nên khi nhiều HLV áp đặt suy nghĩ của mình lên cầu thủ và lập tức bị ‘bật lại’ bằng việc đội bóng liên tục thua trận. Tuy nhiên, cũng có nhiều thầy ngoại mất việc không phải do cầu thủ phá mà là do năng lực của họ chưa thật tốt. Nói như HLV Nguyễn Thành Vinh thì ‘HLV ngoại giỏi chẳng đời nào chịu sang Việt Nam’. Nhiều HLV ngoại có bảng lý lịch hoành tráng đã bị loại ngay sau một thời gian ngắn do chuyên môn yếu và càng làm đội càng kém đi như trường hợp Hà Nội T&T với HLV Nicolau Vasquerio.
Nhiều HLV không hẳn là có chuyên môn kém nhưng lại không nắm được khả năng của cầu thủ nội để có điều chỉnh thích hợp nên thất bại. Ở môi trường còn thiếu chuyên nghiệp như V-League, HLV cũng phải thường xuyên canh cầu thủ để họ khỏi phá sức sau mỗi vòng đấu. Như trường hợp HLV Calisto có phong cách quen thuộc là bắc ghế ở cầu thang để trông cầu thủ. Thế nhưng, có mấy thầy ngoại có thể hiểu bóng đá Việt và quái như ông Tô.
Rõ ràng, về mặt chất lượng chung thì thầy ngoại luôn hơn thầy nội do được đào tạo bài bản và cập nhật những kiến thức huấn luyện hiện đại thường xuyên. Như HLV Mai Đức Chung từng khẳng định là các buổi tập của thầy ngoại luôn có sự kết hợp hài hòa và khoa học hơn nhờ những kiến thức bài bản mà họ được lĩnh hội. Thế nhưng do bất đồng ngôn ngữ và văn hóa nên nhiều lúc các cầu thủ nội đã không lĩnh hội được hết những cái hay từ thầy ngoại.
Xu hướng "đóng cửa bảo nhau" trong công tác huấn luyện rõ ràng không tốt cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Và để chấm dứt tình trạng V-League trở thành "mảnh đất dữ" của thầy ngoại, rất cần sự chuyển mình mạnh mẽ hơn của bóng đá Việt theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Nguyễn Tùng