Trong cơn khủng hoảng tại V-League, hầu hết đội bóng sử dụng cầu thủ trẻ như giải pháp ban đầu để giải quyết bài toán tài chính. Tuy nhiên, không ít CLB thành công đến bất ngờ khi sử dụng các viên ngọc thô. Thậm chí, như SLNA, cầu thủ trẻ lại đang là trụ cột của đội bóng, có ảnh hưởng lớn đế mục tiêu của đội ở mùa giải năm nay.
Có thực tế được nhiều CLB thừa nhận chính là việc cầu thủ trẻ không những không đòi hỏi về mức lương cao hay thưởng đậm, mà họ còn luôn thi đấu rất nhiệt mỗi khi ra sân. Đó là điều khác hẳn so với những ngoại binh hay cựu binh từng thi đấu nhiều năm tại V-League. Đơn cử như Bình Dương, đội bóng này thất bại khi tin dùng vào những cầu thủ có kinh nghiệm thi đấu nhưng lại luôn thiếu khát khao chiến thắng và tinh thần đoàn kết. Đó là điều được HLV Lê Thụy Hải nhận ra ngay khi về đội bóng này tiếp quản, nhưng để thay đổi, thậm chí là thay máu lực lượng với Bình Dương không phải chuyện đơn giản.

Đội bóng đang thành công nhất trong việc sử dụng cầu thủ trẻ chính là SLNA. Bỏ qua thành tích khá tệ 5 trận gần đây khiến họ mất ngôi đầu, SL:NA vẫn là đội bóng chơi ấn tượng nhất ở lượt đi. HLV Hữu Thắng mùa này mạnh tay sử dụng những gương mặt mới chỉ là tiềm năng, nhưng lại sớm thu được quả ngọt. Hàng loạt cầu thủ trẻ như Nguyên Mạnh, Mạnh Hùng, Đình Hoàng, Phi Sơn… trở thành trụ cột của đội bóng xứ Nghệ. Họ luôn thi đấu quên mình mỗi khi vào sân và đặc biệt không có đòi hỏi quá đáng về đãi ngộ. Đó là điều mà SLNA đang thực sự cần ở thời điểm khó khăn này.
HLV Hữu Thắng cho biết không phải bây giờ SLNA mới tin dùng cầu thủ trẻ. Chủ trương của CLB chính là tận dụng tối đa nguồn cầu thủ của địa phương, được kiểm định qua các giải như U19, U21. Rất nhiều cầu thủ trẻ đang đá ở đội một SLNA hiện tại, cũng đều được tôi luyện thường xuyên ở các giải trẻ. Việc SLNA thành công từ lứa trẻ không phải là điều bất ngờ, bởi đội bóng này đang sở hữu một lò đào tạo trẻ có truyền thống và rất sẵn nhân tài. Dù rằng, quyết định tin dùng cầu thủ trẻ trong bối cảnh CLB đặt mục tiêu cao đôi khi mang tới hiệu ứng ngược.
Không chỉ có SLNA, nhiều CLB khác ở V-League cũng nhận thấy lợi ích lớn và lâu dài khi sử dụng cầu thủ trẻ. Một đội bóng nổi tiếng là chợ cầu thủ như Ninh Bình cũng bắt đầu hướng tới sự bài bản, ổn định. Mùa này, khá nhiều những tài năng mới nở của Ninh Bình như Danh Ngọc, Mạnh Dũng… đã trở thành trụ cột của đội bóng. Và một điều lãnh đạo đội bóng rất tâm đắc là tất cả cầu thủ trẻ, dù không thật sự vui khi "trắng thưởng" sau những trận thắng, chẳng thể hiện sự đòi hỏi hay chống đối như các đàn anh trong đội. Vì thế, Ninh Bình, vốn chủ yếu dùng tiền thưởng để làm động lực, giờ cũng nói không với "liều doping" này.
Những đội bóng có lò đạo tạo trẻ hoặc có những lứa trẻ đang lên như Hà Nội T&T, Thanh Hóa, Đà Nẵng, HAGL…cũng đang thực sự hài lòng với những viên ngọc thô của mình. Đội bóng của bầu Đức sắp trình làng lứa cầu thủ đầu tiên từ lò HAGL Arsenal JMG trong đội hình một dự V-League. Sự máu lửa của các VĐV mới 18 đôi mươi cũng đang tạo ra tính cạnh tranh trong đội, khiến các cựu binh phải cố gắng nếu như không muốn mất suất đá chính.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, việc sử dụng cầu thủ trẻ rất phù hợp và cũng được các nhà tổ chức như VFF, VPF hoan nghênh. Nguồn cung ứng dồi dào, chi phí lại thấp, quan trọng nhất là có tính lâu dài và bền vững.
Cũng từ sự thành công của các cầu thủ trẻ ở CLB, U23 năm nay thật sự tự tin với hành trình chinh phục ngôi vàng SEA Games. Ở các đời HLV U23 trước đây, hầu như ai cũng than thở việc V-League quá ưu ái cho các cầu thủ kỳ cựu hay ngoại binh, khiến những nhân tố trẻ chết yểu. Năm nay, HLV Hoàng Văn Phúc đang hưởng lợi khi các học trò của mình đều được thử lửa thường xuyên ở CLB.
Tất nhiên, việc sử dụng cầu thủ trẻ cần được nhân rộng ở V-League. Hy vọng, xu hướng mới này không phải mang tính thời điểm, mà cần được các CLB coi đó là nhiệm vụ bắt buộc trong việc xây dựng một đội bóng chuyên nghiệp.
Phương Anh