Lãnh đạo Kim Jong-un cùng các chỉ huy quân đội ngày 24/3 thị sát vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên của Triều Tiên từ năm 2017. Mẫu ICBM được thử nghiệm mang tên Hwasong-17, đạt độ cao hơn 6.200 km và di chuyển quãng đường gần 1.100 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.
Thông tin chi tiết về tên lửa Hwasong-17 còn hạn chế, song một số chuyên gia nhận định ICBM này có thể được chế tạo dựa trên mẫu Hwasong-15 từng được Triều Tiên phóng thử năm 2017.
Ankit Panda, chuyên gia về chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân Triều Tiên thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Carnegie Endowment tại Mỹ, nhận định kích thước và cách bố trí động cơ cho thấy tầng đầu tiên của tên lửa Hwasong-17 có thể tạo ra lực đẩy tới 160 tấn.
Với kích thước này, Hwasong-17 có thể mang nhiều hơn một đầu đạn hạt nhân, ứng dụng thiết kế hệ thống mang nhiều phương tiện hồi quyển tấn công độc lập (MIRV). Giới chuyên gia cũng cho rằng Hwasong-17 có thể mang mồi bẫy để tăng sức xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.
Thiết kế MIRV được cho là có thể đe dọa hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ. Tính tới năm 2020, hệ thống đánh chặn giữa hành trình trên mặt đất của Mỹ có 44 đầu đạn đánh chặn, nhưng để đảm bảo diệt mục tiêu, quân đội Mỹ buộc phải phóng ít nhất 4 quả đạn để chặn một tên lửa đối phương.
Do đó, lá chắn tên lửa Mỹ chỉ có thể ngăn được tối đa 11 đầu đạn lao xuống cùng lúc. Hwasong-17 có khả năng mang 3-4 đầu đạn, hoặc kết hợp giữa đầu đạn thật và mồi bẫy, nên khi Triều Tiên khai hỏa vài quả ICBM này, hệ thống phòng thủ của Mỹ có khả năng bị quá tải.
Theo biên tập viên Joseph Trevithick của Drive, dựa trên độ cao hơn 6.200 km và tầm bay gần 1.100 km trong vụ phóng thử, Hwasong-17 có tầm bắn xa hơn Hwasong-15, có thể vươn tới toàn bộ lục địa Mỹ hoặc nhiều nơi khác trên thế giới nếu được phóng ở quỹ đạo phù hợp.
Hwasong-17 được cho là mẫu ICBM đặt trên bệ phóng di động và dùng nhiên liệu lỏng lớn nhất thế giới có thiết kế hai tầng đẩy, với chiều dài 26 m, đường kính 2,7 m và nặng 80-100 tấn. Kích thước này khiến một số chuyên gia gọi đây là mẫu "tên lửa quái vật" của Triều Tiên.
Tên lửa Hwasong-17 lần đầu xuất hiện trong lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng hồi tháng 10/2020 trên xe tải 11 trục. Triều Tiên công bố tên của mẫu ICBM này trong triển lãm vũ khí tại thủ đô Bình Nhưỡng hồi tháng 10/2021.
Hình ảnh được truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố cho thấy tên lửa Hwasong-17 được khai hỏa trực tiếp từ bệ phóng di động, trong khi tên lửa Hwasong-14 và Hwasong-15 trước đây được tháo rời khỏi bệ trước khi phóng. Tính năng này giúp Hwasong-17 có khả năng cơ động cao hơn và thời gian triển khai ngắn hơn so với các mẫu ICBM trước đây.
Chưa rõ Triều Tiên đã thử nghiệm Hwasong-17 hoặc các bộ phận của mẫu tên lửa này bao nhiêu lần. Giới chức Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên hồi tuần trước từng phóng thử Hwasong-17 song không thành công, khi tên lửa phát nổ trên bầu trời Bình Nhưỡng.
Biên tập viên Trevithick nhận định thất bại trong phát triển các thiết kế tên lửa mới, đặc biệt là những loại lớn và phức tạp như ICBM, không phải là chuyện hiếm gặp.
Triều Tiên ngày 27/2 và 5/3 thực hiện hai vụ phóng thử nằm trong chương trình phát triển vệ tinh do thám. Nhiều chuyên gia cho rằng hai vụ phóng này có thể nhằm phục vụ thử nghiệm hệ thống MIRV, cho phép một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên có thể phóng nhiều đầu đạn hạt nhân vào các mục tiêu khác nhau.
Vụ phóng thử tên lửa Hwasong-17 diễn ra sau loạt thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên với tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu vượt âm. Các đợt thử nghiệm diễn ra dồn dập được nhận định là thông điệp của Triều Tiên rằng họ sở hữu năng lực răn đe chiến lược ngày càng tăng, đồng thời thách thức mọi nghi ngờ về khả năng đe dọa trực tiếp Mỹ, trong bối cảnh đàm phán liên quan vấn đề hạt nhân và tên lửa giữa Washington và Bình Nhưỡng lâm vào bế tắc.
"Sở hữu năng lực tấn công quân sự áp đảo, có một không hai là năng lực ngăn ngừa chiến tranh và khả năng phòng thủ đất nước đáng tin cậy nhất", Triều Tiên cho biết trong thông cáo hôm nay.
Nguyễn Tiến (Theo Drive, Reuters)