Tên lửa hành trình Hyunmoo-3C có tầm bắn 1.500 km
Trong hai năm qua, Triều Tiên đã thử nghiệm các loại tên lửa ở mức độ chưa từng thấy, đỉnh điểm là vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 hôm 4/7. Cùng thời gian đó, Hàn Quốc cũng lặng lẽ củng cố kho tên lửa răn đe của mình, theo National Interest.
Seoul bắt đầu chú ý tới công nghệ tên lửa từ những năm 1970. Chương trình tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc từng gây nhiều tranh cãi với Mỹ. Tuy nhiên, khi mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng gia tăng, lập trường của Washington cũng dần thay đổi. Kết quả được thể hiện khi Hàn Quốc phóng thử tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2C tối tân hồi cuối tháng 6. Chuyên gia quân sự Zachary Keck cho rằng Seoul đang sở hữu dàn tên lửa tấn công đầy uy lực.
Tên lửa đạn đạo
Trong thập niên 1970, Hàn Quốc tỏ ý quan tâm nhiều tới tên lửa đạn đạo khi theo đuổi khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân. Washington gây áp lực buộc Seoul từ bỏ tham vọng hạt nhân, nhưng không thành công với chương trình tên lửa đạn đạo. Trên thực tế, Mỹ đã cho phép Hàn Quốc sao chép công nghệ tên lửa đạn đạo Nike Hercules.
Kết quả là Hàn Quốc cho ra đời tên lửa đạn đạo NHK-1 (Baekgom) sử dụng nhiên liệu rắn, dài hơn 12 m và có đường kính 0,8 m. Dưới áp lực của Mỹ, Hàn Quốc đồng ý giới hạn tầm bắn tối đa ở mức 180 km với đầu đạn 500 kg. Tên lửa được chế tạo bởi Cơ quan phát triển quốc phòng (ADD) và thử nghiệm lần đầu năm 1978.
Ngay sau khi thử nghiệm NHK-1, ADD bắt đầu nghiên cứu mẫu tên lửa tiếp theo mang tên NHK-2 (Hyunmoo-1). Nó có nhiều nét tương đồng với NHK-1 khi vẫn sử dụng nhiên liệu rắn, trong khi độ dài và đường kính không đổi. Việc chế tạo tên lửa được tăng tốc sau vụ Triều Tiên định ám sát tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan năm 1983.
Năm 1985, Hàn Quốc thử nghiệm tên lửa mới. Theo Tổ chức Sáng kiến đe dọa hạt nhân (NTI), NHK-2 có tính linh hoạt cao hơn phiên bản đầu tiên, có thể được trang bị đầu đạn nổ mạnh hoặc bom chùm. Phiên bản này cũng có thể dễ dàng gia tăng tầm bắn lên 250 km.
Vụ thử tên lửa Hyunmoo-2C của Hàn Quốc
Ban đầu, các thỏa thuận với Mỹ khiến Hàn Quốc không được tận dụng tầm bắn tối đa của NHK-2. Tuy nhiên, sau những cuộc đàm phán căng thẳng bắt đầu từ năm 1995, Washington đã nhượng bộ và chấp thuận cho Seoul tham gia Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) vào năm 2001.
Điều này cho phép Hàn Quốc phát triển tên lửa với đầu đạn 500 kg và tầm bắn tới 300 km, đồng thời không giới hạn tầm bắn của tên lửa có đầu đạn nhỏ hơn. Sau đó, Seoul triển khai phiên bản nâng cấp của NHK-2 mang tên NHK-2 PIP A (hay Hyunmoo-2A) với tầm bắn xa hơn.
Tiềm lực quân sự Triều Tiên tiếp tục mở rộng trong những năm 2000, khiến các quan chức Hàn Quốc đòi hỏi Mỹ nới lỏng một số hạn chế từng thỏa thuận hồi năm 2001. Một thỏa thuận mới được ký năm 2012, giúp Seoul tự phát triển tên lửa với tầm bắn lên tới 800 km và mang đầu đạn 500 kg. Tầm bắn này rất quan trọng, cho phép tên lửa bắn từ miền trung Hàn Quốc vươn tới toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên. Thỏa thuận này cũng cho Seoul cơ hội phát triển tên lửa đạn đạo tầm ngắn với đầu đạn lên tới 2.000 kg.
Hàn Quốc bắt đầu nâng tầm của các tên lửa đạn đạo trước đó, cho ra đời mẫu Hyunmoo-2B, cũng như chế tạo tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2C với tầm bắn 800 km. Thử nghiệm tháng 6 đánh dấu lần thứ 4 Seoul phóng tên lửa này, trước khi đưa vào biên chế cuối năm nay. Giống như tất cả dòng Hyunmoo-2, mẫu Hyunmoo-2C được nhiều chuyên gia đánh giá là phát triển từ tên lửa đạn đạo 9K720 Iskander của Nga.
Tên lửa hành trình
Để vượt qua giới hạn của MCTR, Hàn Quốc phát triển một loạt tên lửa hành trình Hyunmoo-3 với tầm bắn trên 300 km, nhưng mang theo đầu đạn chưa tới 500 kg. Tên lửa này có độ chính xác cao, thường được so sánh với mẫu Tomahawk của Mỹ.
"Tên lửa Hyunmoo-3 do Hàn Quốc tự phát triển, có nhiều nét tương đồng với tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ cả về cấu trúc và công nghệ dẫn đường, nhưng có tầm bắn ngắn hơn. Sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và công nghệ khớp ảnh địa hình (TERCOM), đem lại khả năng đánh trúng mục tiêu trong vòng 3 m", báo cáo năm 2016 của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) khẳng định.
Tên lửa Hyunmoo-3A được triển khai lần đầu năm 2006, có tầm bắn 500 km. Ba năm sau, Seoul công bố mẫu Hyunmoo-3B với tầm bắn tới 1.000 km. Điều này cho phép Hàn Quốc vươn tới mục tiêu như Bắc Kinh và Tokyo, cũng như toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên.
Tới năm 2010, Hàn Quốc bắt đầu chế tạo mẫu Hyunmoo-3C có tầm bắn 1.500 km. Tên lửa này mang đầu đạn 450 kg, dài 6 m, đường kính 0,53-0,6 m, nặng 1,5 tấn và được đưa vào biên chế năm 2012. Điều này đưa Hàn Quốc vào danh sách số ít quốc gia sở hữu tên lửa hành trình với tầm bắn trên 1.500 km.
Năm 2013, Hàn Quốc ký hợp đồng với Đức để mua 170-180 tên lửa hành trình phóng từ máy bay Taurus KEPD 350. Lô đầu tiên gồm 90 quả được chuyển giao vào năm 2016, dành cho phi đội tiêm kích F-15K Slam Eagle.
Phiên bản KEPD 350K được chế tạo riêng theo yêu cầu của Hàn Quốc, trang bị bộ thu tín hiệu định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ với khả năng kháng nhiễu cao. Với tầm bắn trên 500 km, các tên lửa KEPD 350K có thể bắn tới thủ đô Bình Nhưỡng mà không đòi hỏi tiêm kích F-15K tiếp cận biên giới hai nước.
Đây chưa phải là tất cả về khả năng tên lửa của Hàn Quốc, vì còn nhiều loại tên lửa phóng từ tàu ngầm và tàu nổi. Nó cho thấy Seoul không phản ứng một cách thụ động trước mối đe dọa từ tên lửa của Bình Nhưỡng, mà đã chủ động xây dựng lực lượng răn đe chiến lược từ cách đây nhiều năm, chuyên gia Keck kết luận.
Việt Hòa