S-400, do Phòng Thiết kế, Tập đoàn Almaz-Antey, Nga, phát triển, là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn loạt hệ thống tên lửa đất đối không S-300. Hệ thống này được biên chế từ tháng 4/2007 và lần đầu triển khai trên thực địa 4 tháng sau đó. Nga thiết lập 4 trung đoàn S-400 thực hiện nhiệm vụ bảo vệ không phận quốc gia tại Moscow, vùng Kaliningrad, và Quận Quân sự phía Đông.
Hệ thống có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không, bao gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV) hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây.
S-400 có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và cùng lúc bắn hạ 36 mục tiêu trong đó. Đặc biệt, S-400 đủ sức hạ gục những tên lửa chiến lược có tầm bắn tới 3.500 km, gấp gần 4 lần hệ thống Patriot của Mỹ.
Gọi là hệ thống tên lửa tầm cao nhưng thực chất S-400 là một tổ hợp tên lửa đa tầm. Nó có thể hạ mục tiêu như chiến đấu cơ ở độ cao 27 km hoặc các mục tiêu tầm thấp, cách mặt đất chỉ từ 5 - 10 m. Đây là đặc điểm mà không hệ thống tên lửa phòng không cùng thời của bất kỳ quốc gia nào làm được.
S-400 được tích hợp radar đa chức năng chống nhiễu, hệ thống phát hiện và ngắm bắn tự động, tên lửa phòng không, bệ phóng và trung tâm chỉ huy - điều khiển. Nó có thể khai hỏa 5 loại tên lửa để tạo nên cơ chế phòng thủ phân lớp.
Cơ cấu chuẩn của một hệ thống S-400 gồm tổ hợp điều khiển 30K6E, trong đó có đài chỉ huy 55K6E với những thiết bị hiện đại như máy tính số, phương tiện truyền dữ liệu, hệ thống trắc địa…, 6 tiểu đoàn tên lửa phòng không và tổ hợp kỹ thuật 30S6E. Tất cả được bố trí trên các xe bánh lốp nên di chuyển tương đối dễ dàng và tính cơ động cao. Đồng thời, chúng còn có hệ thống cung cấp điện, thông tin liên lạc, định hướng và bảo đảm sinh hoạt độc lập.
Toàn bộ hoạt động tác chiến đều được tự động hoá, từ phát lệnh đến phương tiện chiến đấu, điều khiển radar, tiếp nhận và xử lý thông tin từ sở chỉ huy cấp trên và các đài lân cận, đến xác định cự ly và mục tiêu cần tiêu diệt.
Nhằm tăng khả năng tác chiến trong bán kính 100 km và địa hình chia cắt, S-400 được trang bị cả các máy tiếp phát truyền dữ liệu và liên lạc cùng tháp 40V6MR để nâng cao dàn ăng ten radar đa năng.
S-400 có thể được triển khai chỉ trong 5 phút. Nó hoạt động hiệu quả gấp đôi hệ thống phòng không trước đây của Nga.
"Lá bài thay đổi cuộc chơi của Trung Quốc"
Trả lời phỏng vấn trên nhật báo Kommersant của Nga hồi tuần trước, ông Anatoly Isaykin, giám đốc điều hành Rosoboronexport, cho biết Trung Quốc đã ký hợp đồng với công ty này để mua hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao S-400 Triumf. Tổng giá trị hợp đồng lên tới 3 tỷ USD. Quá trình chuyển giao dự kiến hoàn thành vào năm 2017.
Thông tin trên lập tức khiến dư luận thế giới dậy sóng. Nhiều chuyên gia cho rằng hệ thống tên lửa mới sẽ là "lá bài thay đổi cuộc chơi" của Trung Quốc.
Trong bài viết đăng hôm 18/4, Defense News nhấn mạnh hệ thống tên lửa với phạm vi hoạt động 400 km này lần đầu tiên cho phép Trung Quốc nhắm tới các khí cụ bay tại những thành phố lớn của Ấn Độ, Hàn Quốc..., và đặc biệt là trên Biển Đông.
Vasiliy Kashin, chuyên gia quốc phòng Trung Quốc tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ, Moscow, thêm rằng S-400 đồng thời là công cụ để Trung Quốc mở rộng vùng phòng không, tiến gần hơn tới khu vực tranh chấp quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, trên biển Hoa Đông.
"Loại tên lửa mới sẽ bổ sung cho Bắc Kinh khả năng ngăn chặn các mối đe dọa trên không, khiến quân đội các nước trong khu vực phải thêm dè chừng mỗi khi làm nhiệm vụ gần Trung Quốc", ông Alexander Huang, chuyên gia nghiên cứu quân sự thuộc Đại học Đạm Giang, Đài Loan, nhận định.
"S-400 chắc chắn là một trong những vũ khí phòng không hàng đầu thế giới. Nó sẽ hỗ trợ đắc lực cho hệ thống phòng thủ hiện còn nhiều khiếm khuyết của Trung Quốc", ông Wang Yanan, phó tổng biên tập tạp chí Aerospace Knowledge bình luận.
Dù nhiều quốc gia lo ngại việc Trung Quốc sở hữu siêu hệ thống phòng không S-400 sẽ đe dọa an ninh khu vực, nhưng ông J. Michael Cole, chuyên gia thuộc quỹ Thinking Taiwan Foundation lại có suy nghĩ khác về tác động của thương vụ giữa Moscow và Bắc Kinh.
Vấn đề đầu tiên nằm ở việc hiện chưa rõ Nga sẽ bán loại tên lửa nào đi kèm với hệ thống S-400 dành cho Trung Quốc, ông Cole nhận xét trong bài viết trên tạp chí Diplomat.
Tên lửa 40N6 của S-400 theo lý thuyết có tầm bắn xa 400 km nhưng chưa rõ liệu loại tên lửa này có được phép xuất khẩu hay không. Có thể Nga sẽ chỉ bán loại tên lửa 48N6 với tầm bắn hạn chế hơn nhiều, tối đa khoảng 250 km.
Ông Cole cũng nhận định dù Trung Quốc đặt toàn bộ hệ thống dọc theo bờ biển hay đường biên giới, và ngay cả trong trường hợp Moscow đồng ý bán loại tên lửa 40N6, thì S-400 vẫn gặp nhiều trở ngại trong việc khống chế vùng trời những thành phố lớn ở châu Á.
Mặt khác, theo Roger Cliff, chuyên gia quân sự thuộc Viện nghiên cứu Dự án 2049, Trung Quốc chỉ có thể sử dụng S-400 cho mục đích phòng thủ hơn là tấn công không phận nước khác hay kiểm soát những khu vực tranh chấp bởi một số vấn đề tồn tại như: khó khăn trong triển khai, sức công phá và độ chính xác của tên lửa giảm sút ở cự ly bắn tối đa.
Vũ Hoàng - Như Tâm (tổng hợp)