Tổ hợp Kinzhal trong một cuộc thử nghiệm
Trong thông điệp liên bang hôm 1/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố một loạt "siêu vũ khí" mới, trong đó có tên lửa diệt hạm siêu vượt âm Kinzhal (Dao găm) được đưa vào biên chế quân đội Nga cuối năm 2017. Đây là tên lửa phóng từ máy bay có tốc độ tới 12.300 km/h và tầm bắn khoảng 2.000 km, được cho là đủ khả năng xuyên thủng mọi lá chắn hiện tại và tương lai của NATO.
Moscow tuyên bố loại vũ khí này không có đối thủ trên thế giới, cho phép Nga sở hữu lợi thế lớn nếu chiến tranh nổ ra tại châu Âu. Tuy nhiên, giới phân tích phương Tây cho rằng Kinzhal chưa thể thay đổi cán cân quân sự, cũng như chưa đủ uy lực buộc NATO phát triển vũ khí tương tự để đối phó, theo Daily Beast.
Các chuyên gia quân sự cho rằng Kinzhal nhiều khả năng là biến thể cải tiến dành cho tiêm kích MiG-31 của tên lửa chiến thuật mặt đất Iskander, bởi hai mẫu tên lửa này có vẻ ngoài khá giống nhau. Việc cải tiến để phóng từ máy bay giúp tăng cường đáng kể tầm bắn, khả năng triển khai và tính linh hoạt trong tác chiến của tên lửa Iskander.
"Bạn có thể lắp một tên lửa đạn đạo chiến thuật lên tiêm kích. Tuy nhiên, điều đó không biến nó thành một vũ khí có hiệu quả vượt trội so với thiết kế nguyên gốc", chuyên gia James Acton thuộc Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie nhận định.
Hiện chưa thể rõ liệu Kinzhal có khả năng cơ động cao khi lao tới mục tiêu như tuyên bố của Nga hay không. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ độ chính xác của Kinzhal khi tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa. Ở tốc độ tới 12.300 km/h, chỉ một sai sót nhỏ cũng khiến quả đạn trượt mục tiêu.
Khi trang bị đầu đạn nổ mảnh thông thường, Kinzhal có thể chỉ là khí tài mang tính răn đe hơn là vũ khí có uy lực thật sự. Để bù đắp thiếu sót đó, Nga hoàn toàn đủ khả năng lắp đầu đạn hạt nhân cho tên lửa, biến nó thành tổ hợp có sức hủy diệt cao. Tuy nhiên, Moscow chưa thể hiện ý định biến Kinzhal thành tên lửa siêu vượt âm mang đầu đạn hạt nhân.
Tổng thống Putin khẳng định tổ hợp Kinzhal đã được biên chế đại trà cho các đơn vị tiêm kích MiG-31 ở miền nam nước này. Tuy nhiên, nhà phân tích Babak Taghvaee cho rằng Nga mới chỉ có 6 chiếc MiG-31 mang được tên lửa Kinzhal, cùng 4-6 máy bay khác được nâng cấp trong năm nay.
Số lượng bệ phóng nhỏ cùng chi phí vận hành cao khiến Moscow không thể triển khai nhiều quả đạn Kinzhal cùng lúc. "Họ dường như chỉ có thể tiến hành các vụ phóng riêng lẻ, tối đa 6 quả đạn cùng lúc. Điều đó sẽ hạn chế đáng kể khả năng tác chiến khi nổ ra xung đột", ông Taghvaee tuyên bố.
Giới chức quốc phòng Mỹ cũng tỏ ra nghi ngờ sức mạnh thật sự của các "siêu vũ khí" mà Nga công bố, cho rằng chúng chưa thể buộc Washington thay đổi chiến lược.
"Sau khi xem các video được ông Putin công bố, tôi không thấy sự thay đổi trong tiềm lực quân sự của Nga. Những hệ thống ông ấy giới thiệu cần mất nhiều năm nữa mới đi vào hoạt động, tôi cho rằng chúng sẽ không thể thay đổi cán cân quân sự và chính sách răn đe của Mỹ", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis phát biểu hôm 11/3.
Dù vẫn còn nhiều hoài nghi, giới phân tích nhận định sự xuất hiện của Kinzhal và các vũ khí chiến lược mới của Nga vẫn khiến Mỹ phải triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa rộng, nhiều tầng hơn. Washington cũng phải phát triển nhiều hệ thống cảm biến dẫn bắn mới, cùng công nghệ tên lửa phòng không tầm siêu xa và vũ khí laser để đối phó với các siêu vũ khí của Moscow.
Tử Quỳnh