Sáng 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 37, cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Theo tờ trình, Chính phủ bổ sung quy định để tăng quyền thu thuế thu nhập của các nhà cung cấp nước ngoài, không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Theo đó, quyền thu thuế này sẽ không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh, để mở rộng phạm vi thu thuế.
Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự thảo luật - cho rằng thực tế kinh doanh trên các kênh thương mại điện tử, nền tảng số xuyên biên giới cho thấy sự bất cập về khái niệm "cơ sở thường trú" trong luật hiện hành. Tức là, các quy định hiện nay chưa đáp ứng được thực tế của kinh doanh sử dụng "cơ sở thường trú ảo" - không có hiện diện vật lý.
Tuy nhiên, khái niệm về cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài vẫn chưa được thay đổi khi sửa luật lần này. Theo đó, các cơ sở này vẫn là chi nhánh, văn phòng điều hành, nhà máy; đại lý, đại diện có thẩm quyền đứng tên ký hợp đồng của doanh nghiệp nước ngoài...
"Quy định này chưa giải quyết được vấn đề thu thuế với các nhà cung cấp nước ngoài qua nền tảng thương mại điện tử", ông Mạnh nói.
Chưa kể, việc này có thể phát sinh mâu thuẫn, khó thực hiện do "không có cơ sở thường trú tại Việt Nam đồng thời lại không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh".
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách phân tích thêm các nhà cung cấp nước ngoài chủ yếu thuộc các nước đã ký Hiệp định tránh thuế hai lần với Việt Nam. Tức là, Việt Nam chỉ được quyền đánh thuế với thu nhập phát sinh của doanh nghiệp nước ngoài trong trường hợp họ có cơ sở thường trú tại đây.
"Cơ quan soạn thảo cần làm rõ tính hiệu quả của các quy định này và nghiên cứu thêm các giải pháp chính sách khác. Việc này nhằm đảm bảo việc thu thuế với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua nền tảng thương mại điện tử", ông Mạnh nêu quan điểm.
Đến giữa tháng 9, có 106 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, tăng 10 nhà cung cấp so với tháng trước. Danh sách các nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế gồm Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netfix, Apple...
Tính đến giữa tháng 8, họ đã nộp hơn 6.234 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Số này bằng 125% so với dự toán giao năm nay. Với khoản nộp thêm này, lũy kế từ tháng 3/2022 - thời điểm cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vận hành, các doanh nghiệp ngoại đã nộp gần 18.000 tỷ đồng.
Hiện 6 nhà cung cấp nước ngoài, gồm Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple nắm giữ 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.
Cũng theo tờ trình, Chính phủ đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo điện tử. Hiện thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 20%, trừ trường hợp được hưởng ưu đãi hoặc chịu thuế cao theo quy định. Ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Tài chính cho biết dự thảo luật đề xuất bổ sung một số đối tượng doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế này. Chẳng hạn, dự án đầu tư tại khu kinh tế ở địa bàn kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 10% trong 15, tức giảm một nửa thuế suất so với hiện hành.
Cơ quan báo điện tử, truyền hình, phát thanh có thể được hưởng thuế 15%, giảm 5% so với hiện nay. Riêng báo in vẫn áp dụng mức ưu đãi 10% như quy định hiện hành.
Góp ý sau đó, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục đề nghị "tăng ưu đãi thuế với báo điện tử và các loại hình báo chí khác bằng với báo in". Bởi theo ông Vinh, hiện các cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp công lập, thuộc Nhà nước, họ phụ thuộc phần lớn vào nguồn thu từ quảng cáo.
"Miếng bánh quảng cáo ngày càng thu hẹp, báo chí gặp rất nhiều khó khăn, nên cần được tăng ưu đãi", ông nói, đồng thời đề xuất mức thuế chung với báo chí là 10%.
Ngoài ra, theo dự thảo luật, dự án đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật, ươm tạo, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo dự kiến được giảm 3% thuế thu nhập doanh nghiệp, về 17% trong 10 năm.
Chính phủ cũng đề xuất áp dụng thuế suất ưu đãi cho các dự án diện đặc biệt theo Luật Đầu tư 2020, để đảm bảo thống nhất về pháp luật. Tuy nhiên, thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách đánh giá, dự thảo luật còn thiếu quy định về điều kiện thời gian giải ngân với số vốn 2.000 tỷ đồng của các trung tâm nghiên cứu phát triển và 20.000 tỷ đồng còn lại của các dự án "đại bàng" - quy mô vốn trên 30.000 tỷ đồng. Vì thế, cơ quan này đề nghị bổ sung quy định thời gian giải ngân với số vốn còn lại của các dự án được hưởng ưu đãi đặc biệt, để tránh khoảng trống pháp lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng góp ý thêm nhiều quy định tại dự thảo luật đang được luật hóa từ các nghị định, thông tư hiện hành. "Nhiều quy định vừa thiếu, vừa thừa thì có nên luật hóa không? Cần khái quát về tiêu chí, không nên liệt kê, vì như thế sẽ sớm lỗi thời", ông Tùng nói.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ lo ngại về tuổi thọ của luật này. Ông nhận xét, dự thảo luật chưa cập nhật được các chính sách mới, nên nhiều quy định đưa ra "vừa thừa, vừa thiếu, dễ chồng chéo với luật khác".
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn hiện và trình lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 10. Trường hợp dự thảo trình lại đủ điều kiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.