Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị tổng kết, lấy ý kiến đại biểu sau 5 năm thực hiện nghị định 89 về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, vào ngày 11/11.
Ca sĩ Thanh Hoa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc - nói: "Tôi nghĩ danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đang ngày một xuống cấp. Cơ chế xét duyệt theo thành tích huy chương khiến các đơn vị ngày càng có nhiều Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Chúng ta có thể khuyến khích thế hệ trẻ bằng nhiều cách nhưng không nên dễ dàng trao danh hiệu do Nhà nước cấp. Nghệ sĩ Nhân dân, ngoài đóng góp trong lĩnh vực của mình, cần có cống hiến với xã hội, nhân dân".
Giới nghệ sĩ, công chúng từng lên tiếng việc một số diễn viên quen thuộc, được khán giả yêu mến phải chật vật vài lần làm thủ tục mới được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân. Cụ thể, diễn viên Trần Hạnh, Minh Vương, Thanh Tuấn từng hai lần trượt danh hiệu vì thiếu một huy chương vàng. Trường hợp ba nghệ sĩ được đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ, đặc cách nhận danh hiệu hồi tháng 8.
Thanh Hoa nhận định quy chế xét danh hiệu dựa trên số huy chương dẫn đến việc nghệ sĩ chạy chọt, ganh đua ở các hội diễn, liên hoan chuyên nghiệp. Bà kể ở một kỳ liên hoan, một người nói bà đã đoạt huy chương vàng rồi nên lần này phải "nhường" cho nghệ sĩ khác. Từ đó, Thanh Hoa không tham gia các hội diễn.
Nghệ sĩ Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam - đồng tình với Thanh Hoa. "Nhiều Nghệ sĩ Ưu tú chỉ cần hai huy chương vàng hội diễn toàn quốc là trở thành Nghệ sĩ Nhân dân. Tuy nhiên, khán giả không biết họ là ai. Việc xét duyệt theo huy chương dẫn đến tình trạng nhiều người tìm đủ cách để đạt thành tích cao ở các liên hoan, hội diễn". Ông Lê Tiến Thọ cho rằng Nghệ sĩ Nhân dân phải là người xuất chúng, có nhiều đóng góp cho đất nước, được công chúng yêu mến. Ông lấy ví dụ ở Nga, Nghệ sĩ Nhân dân trong lĩnh vực âm nhạc phải có ít nhất 80 buổi biểu diễn một năm, Nghệ sĩ Ưu tú là 50 buổi.
Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - nói ngoài thành tích, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú phải có tư cách đạo đức tốt. "Nếu họ vi phạm các giá trị đạo đức, nghề nghiệp, các cơ quan có thẩm quyền cần tước bỏ danh hiệu", ông Tuấn đề xuất.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng quy định hồ sơ nghệ sĩ phải đạt 90% phiếu bầu của hội đồng cơ sở và Hội đồng Nhà nước mới được gửi lên cấp trên là không hợp lý. "Hội đồng gồm các thành viên thuộc nhiều lĩnh vực, một số người không đủ chuyên môn xét duyệt các nghệ sĩ công tác ở lĩnh vực khác", ông Lê Tiến Thọ nói. Ông Quang Vinh - Quyền Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn - nhận xét: "Nhiều thành viên hội đồng chỉ tiếp xúc với các ứng viên qua văn bản, không đánh giá được về quá trình cống hiến của họ".
Ông Hoàng Minh Thái - Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết chưa thể thay đổi cơ chế xét duyệt NSND, NSƯT theo huy chương. "Yêu cầu về sức phổ biến tên tuổi của những người nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cũng khó đánh giá bởi mỗi lĩnh vực, ngành nghề có đặc thù riêng, đặc biệt là với nhiều nhạc công, nghệ sĩ tuồng, chèo, cải lương, xiếc... ", ông Hoàng Minh Thái nói.
Ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Thi đua, Khen thưởng (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trình bày một số đề xuất mới, trong đó có tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu cho một số đối tượng như: các nghệ sĩ lão thành, có nhiều năm đóng góp cho kháng chiến, nghệ sĩ là người dân tộc, nghệ sĩ hoạt động một số bộ môn truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp và các nghệ sĩ hoạt động trong dàn nhạc giao hưởng, thính phòng. Những đối tượng này không có điều kiện tham gia các liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc nên thường thiếu huy chương. Theo ông Cẩn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ bổ sung thêm một nội dung trong Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 89: "Một số trường hợp đặc biệt, do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định".
Sau khi lấy ý kiến các đại biểu ở Hà Nội, Bộ sẽ tổ chức hội nghị ở TP HCM và thống nhất những điểm mới trong nghị định.
Nghệ sĩ Nhân dân là danh hiệu cao nhất Nhà nước trao tặng cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Nhà nước từng tổ chức tám đợt xét duyệt vào các năm 1984, 1988, 1993, 1997, 2001, 2007, 2011, 2015. Người được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân phải có ít nhất 20 năm kinh nghiệm, được tặng ít nhất hai giải vàng hoặc một giải vàng và hai giải bạc tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế và các hội văn học nghệ thuật Trung ương từ khi được trao Nghệ sĩ Ưu tú.
Trong kỳ xét duyệt danh hiệu lần thứ chín, một số cá nhân như Trần Hạnh, Minh Vương, Thanh Tuấn... được trao tặng Nghệ sĩ Nhân dân dù thiếu điều kiện tiêu chuẩn.
Hà Thu