Ông Nguyễn Văn Lợi cho biết như trên khi trao đổi về việc thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Theo ông Lợi, từ năm 2022, Bình Dương triển khai chuyển đổi số theo hướng toàn diện, bám sát mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chỉ đạo của Chính phủ.
Tỉnh này xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược, xuyên suốt và toàn diện; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; hạ tầng kỹ thuật số phải đồng bộ và hiện đại; đào tạo nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực số; cần hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư công nghệ; giải quyết khó khăn, hoàn thiện khung pháp lý; thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực trọng điểm.
Do đó, tỉnh đã đề ra 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số ở các ngành. Trong đó lĩnh vực giáo dục và y tế đã áp dụng nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến như lớp học trực tuyến, hồ sơ y tế điện tử và chăm sóc sức khỏe từ xa. Lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ đã hỗ trợ nông dân cập nhật thông tin lên Sàn Thương mại điện tử, xây dựng làng thông minh xã Bạch Đằng. Trong quản lý đô thị, công nghệ được ứng dụng để giám sát giao thông, môi trường và tài nguyên, nâng cao chất lượng quản lý.
"Các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp với mục tiêu hướng đến lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Bình Dương ưu tiên các dịch vụ thiết yếu để nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh", ông Lợi cho biết.
Nhờ đó, hai năm qua tỉnh này đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như: phát triển hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, phát triển đô thị thông minh, hợp tác thu hút đầu tư, hoạt động thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng số và an toàn thông tin.
"Kết quả này không chỉ nâng cao chất lượng quản lý hành chính mà còn thúc đẩy kinh tế, cải thiện đời sống xã hội và tạo điều kiện cho Bình Dương trở thành điểm sáng trong quá trình chuyển đổi số của cả nước", ông Lợi nói.
Theo ông Lợi, những điểm ấn tượng trong công tác chuyển đổi số ở Bình Dương chính là khâu xây dựng chính quyền số. Tỉnh đã xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) và triển khai IOC tại năm thành phố nhằm tăng cường khả năng quản lý và giám sát trong các lĩnh vực an ninh, giao thông và các dịch vụ công... thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Các trung tâm này giúp thu thập, phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau để đưa ra các quyết định quản lý kịp thời và hiệu quả, giúp thu thập và phân tích dữ liệu theo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định. Trong đó dịch vụ công trực tuyến được cải tiến, nâng cấp lên mức độ cao giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính. Hệ thống "một cửa điện tử" cũng được tích hợp, nâng cao hiệu quả quản lý và tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân theo dõi tiến trình xử lý thủ tục hành chính.
Trong quá trình chuyển đổi số, Bình Dương cũng xây dựng kho dữ liệu và triển khai hệ thống định danh, xác thực điện tử, đảm bảo an toàn thông tin. Đặc biệt, triển khai mạnh mẽ việc số hóa hồ sơ thủ tục hành chính, trong 8 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 99,42%; tổng số hồ sơ có sử dụng lại thông tin, dữ liệu, giấy tờ điện tử đã được số hóa với khoảng 180.000 hồ sơ đã được số hóa và sử dụng lại dữ liệu. Địa phương đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp xử lý khoảng 184.000 hồ sơ.
Ngoài chính quyền số, Bình Dương cũng có nhiều thành quả trong phát triển đô thị thông minh với ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) trong quản lý đô thị, giao thông và môi trường. Các giải pháp này giúp cải thiện chất lượng sống của người dân, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao, trong việc áp dụng công nghệ số vào sản xuất và quản lý.
"Sự phát triển này không chỉ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn thúc đẩy sự tăng trưởng của kinh tế số tại địa phương", ông Lợi cho biết.
Bên cạnh đó địa phương vẫn còn một số thách thức trong quá trình triển khai như: các vùng nông thôn và vùng xa có nơi mạng tốc độ cao còn thiếu, sóng di động còn yếu gây khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ số; chưa đồng bộ hệ thống quản lý dữ liệu và hạ tầng công nghệ của các cơ quan và doanh nghiệp... Ngoài ra, theo ông Lợi nhận thức và kỹ năng về chuyển đổi số của người dân chưa đồng đều; nguồn lực tài chính còn hạn chế; việc thay đổi quy trình, kỹ năng số và thói quen làm việc từ thủ công sang số hóa còn gặp nhiều khó khăn.
Thời gian tới địa phương sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 (IoT, AI, BigData, Blockchain), sổ sức khỏe trên VNeID, học bạ số và hoàn thành số hóa một số lĩnh vực trọng điểm như: y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa thể thao du lịch... Đồng thời, tỉnh cũng nâng cao Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số các cơ quan trên địa bàn tỉnh nhằm cải thiện hiệu quả và minh bạch trong quản lý và dịch vụ công.
Trong đó tiếp tục thực hiện hệ thống camera giám sát an ninh, an toàn giao thông do Công an tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư và các dự án camera giám sát an ninh, an toàn giao thông do UBND các huyện, thành phố triển khai và IOC cấp huyện do các huyện, thành phố triển khai. Triển khai mạng 5G thương mại theo lộ trình sau khi các nhà mạng đã đấu giá thành công.
Phước Tuấn