Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mới nhất, phương án về rút BHXH một lần lại được điều chỉnh. Cụ thể, ở phương án một, thay vì cho người lao động rút như hiện hành, tức sau một năm nghỉ việc, ban soạn thảo đề xuất chỉ nhóm tham gia trước khi Luật có hiệu lực (trước 1/1/2025) mới được rút.
Nhóm tham gia sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư hoặc mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án hai, không phân biệt thời gian đóng, tất cả lao động đóng dưới 20 năm, sau một năm không tham gia hệ thống đều được rút nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Số năm còn lại được bảo lưu hưởng chế độ. Phương án này không giới hạn số lần lao động được rút.
Tại buổi lấy kiến về quy định rút BHXH hôm 11/8 do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức, bà Ngô Thị Mỹ Kha, Phó chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Lạc Tỷ (TP HCM), cho biết lao động rất quan tâm sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này, đặc biệt là quy định liên quan nhận trợ cấp một lần. "Do chưa biết phương án nào được chọn, có lao động tự đưa ra giải pháp cho mình", bà Kha nói.
Cụ thể nhiều công nhân chủ động nộp đơn nghỉ việc để không bị chính sách mới tác động. Nhằm tránh phương án hai, họ nghỉ việc lúc này vừa đủ thời gian chờ một năm không tham gia BHXH rồi rút toàn bộ tiền đã đóng. Sau đó họ vẫn kịp tham gia lại thị trường lao động trước năm 2025, tức thuộc nhóm tham gia trước khi luật hiệu lực nên tiếp tục được rút một lần nếu phương án một được chọn.
"Những giải pháp trên được xem là 'hưởng chạy luật', gây biến động nhân sự tại doanh nghiệp, cơ quan chức năng lo ngại", bà Kha nói.
PSG.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu đời sống xã hội, cho rằng phương án nào được chọn cũng gây tác dụng phụ. Không ít lao động mặc định đây là khoản tiết kiệm nên luật hạn chế nhận một lần họ sẽ tìm cách lách để rút cho bằng được. "Không thể một giải pháp hài lòng tất cả. Quan trọng giải pháp đó có đúng mục tiêu an sinh mà Việt Nam theo đuổi hay không?", ông Lộc nói.
Ngoài ra, Việt Nam hướng đến hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, tức đảm bảo tất cả lao động đều trong lưới an sinh, người già đều có một trong các loại trợ cấp từ quỹ hưu trí hoặc ngân sách. Điều này tương đồng mô hình nhà nước phúc lợi mà các nước Bắc Âu thực hiện, tức người dân có đóng thuế, phí, bảo hiểm khi hết tuổi lao động sẽ được đảm bảo an sinh cho đến khi qua đời.
Theo ông Lộc, việc cho rút BHXH một lần và lao động tự quyết định cuộc sống khi về già, khiến họ dễ rơi vào đói nghèo là không đúng bản chất.
"Tôi ủng hộ phương án những người tham gia từ khi luật mới hiệu lực sẽ không được rút nữa", ông Lộc nói. Phương án này không ảnh hưởng những người đang tham gia nên sẽ không xảy ra phản ứng. Song ngành chức năng cần thông tin cho nhóm chuẩn bị gia nhập thị trường lao động hiểu bản chất của bảo hiểm xã hội là khoản tiền dành cho tuổi già và không được rút ra khi còn sức làm việc.
Theo chuyên gia, qua thời gian số người đủ điều kiện nhận trợ cấp một lần giảm dần, cùng với đó việc hình thành một thế hệ tham gia BHXH với ý thức mới sẽ giúp giải quyết dứt điểm vấn đề. "An sinh là lâu dài, bền vững và thống nhất. Nếu dây dưa, 5-10 năm nữa lại tiếp tục đem ra bàn và xáo trộn", ông Lộc nói.
Đồng quan điểm, GS.TS Giang Thanh Long, giảng viên cấp cao Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng trong sửa đổi luật lần này cần tiến tới không cho rút BHXH một lần. Tuy nhiên, trong bối cảnh lao động mặc định đây là khoản tiết kiệm và khi luật hạn chế dễ gây phản ứng. Do đó, chính sách cho rút một phần có thể xem là giải pháp tạm thời.
Tuy nhiên theo ông Long, mặc dù giảm mức hưởng xuống còn 50% nhưng không giới hạn số lần rút thì bản chất vẫn cho lao động rút hết, chỉ là chuyển từ rút một lần sang nhiều lần. Như vậy, mục tiêu giữ lao động ở lại hệ thống khó đạt được.
Do đó, chuyên gia đề xuất người lao động chỉ được phép rút một lần trong quá trình tham gia. Ngoài ra, dù cho phép rút 50% nhưng phải kèm theo điều kiện lao động phải đảm bảo được số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu khi quay lại hệ thống. "Chỉ như vậy mới giải quyết được về già ai cũng có lương hưu", chuyên gia nói.
Trong khi đó, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) lại khuyến nghị việc hạn chế rút BHXH một lần nên làm từ từ và điều chỉnh dần qua thời gian. Góp ý về hai phương án, phía ILO cho rằng đối với quy định những người tham gia sau năm 2025 không được rút có vẻ sẽ giải quyết triệt để. Tuy nhiên vấn đề phát sinh 10-15 năm nữa sẽ tồn tại hai nhóm song song được rút và không với những quyền lợi khác nhau. Do đó, nhà nước phải tìm cách giải quyết.
ILO đề nghị giảm dần tỷ lệ hưởng một lần, tương tự như phương án hai trong dự thảo, nhưng cần lộ trình dài hơn, tức mỗi năm giảm một ít để lao động điều chỉnh dần. Việc giảm đột ngột 50% dễ gây ra hệ lụy hàng loạt lao động "hưởng chạy luật", ảnh hưởng sản xuất cũng như khó giải quyết vấn đề an sinh xã hội.
Theo ILO, cùng với hạn chế rút một lần là tăng cường thêm quyền lợi và sự hỗ trợ từ ngân sách để tạo động lực cho nhóm ở lại. Ví dụ trong dự thảo có quy định những người đóng dưới 15 năm nhưng hết tuổi lao động, nếu không rút một lần sẽ được quỹ hưu trí chi trả ngay 360.000 đồng mỗi tháng, tương đương trợ cấp xã hội mà không phải chờ đến 75 tuổi. Ngân sách hỗ trợ bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, ILO cho rằng phương án trên chưa đủ hấp dẫn bởi bảo hiểm y tế đã phủ 92% dân số, tức gần như ai cũng có. Do đó, lao động vẫn sẽ chọn nhận trợ cấp một lần. ILO cho biết ngân sách nhà nước cần hỗ trợ thêm để nâng số tiền hàng tháng họ được nhận. Theo tính toán, việc hỗ trợ này ngân sách vẫn có lợi hơn để lao động rút hết một lần rồi sau đó quay lại hưởng hưu trí xã hội.
Tương tự, PSG.TS Nguyễn Đức Lộc nói khi theo đuổi mô hình nhà nước phúc lợi thì đi cùng với đó những người trong hệ thống phải được chăm sóc tốt nhất và có sự khác biệt với nhóm không tham gia. Trong khi tại Việt Nam, lúc khám chữa bệnh, lao động có thẻ bảo hiểm y tế do tham gia BHXH bắt buộc vẫn trả chi phí cao như nhóm không dùng thẻ bảo hiểm.
"Muốn chấm dứt rút một lần, ngoài thay đổi quy định cần thiết phải thay đổi đồng bộ nhiều chính sách khác. Làm được điều này còn thể hiện trách nhiệm của nhà nước đối với công dân của mình qua chính sách BHXH", ông Lộc nói.
Lê Tuyết