Năm 2018, vì lý do gia đình, Xuân Thắng (19 tuổi, huyện Hoài Đức, Hà Nội) không thi vào lớp 10 THPT công lập mà đăng ký hệ 9+, Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Chọn nghề Điện tử công nghiệp, Thắng hy vọng dễ tìm việc "bởi lĩnh vực nào cũng cần điện tử". Em học nghề buổi sáng, chiều học văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên.
Sau ba năm, thời gian tương đương cấp trung học phổ thông, học sinh hệ 9+ được cấp bằng trung cấp nghề và tốt nghiệp THPT. Nếu tiếp tục học liên thông, Thắng chỉ mất thêm một năm để hoàn thành chương trình cao đẳng và 1,5 năm với đại học. Tính tổng thời gian, trong vòng 5,5 năm từ khi tốt nghiệp THCS, ngoài kinh nghiệm rèn nghề, học sinh 9+ có bằng đại học, sớm hơn 1,5-2,5 năm so với bạn bè theo con đường THPT.
Trong lúc học nghề, Thắng tham dự kỳ thi Tay nghề quốc gia 2021 và giành huy chương vàng ở tuổi 18. Cậu đang học chương trình cao đẳng liên thông, dự kiến tiếp tục bậc đại học với mục tiêu tìm việc lương 15-20 triệu đồng/tháng sau khi tốt nghiệp.
Cùng quê và dưới Thắng một khóa, Lê Danh Chiến, 18 tuổi, cũng chọn học 9+ ở Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội vì "cấp hai em vừa học kém vừa nghịch". Thích mày mò đồ điện tử từ nhỏ, Chiến theo nghề Sửa chữa máy tính.
Sau hai năm học, cậu được chọn đi thi Tay nghề quốc gia 2021. Tại kỳ thi này, Chiến giành huy chương bạc và là người trẻ thứ hai trong số thí sinh đoạt giải. "Với bằng cao đẳng và giải quốc gia, em muốn tìm việc với mức lương trên 10 triệu đồng mỗi tháng", Chiến nói.
Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội hiện có khoảng 1.000 học sinh hệ 9+ và tuyển sinh trên dưới 300 em mỗi khoá. Trong số này, có em vừa tốt nghiệp THCS, có em đang học dở lớp 10-11 ở các tỉnh, thành chuyển về.
Tại TP HCM, ngoài hệ thống trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, học sinh có hàng trăm lựa chọn học nghề ở các trường cao đẳng, trung cấp, cả công lập lẫn tư thục.
Trong số hơn 8.000 chỉ tiêu năm nay, Cao đẳng Lý Tự Trọng dành hơn 3.000 cho hệ trung cấp. Học sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương được đào tạo theo tín chỉ, tốt nghiệp trong một năm. Ứng viên tốt nghiệp THCS học ba năm, có các môn văn hóa. Nếu chỉ lấy bằng trung cấp, các em mất 1,5 năm.
Cao đẳng Kỹ nghệ II tuyển hơn 500 chỉ tiêu trung cấp cho học sinh tốt nghiệp THCS. Sau hai năm, học viên tốt nghiệp trung cấp được học lên cao đẳng. Ngoài ra, các em có thể học song song chương trình THPT do trường liên kết đào tạo với trung tâm giáo dục thường xuyên.
Theo PGS TS Bùi Văn Hưng, hiệu trưởng Cao đẳng Kỹ nghệ II: "Hiện các chương trình dạy nghề được tổ chức đa dạng, có hỗ trợ việc làm với mức thu nhập tốt. Chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS giúp các em giảm bớt áp lực và chi phí học tập, lại được tham gia vào thị trường lao động từ sớm".
Chủ tịch Hội đồng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội - TS Phạm Xuân Khánh - cũng đánh giá cao hệ 9+ và khẳng định mô hình này thuận lợi cho người học. Do đặc thù vừa học văn hoá vừa học nghề, chương trình văn hóa của 9+ nhẹ hơn nhiều so với THPT bình thường. Chưa kể, chi phí học nghề được miễn, học sinh chỉ mất 690.000-940.000 đồng mỗi tháng theo quy định của trung tâm giáo dục thường xuyên.
Ông Khánh cho rằng, hệ 9+ sẽ là lựa chọn nên cân nhắc với những em có học lực yếu ở bậc THCS, không muốn chịu áp lực học hành quá nặng hoặc các em có điều kiện gia đình khó khăn, muốn đi làm sớm.
"Khi đó, học sinh chuyển sang hệ 9+ sẽ cảm thấy phù hợp hơn bởi hệ này được vừa học vừa thực hành, từ đó kích thích trí tò mò, tư duy sáng tạo", ông Khánh phân tích và lấy ví dụ nhiều em học yếu ở THCS nhưng khi học 9+, tham gia các cuộc thi tay nghề vẫn giành huy chương, có điểm số xếp trên các anh chị đại học, cao đẳng.
Ngoài ra, theo ông Khánh, hệ 9+ cũng góp phần phân luồng, định hướng nghề nghiệp từ bậc THCS cho học sinh, đồng thời là giải pháp tốt để cung cấp nguồn nhân lực, giúp tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Hệ thống giáo dục quốc dân cung cấp ba lựa chọn cho học sinh sau hoàn thành chương trình THCS: Tiếp tục con đường học vấn (vào các trường trung học phổ thông công lập hoặc tư thục), Vừa học vừa làm (hệ giáo dục thường xuyên) và Học nghề (trung tâm giáo dục nghề nghiệp, các trường trung cấp, cao đẳng nghề).
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến giữa năm 2021, cả nước có hơn 300.000 học sinh THPT vừa học văn hóa, vừa học nghề, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhân lực cho thị trường lao động.
Tuy nhiên, hệ 9+ cũng có những nhược điểm. Ông Khánh thừa nhận nhiều học sinh hệ 9+ có học lực yếu, ngỗ nghịch.
Bên cạnh đó, hệ 9+ là vừa học văn hóa, vừa học nghề. Phần học văn hóa 7 môn do trung tâm giáo dục thường xuyên phụ trách, thuộc quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong khi đó, phần nghề do trường nghề giảng dạy, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Nếu tự dạy văn hóa, trường nghề chỉ dạy 4 môn theo Luật Giáo dục 2019. Với chương trình này, học sinh chỉ có thể liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, không thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT để lên đại học.
Điều này dẫn đến một số bất cập liên quan đến quản lý nhà nước, đồng thời khiến học sinh gặp khó khăn khi di chuyển giữa hai trường để vừa học văn hóa và học nghề. Đây cũng là vấn đề được bàn luận trong nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết.
Được tự tổ chức dạy 7 môn văn hóa là mong muốn của hầu hết cơ sở dạy nghề. Tại hội nghị góp ý dự thảo Thông tư về việc giảng dạy văn hóa THPT trong các trường nghề, tổ chức cuối năm 2021, TS Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Cao đẳng Y Thái Bình, nhận định trường nghề có đủ khả năng dạy chương trình văn hóa 4 môn và 7 môn, thậm chí làm tốt hơn các trung tâm giáo dục thường xuyên. Vì thế, Bộ cần cho phép trường nghề đào tạo cả hai chương trình này, để người học chọn dựa trên nhu cầu cá nhân.
Nhóm phóng viên