Hệ thống giáo dục quốc dân cung cấp đa dạng hình thức đào tạo, phục vụ nhu cầu khác nhau của người học sau bậc trung học cơ sở. Tốt nghiệp lớp 9, học sinh có các lựa chọn: Tiếp tục con đường học vấn (vào các trường trung học phổ thông công lập hoặc tư thục), Vừa học vừa làm (hệ giáo dục thường xuyên) và Học nghề (trung tâm giáo dục nghề nghiệp, các trường trung cấp, cao đẳng nghề).
Lựa chọn phổ biến nhất hiện nay là hệ thống trường THPT công lập, với ưu thế về chất lượng đào tạo tiêu chuẩn và chi phí thấp. Do đó, mức độ cạnh tranh vào các trường công lập khá cao, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.
Ở Hà Nội, mỗi năm hơn 120.000 học sinh tốt nghiệp THCS, hơn 90.000 em đăng ký thi lớp 10 công lập; tỷ lệ trúng tuyển khoảng 60%. TP HCM có khoảng 80.000 trong tổng số 100.000 học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm dự thi vào trường công lập; tỷ lệ trúng tuyển khoảng 70%.
Những gia đình có điều kiện kinh tế tốt có thể chọn học ngoài công lập, ở khối trường tư thục, quốc tế. Phần lớn các trường này tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển nên cạnh tranh đầu vào không cao (trừ một số trường tư thục có tiếng).
Tính chung cả hệ thống công lập và ngoài công lập, cả nước hiện có hơn 2.800 trường THPT. Tuỳ tỉnh, thành, hệ thống này có thể đáp ứng 70-80% nhu cầu của học sinh sau khi hoàn thành chương trình THCS.
Hệ Giáo dục thường xuyên thường bị đánh giá là "lựa chọn cuối cùng" dành cho những học sinh muốn hoàn thành bậc trung học phổ thông nhưng không đủ điều kiện về học lực để vào trường công hoặc điều kiện tài chính để vào trường tư.
Với chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, học sinh chỉ phải học 7 môn bắt buộc, ít hơn hẳn chương trình THPT với 12 môn cùng nhiều hoạt động giáo dục khác. Khi thi tốt nghiệp THPT, học sinh hệ này không phải thi Ngoại ngữ và Giáo dục công dân. Các em còn được cộng điểm khuyến khích nếu có chứng chỉ ngoại ngữ hoặc tin học. Thời gian học tập, học phí giáo dục thường xuyên thấp hơn nhưng được cấp bằng THPT tương đương các trường THPT khác.
Nhiều lợi thế như vậy nhưng phần lớn phụ huynh không mặn mà với hệ thống giáo dục thường xuyên. Nhiều trung tâm ở các tỉnh thường không tuyển đủ chỉ tiêu. Theo các chuyên gia, một phần do yếu tố "lịch sử" của loại hình trước đây được gọi là bổ túc văn hóa.
"Nhiều người mặc định học sinh thi rớt lớp 10 công lập, học kém hoặc ngỗ nghịch mới phải vào giáo dục thường xuyên, nên thường không thiện cảm khi lựa chọn nơi này", một giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên ở TP HCM cho biết.
Cả nước có gần 700 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có ít nhất một cơ sở. Không chỉ dạy chương trình THPT hệ giáo dục thường xuyên, các trung tâm có nhiều chương trình để học sinh lựa chọn: vừa học giáo dục thường xuyên, vừa học nghề hoặc chỉ học nghề.
Lựa chọn khác với hai con đường trên là chuyển hẳn sang học nghề, giúp người học chủ động rút ngắn thời gian đào tạo, có việc làm sớm hơn.
Học sinh có thể học ngay tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với hệ trung cấp hoặc cao đẳng (do trung tâm liên kết với các trường nghề). Các em cũng có thể học song song văn hóa hệ giáo dục thường xuyên để sau ba năm vừa lấy bằng trung cấp nghề, vừa tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra, hệ thống cao đẳng, kể cả công lập và tư thục với gần 500 trường cũng đẩy mạnh tuyển sinh "hệ 9 +". Học sinh tốt nghiệp THCS, sau ba năm có thể được cấp bằng trung cấp hoặc sau bốn năm lấy bằng cao đẳng, xin việc làm. Bằng cách này, các em tiết kiệm thời gian rất nhiều so với cách học truyền thống là tốt nghiệp THPT rồi mới học nghề.
Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" được phê duyệt năm 2018 có mục tiêu cụ thể: 25-30% học sinh tốt nghiệp THCS học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Dựa trên mục tiêu này, các địa phương đã phân chỉ tiêu ngay từ khi tuyển sinh vào lớp 10. Tuy nhiên, do tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn phổ biến cả trong quan niệm lẫn thực tế tuyển dụng, nên tỷ lệ học sinh chọn hướng học nghề, đặc biệt là từ sau cấp THCS vẫn còn thấp. Số học sinh tốt nghiệp THCS vào hệ thống trường nghề chỉ hơn 10%.
Ví dụ tại Hà Nội, với khoảng 129.000 học sinh tốt nghiệp THCS năm nay, hơn 12.000 học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tại TP HCM, năm ngoái, hơn 16.000 em trong tổng số 100.000 học sinh tốt nghiệp THCS theo học nghề.
Hoạt động tư vấn hướng nghiệp và phân luồng vì vậy được chú trọng từ lớp 9. Trước ngày đăng ký nguyện vọng vào lớp 10, các trường đều định hướng, giúp học sinh hiểu rõ năng lực bản thân, cung cấp thông tin về các lựa chọn, ưu nhược điểm của từng mô hình đào tạo, để các em quyết định tương lai của mình.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, khẳng định đây là hoạt động quan trọng, được duy trì hàng năm. Tương tự Hà Nội, thời gian này, các trường THCS ở TP HCM cũng đang tổ chức hoạt động tư vấn học sinh. Hiệu trưởng một trường ở nội thành cho biết, nội dung phân luồng, hướng nghiệp được trường thực hiện từ hai năm cuối cấp.
Tuy nhiên gần đây, nhiều phụ huynh phản ánh, hoạt động tư vấn này bị biến tướng, trở thành hành vi ép buộc học sinh kém bỏ thi vào lớp 10, nhằm tránh ảnh hưởng đến thành tích của các trường. Quận Cầu Giấy, Hà Nội là nơi có hai trường THCS đối diện với cáo buộc này. Ông Đoàn Tiến Trung, Phó phòng Giáo dục quận Cầu Giấy, thừa nhận, có thể có sự hiểu nhầm giữa trường và phụ huynh trong quá trình tư vấn.
Trước thực tế này, ông Tiến nhấn mạnh: "Học sinh và gia đình các em đưa ra quyết định trên tinh thần tự nguyện, nhà trường và giáo viên tuyệt đối không ép buộc dưới mọi hình thức".
Nhóm phóng viên