Tên lửa Pukguksong-2 ứng dụng công nghệ phóng lạnh
Triều Tiên hôm 12/2 phóng thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 hoàn toàn mới, được ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến từ dự án tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm như phương pháp "phóng lạnh" và động cơ nhiên liệu rắn, theo Reuters.
Các chuyên gia quân sự của Aviation Forum cho rằng việc Triều Tiên áp dụng phương pháp phóng lạnh cho đợt phóng thử mới nhất cho thấy bước tiến mới của Bình Nhưỡng, bởi công nghệ này có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so hình thức phóng nóng truyền thống.
Phóng lạnh và phóng nóng là hai phương pháp được áp dụng trên các hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS) nhằm đẩy quả tên lửa ra khỏi bệ phóng. Trong công nghệ phóng lạnh, quả đạn nằm trong ống phóng kín và được đẩy ra ngoài bằng khí nén hoặc động cơ phụ.
Sau khi rời khỏi ống phóng được một đoạn, tên lửa mới được kích hoạt động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu rắn để tăng tốc và vọt đi. Yếu tố "lạnh" được hiểu là ống phóng có nhiệt độ thấp hơn nhiều so với luồng khí xả từ động cơ chính của tên lửa.
Hệ thống này đòi hỏi nhà sản xuất phải thiết kế cơ cấu đẩy quả đạn ra khỏi ống phóng bằng khí nén hoặc động cơ đẩy phụ. Ưu điểm lớn nhất của công nghệ phóng lạnh là đảm bảo mức độ an toàn cao cho bệ phóng. Trong trường hợp quả đạn gặp sự cố, nó có thể được bắn ra khỏi ống phóng, tránh gây nổ và hư hại tới bệ phóng và các quả đạn xung quanh.
Giới hạn kích cỡ tên lửa cũng được tăng lên với hệ thống phóng lạnh. Quả đạn tên lửa rất lớn vẫn có thể được phóng ra khoảng cách an toàn rồi mới kích hoạt động cơ phản lực chính, tránh nguy cơ luồng phụt lớn phá hủy ống phóng đạn và gây nguy hiểm, nhất là khi nằm trong hệ thống VLS của tàu chiến và tàu ngầm. Hầu hết các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và phóng từ tàu ngầm (SLBM) hiện đại đều dùng phương pháp này.
Kích thước bệ phóng lạnh cũng có thể thu nhỏ vì không cần tới hệ thống thoát khí xả như phương pháp phóng nóng. Điều này giúp thu gọn tổ hợp tên lửa, dễ dàng bố trí trên tàu chiến có kích thước giới hạn hoặc che giấu dàn phóng trên mặt đất. Các ống chứa đạn chịu ít hư hại hơn sau khi phóng, có thể nhanh chóng được tái chế và lắp tên lửa mới.
Phương pháp này cũng có một số nhược điểm, khiến nó không phải lúc nào cũng phù hợp để phóng tên lửa. Quả đạn khi bắn ra khỏi ống phóng có thể bị ảnh hưởng bởi gió mạnh, dẫn tới lệch hướng bay hoặc quá tải khiến quả đạn bị phá hủy. Với các dàn phóng lộ thiên như S-300, nếu động cơ chính không hoạt động, quả đạn sẽ rơi thẳng xuống bệ phóng và gây hư hại tới các tên lửa còn lại.
Tuy vậy, công nghệ phóng lạnh vẫn được coi là ưu việt hơn so với phóng nóng. Trong phương pháp phóng nóng, động cơ chính của tên lửa khởi động trong ống phóng và đẩy quả đạn đi ngay lập tức. Phóng nóng không đòi hỏi cơ cấu đẩy đạn ra ngoài, nhưng buộc các nhà thiết kế phải tìm ra cách xử lý luồng khí xả cực mạnh và cực nóng khi tên lửa rời bệ.
Hệ thống phóng nóng trên tàu tuần dương Mỹ
Với việc khai hỏa động cơ chính ngay trong ống phóng như vậy, nếu một quả đạn gặp sự cố và phát nổ, nó sẽ phá hủy các tên lửa xung quanh, cũng như gây hư hại nặng cho bệ phóng.
Việc hứng chịu trực tiếp luồng khí xả của tên lửa cũng khiến ống phóng rất nhanh xuống cấp và hư hỏng, khiến chúng cần được sửa chữa trước khi có thể đưa vào tái sử dụng. Các chuyên gia quân sự cho rằng phương pháp phóng nóng truyền thống này chỉ thích hợp khi sử dụng với các loại tên lửa nhỏ, giúp chế tạo ra các hệ thống nhỏ gọn và hiệu quả về mặt kinh tế vì không phải nạp khí nén hay lắp động cơ phụ cho tên lửa.
Phương pháp phóng nóng thường được áp dụng với tổ hợp phóng thẳng đứng Mk. 41 trên tàu chiến của Mỹ hoặc tàu hộ vệ Type-054A của Trung Quốc.
Tử Quỳnh