Thị trường ôtô Việt Nam chia làm ba nhóm doanh nghiệp, thuần sản xuất/lắp ráp, thuần nhập khẩu và vừa lắp ráp, vừa nhập khẩu. Lắp hay nhập tùy vào định hướng và chiến lược đầu tư của mỗi hãng.
Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) nếu được thông qua sẽ là cơ hội để các hãng bán xe CKD gia tăng tính cạnh tranh so với đối thủ bán cùng phân khúc sản phẩm nhưng dạng nhập khẩu (CBU). Khoảng cách doanh số giữa xe lắp ráp và nhập khẩu vì thế được nước rộng.
Trong cơ cấu doanh số của các hãng xe tại Việt Nam, VinFast bên cạnh Kia và Peugeot (Trường Hải phân phối) là ba hãng xe duy nhất thuần bán các sản phẩm CKD. Hyundai (lắp ráp và phân phối bởi TC Motor) dẫn đầu lượng xe CKD của toàn thị trường và chỉ có 274 xe nhập khẩu.
Bốn hãng kể trên gần như hưởng lợi nhiều nhất với chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ cho xe nội địa. Một trong số này, công ty Thành Công Motor, hãng mẹ của TC Motor mới đây gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe CKD.
Các hãng khác như Toyota, Mazda, Honda, Isuzu, Mitsubishi, Suzuki, Ford bán đồng thời hai dòng sản phẩm CKD và CBU. Riêng Suzuki, Mitsubishi, Ford dựa nhiều vào mảng xe CBU, thị phần xe nhập lần lượt chiếm 75%, 88% và 95% tổng lượng xe bán ra . Toyota là hãng có sự cân bằng nhất giữa doanh số xe CKD và CBU, tỷ lệ 50:50.
Nhìn chung, các hãng xe có thị phần lớn thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) vì đặc thù bán hai dòng sản phẩm, nên quan điểm ủng hộ ưu đãi giảm lệ phí trước bạ nhưng không nghiêng về bên nào. Theo một vị trong ban điều hành VAMA, để cả xe CBU, CKD đều được ưu đãi là rất khó và cơ hội cho xe CKD hiện nhiều hơn.
Trong nội bộ VAMA cũng có nhiều hãng có cơ cấu sản phẩm nghiêng về xe nhập. Bởi đề xuất ưu đãi giảm lệ phí trước bạ với danh nghĩa VAMA, các hãng thành viên nhập khẩu nhiều hơn lắp ráp cũng xem như ủng hộ đề xuất ưu đãi giảm lệ phí trước bạ (giả sử chỉ áp dụng cho xe lắp ráp).
"Có thể hãng thiên về nhập khẩu không được hưởng lợi nhiều như các thành viên khác, nhưng đã tham gia tổ chức cần tuân thủ luật chơi, luật biểu quyết", tổng trưởng phòng bán hàng, marketing của một hãng xe Nhật thuộc VAMA, nói. "Nếu đề xuất ưu đãi chỉ dành cho xe CKD, các hãng có sản phẩm CBU cũng phải tìm cách để thích ứng chứ không thể làm gì khác".
Trái ngược các hãng xe lắp ráp, nhiều hãng xe thuần nhập khẩu kêu khó và thiếu công bằng với đề xuất chỉ ưu đãi dành cho xe CKD.
Các hãng thuần nhập sản phẩm về bán bao gồm một số thương hiệu xe phổ thông như Subaru, Volkswagen, Jeep, Nissan, MG, còn lại là các hãng xe sang như Audi, Porsche, Volvo, Maserati... Những hãng này sẽ gặp khó hơn khi bán sản phẩm cùng phân khúc với hãng xe có sản phẩm lắp ráp.
Lệ phí trước bạ không làm giảm giá xe, nhưng giảm chi phí lăn bánh. Ở phân khúc xe phổ thông, giảm 50% lệ phí trước bạ có thể giảm chi phí lăn bánh khoảng vài chục triệu đồng, nhưng ở các dòng xe sang, con số lên đến hàng trăm.
Ví dụ, một khách tại TP HCM mua mẫu Honda CR-V (CKD) giá một tỷ đồng, lệ phí trước bạ 10%. Giả sử đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ có hiệu lực, khách tiết kiệm chi phí lăn bánh mẫu xe này một khoản = 50% x 10% x 1 tỷ đồng = 50 triệu đồng. Với một mẫu xe sang như Mercedes S450L Luxury giá gần 5 tỷ đồng, chi phí lăn bánh giảm khoảng 250 triệu đồng.
Mercedes là hãng xe sang duy nhất có một số phiên bản của các dòng C-class, E-class, GLC và S-class lắp ráp trong nước. Hãng này đang giữ thị phần lớn nhất mảng xe cao cấp tại Việt Nam. Cơ cấu doanh số của Mercedes là 90% CKD, 10% CBU. Nếu đề xuất ưu đãi lệ phí trước bạ được áp dụng cho xe CKD, hãng ngôi sao ba cánh có thêm cơ hội để tăng doanh số, tạo thêm khoảng cách với các đối thủ.
Một chuyên gia bán hàng lâu năm tại TP HCM nói rằng, ưu đãi lệ phí trước bạ cho xe nội địa cần được xem là điều kiện tăng thêm để khách hàng chọn xe CKD chứ không hẳn khiến tất cả đều quay lưng với xe CBU. "Bởi quyết định mua xe không chỉ về giá, chi phí lăn bánh, mà còn sở thích, niềm tin với thương hiệu của riêng mỗi người", ông nói.
Vị chuyện gia phân tích thêm, phân khúc xe phổ thông với phần lớn khách hàng có tài chính hạn chế, chi phí lăn bánh giảm vài chục triệu có thể khiến họ cân nhắc giữa xe CKD và CBU. Nhưng ở nhóm xe sang với tính cá nhân hóa và đặc trưng thương hiệu cao, người mua có tài chính dồi dào, chênh lệch hàng chục, hàng trăm triệu không hẳn khiến họ từ bỏ mẫu xe yêu thích để chọn xe khác chỉ vì để tiết kiệm chi phí lăn bánh.
Thành Nhạn