Đề xuất giảm lệ phí trước bạ cho ôtô nhưng chỉ dành cho nhóm xe sản xuất, lắp ráp trong nước một lần nữa trở thành chủ đề nóng cùa ngành xe Việt Nam giai đoạn nửa cuối 2021. Nếu được thực thi, xe lắp ráp (CKD) và sản xuất vốn chiếm ưu thế về thị phần càng có cơ hội gia tăng với xe nhập khẩu (CBU).
Các hãng xe có sản phẩm CKD xem đây là cơ hội để gia tăng doanh số, kéo lại lợi nhuận trong gần nửa năm dịch Covid-19 dai dẳng trong cộng đồng. Ở chiều ngược lại, các hãng xe thuần CBU không đồng tình vì cho rằng thiếu công bằng.
Kiến nghị giảm lệ phí trước bạ cho xe nội
Năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo trình Chính phủ, đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho người Việt mua ôtô. Năm nay, trước tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu được kiểm soát ở nhiều tỉnh, thành phố, Bộ này hôm 16/8 cũng có động thái tương tự bằng Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Dự thảo hiện trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, trước khi trình Chính phủ. Điểm 3d của Dự thảo kiến nghị Bộ Tài Chính đánh giá tác động để có thể xem xét, đề xuất tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô CKD thêm một khoảng thời gian phù hợp với diễn biến đại dịch Covid-19.
Ngoài Dự thảo kể trên, hôm 16/8, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng giao Bộ Tài chính đánh giá, tính toán tác động của việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất trong nước. Đây là quyết định dựa trên văn bản kiến nghị Thủ tướng của Thành Công Motor Việt Nam, công ty hiện nắm quyền lắp ráp, phân phối xe Hyundai tại Việt Nam.
Mới đây, trong văn bản gửi Bộ Công Thương, Tài chính, UBND tỉnh Ninh Bình và Quảng Nam đề nghị một số giải pháp cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô trong nước trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Một trong các giải pháp được 2 địa phương này nêu, là tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trong khoảng thời gian phù hợp với diễn biến của dịch bệnh.
Ninh Bình là nơi đặt nhà máy của Thành Công (KCN Gián Khẩu), còn Quảng Nam là nơi Trường Hải (Thaco) xây dựng nhà máy quy mô lớn ở KCN Chu Lai. Thaco hiện lắp ráp và phân phối ba thương hiệu Kia, Mazda, Peugeot bên cạnh nhập khẩu xe các hãng BMW, Mini và nhiều dòng xe Mazda như Mazda2, CX-3, CX-30, BT-50.
Trước khi có những kiến nghị nêu trên, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), hồi cuối quý I cũng đã gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô đăng ký mới (cả CKD và CBU) bên cạnh nhiều vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp khác. Bộ đã có văn bản trả lời vào tháng 5, bác đề xuất của VAMA vì cho rằng "không phù hợp với bối cảnh hiện nay".
Nguồn tin của VnExpress cho hay, VAMA trong tháng 7 vừa qua đã gửi kiến nghị lần 2 với nội dung tương tự lên các cơ quan của Bộ. Một thành viên trong ban điều hành VAMA nói rằng, so với lần kiến nghị trước hồi 2020 và sau đó là Nghị định 70 được ban hành (cuối tháng 6), lần này Chính Phủ sẽ xem xét kỹ hơn đề xuất của các tổ chức vì dù thị trường đang ảm đạm nhưng nguồn lực của nhà nước đang phân bổ nhiều cho công tác chống dịch, hỗ trợ người dân.
Các hãng xe nói gì?
Với đề xuất đã gửi, VAMA, tổ chức quy tụ 15 hãng xe lớn trên thị trường như Toyota, Honda, Ford, Mitsubishi, Mercedes, Kia, Mazda, Suzuki... thể hiện rõ quan điểm ủng hộ giảm lệ phí trước bạ cho ôtô. Tuy nhiên, đặc thù các hãng của VAMA đều bán xe CKD và CBU, vì thế mong muốn ưu đãi lệ phí trước bạ là dành cho cả hai.
Tổng trưởng ban hoạch định chiến lược của một hãng xe Nhật thuộc VAMA cho rằng, để cả xe CKD và CBU đều được ưu đãi là rất khó. "Nếu chính sách ưu đãi được thực thi và dành cho loại xe nào cũng tốt. Đây là cơ sở để thúc đẩy nhu cầu của người dân với ôtô trong bối cảnh hiện nay".
Với các hãng thuần nhập khẩu, đặc biệt xe hạng sang giá nhiều tỷ đồng, trước đề xuất ưu đãi giảm lệ phí trước bạ cho ôtô nhưng chỉ dành cho xe CKD, áp lực doanh số các tháng cuối năm 2021 thêm phần nặng nề. Ở phân khúc xe phổ thông, lệ phí trước bạ giảm 50% tương ứng với chi phí lăn bánh giảm hàng chục triệu đồng nhưng với xe sang, con số lên đến hàng trăm triệu đồng. Đây có thể là lý do thêm khiến khách hàng chọn xe CKD thay vì xe CBU.
Audi Việt Nam trong văn bản góp ý Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, cho rằng, giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước đã cho thấy hiệu quả, nhưng điều này cũng là sự phân biệt đối xử ưu tiên xét trên toàn quốc.
"Các hạn chế trong bối cảnh đại dịch Covid tại Việt Nam đang được áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh ôtô, do đó chúng tôi đề nghị việc giảm lệ phí trước bạ cũng cần phải áp dụng chung cho cả CKD và CBU, đây cũng sẽ là sự hỗ trợ cho toàn cộng đồng", đại diện Audi Việt Nam nói.
Đồng quan điểm, đại diện các hãng Volvo, Volkswagen cũng cho rằng, ưu đãi sẽ tốt hơn nếu dành cho cả xe lắp ráp và nhập khẩu. Điều này giúp khách hàng có thêm lựa chọn để sắm xe và tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam.
Tổng giám đốc Subaru Việt Nam cho biết, các hãng xe nhập khẩu cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhiều đại lý đóng cửa, xe chậm hoặc tạm ngưng đến tay người dùng. Mặc dù bị tạm ngưng hoạt động, không có doanh thu, nhưng công ty và đại lý vẫn phải trả lương cho người lao động để giúp người lao động duy trì cuộc sống thường nhật, và vẫn phải trang trải chi phí thuê mặt bằng, lãi vay ngân hàng, xe lưu kho...
"Chúng tôi mong rằng Chính phủ cũng có giải pháp hỗ trợ cho các hãng xe nhập khẩu cũng như người tiêu dùng trong giai đoạn khó khăn này", đại diện Subaru nói thêm.
Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ nếu được thông qua sẽ là cú hích cho thị trường nhưng cho xe lắp hay cả xe nhập còn bỏ ngỏ. Ở chiều ngược lại, đề xuất cũng tạo ra một quãng dừng trên thị trường bởi tâm lý chờ đợi mua xe hưởng ưu đãi của người dân, dù rằng chính sách đang ở giai đoạn "xem xét" và chưa biết liệu có được thực thi.
Tình trạng chờ đợi nói trên từng xuất hiện hồi 2020 khi khách hàng trì hoãn chốt đơn hàng vì muốn đợi đến khi có ưu đãi trước bạ từ Chính phủ. Chỉ 2 tháng cuối 2020, lượng bán xe mới tăng đột biến vì người dân muốn "chạy mua xe kịp ưu đãi", các hãng khi đó cũng chuẩn bị về tốt hơn về nguồn cung.
Thành Nhạn