Khi những hoạt động núi lửa diễn ra trên vùng đất Lanzarote (cách bờ biển Tây Phi 175 km) thuộc Tây Ban Nha 15 triệu năm trước, nơi đây chưa có bóng dáng của con người.
Chỉ vừa xuất hiện khoảng 3.000 năm trước, các cư dân trên hòn đảo ngoài khơi Ma-rốc này sớm phải đối diện với những đe dọa từ núi lửa. Mặc dù đợt phun trào gần đây nhất bắt đầu năm 1730 liên tiếp trong 6 năm, ngọn núi lửa chỉ thật sự "nghỉ ngơi" năm 1824. Mọi hoạt động nông nghiệp vì thế cũng bị ảnh hưởng và gặp nhiều khó khăn.
Những đợt phun trào diễn ra trong 2053 ngày và hơn 20 bờ biển của đảo luôn tràn ngập dung nham. Những người dân gần như đã mất hết kiên nhẫn và nhiều trong số họ quyết định rời đến Mỹ hay Cuba. Khi núi lửa đã ngưng hoạt động, gần như toàn bộ đất nông nghiệp và nông cụ bị phá huỷ, cộng đồng nông dân cũng bị tan rã. Nhưng cũng từ đó, họ đã cố gắng xoay sở ra cách mới nhằm tiếp tục canh tác. Những người nông dân ở La Geria (đảo Lanzarote) đã sáng tạo ra cách độc đáo để phát triển những ruộng nho của mình.
Đầu tiên, một hố tròn có đường kính khoảng 4 - 5 m được đào xuống độ sâu 2 - 3 m. Chỉ một cành nho duy nhất sẽ được cắm xuống và bức tường nhỏ bao quanh giúp bảo vệ cây. Vật liệu làm nên bức tường này không phải là đá bình thường mà là cuội núi lửa phun ra từ những đợt phun trào trong lịch sử. Chỉ với một chút đất dưới lớp bụi núi lửa đang phủ đầy trên mặt, hàng thế kỷ qua, kỹ thuật tưởng chừng lạc hậu này đã giúp cây nho phát triển và tạo ra những chai vang ngon không kém trong lục địa.
Kết quả của sự sáng tạo trong việc trồng nho đã biến vùng đất La Geria thành một điểm đến thu hút nhiều du khách hiếu kỳ. Ngoài việc làm nông nghiệp, nơi đây xứng đáng được bảo tồn và gìn giữ bởi những giá trị về văn hóa và phong cảnh mà nó mang lại.
Nếu ví von một cách hình tượng, bạn sẽ có thể nghĩ ngay đến những khu vườn của người Vulcan trong bộ phim Star Trek khi nhìn vùng La Geria từ đỉnh đồi hoặc qua cửa sổ máy bay.
Khi nho đã chín và sẵn sàng, những chú lạc đà vùng Lanzarote cũng sẽ góp sức trong việc thu hoạch. Con đường quanh các hố khá hẹp và dễ bị lún sụt, do đó chỉ có một người phụ trách một gốc nho trong một hố. Ngay cả việc đi vào những hố tròn này cũng phải hết sức cẩn thận để tránh đất và cả cuội núi lửa bị tràn xuống.
Sau khi cắt, những chùm nho chín sẽ được xếp vào hai thùng treo ngang lưng chú lạc đà với sức chứa khoảng 30 kg mỗi thùng. Công việc quả là không dễ dàng chút nào khi nhiệt độ có thể lên đến 50 độ C.
Quá trình thu hoạch hoàn thành sẽ là bước đầu tiên cho việc làm rượu vang. Quả sẽ được tách khỏi thân, ép và lọc lấy nước trước khi cho lên men. Quá trình ủ rượu có thể lên đến 2 năm nhưng vẫn được gọi là “vang trẻ” khi mang đi đóng chai.
Vì những giá trị không chỉ trong việc làm vang mà còn về cảnh quan, La Geria là khu vực được bảo vệ mạnh mẽ. Thật ngạc nhiên khi rượu vang lại có thể được sản xuất tại vùng đất khô cằn trên đất đá núi lửa này. Một khi bạn có cơ hội nếm thử, hãy cảm nhận không khí nóng bỏng, thời tiết khắc nghiệt và công sức không mệt mỏi của những người nông dân gửi gắm qua từng giọt rượu vang.
>> Xem thêm: Ảnh về vùng trồng nho đặc biệt
Hoài Nam