Mỗi sáng sớm, Hồng Nguyên (44 tuổi, ngụ quận 7), đều đặn đến phòng tập để thực hành yoga bay. Theo Nguyên, đây là bộ môn giúp chị dễ dàng thực hiện các tư thế nâng cao như trồng chuối, nhào lộn, hỗ trợ máu lưu thông lên não. Hai năm vận động trên không trung, Nguyên luôn có cảm giác mới mẻ mỗi lần tập, từ đó vượt qua được chứng sợ độ cao và say xe nặng.
Yoga fly (yoga bay hay phi trọng lực) là bộ môn tập luyện trên độ cao 3 m, với sự hỗ trợ của dây lụa có sức chịu lực hơn 900 kg. Bộ môn này do Christopher Harrison sáng tạo vào giữa những năm 1990. Đến nay, nó đã phổ biến tại hơn 30 quốc gia, đặc biệt là các nước châu Âu và nhanh chóng lan tỏa, trở thành trào lưu của giới trẻ tại các nước châu Á như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia...
Yoga bay kết hợp từ tư thế yoga truyền thống với các bài tập pilates, trong đó dây lụa là dụng cụ giúp nâng đỡ cơ thể người tập, giải phóng áp lực phần cổ, vai, gáy và cột sống.
Hồng Nguyên là người tập song song giữa yoga truyền thống và yoga bay. Theo chị, yoga truyền thống dựa trên những tư thế có sẵn, tập trung dùng lực chống đẩy, thì yoga bay cho phép thoải mái sáng tạo tư thế, sử dụng phần lực kéo và lực bụng. Tuy nhiên, tập luyện trên không trung khiến Nguyên khó kiểm soát hơi thở. Chị phải mất một năm để thành thạo các động tác nâng cao của yoga bay.
"Môn thể thao nào cũng đem lại lợi ích nhưng ở tuổi của mình, tôi ưu tiên tập yoga để cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh", Nguyên nói, thêm rằng sẽ tiếp tục gắn bó với yoga bay thêm vài năm, sau đó tập trung hoàn toàn với yoga truyền thống.
Cũng dành hai năm với yoga bay, Ngọc Đan (30 tuổi, ngụ quận 2) nhận thấy các đốt sống trên cơ thể luôn được thư giãn. Tập yoga bay liên tục trong một tháng, cô giảm được 2 kg và 3 cm vòng eo.
Ngọc Đan cho biết tùy từng nơi, phí tập yoga bay sẽ đắt hơn yoga truyền thống 50-70%. Cô chọn tập yoga bay vì bộ môn này hỗ trợ người mới thực hiện những động tác khó. "Với yoga sàn, phải mất 3-6 tháng để tập và thực hiện tư thế trồng chuối, nhưng người mới tập yoga bay đã có thể làm động tác này", Đan nói.
Tuy nhiên, yoga bay không nhẹ nhàng như nhiều người thường nghĩ. Đan phải vừa giữ thăng bằng vừa tạo đúng tư thế. Khi mới tập, cơ thể cô luôn đau nhức và lo sợ bị ngã. Càng tập, Đan càng yên tâm nhờ có dây lụa nâng đỡ.
Nhận định về bộ môn này, Khánh Phương, huấn luyện viên yoga bay tại một trung tâm ở quận 7, cho biết đây là môn thể thao thích hợp mọi độ tuổi. Các lớp học yoga bay của Phương giới hạn trong 10 thành viên, phần đông là nữ ở độ tuổi 20-45, có một số bé gái 8 tuổi và phụ nữ ở tuổi 60.
Theo Phương, những người gặp khó khăn với yoga truyền thống vì thoát vị đĩa đệm, đau cột sống, khi tập yoga bay sẽ được dây lụa hỗ trợ, không phải chịu sức ép từ trọng lực. Cô nhận xét bộ môn này giúp tăng thể lực, phát triển cơ bắp và hỗ trợ bệnh cột sống. Khi người tập thực hiện động tác đảo ngược trên không, máu lưu thông về não giúp giảm quá trình lão hóa.
"Môn yoga bay độ khó không cao nhưng cần nhiều thể lực ở tay. Do đó trong một tiếng học, học viên luôn cần 30 phút đầu để khởi động, làm nóng cơ thể", Phương nói.
Để đáp ứng yêu cầu của yoga bay, các trung tâm trang bị loại dây lụa chuyên dụng, trần nhà cao trên 5 m và có tấm đệm lót an toàn cho mỗi người.
Xuất hiện tại Việt Nam từ lâu, yoga bay ngày càng phát triển và được ưa chuộng. Mỗi buổi trưa, Khánh Phương dạy liên tục nhiều lớp từ 11h đến 13h, do giới văn phòng tranh thủ giờ nghỉ để tập. Theo nữ huấn luyện viên, cảm giác mới mẻ khi uốn mình trên không trung là yếu tố thu hút người tập bộ môn này. "Những người bị cao huyết áp, hội chứng ống cổ tay... nên hạn chế tập yoga bay", Phương lưu ý.
Theo trang Healthline, những người hay bị chóng mặt, ngất xỉu, viêm xoang, mới phẫu thuật, tăng nhãn áp, hẹp động mạch cảnh, hoặc có vấn đề về cột sống, tiền sử bệnh tim, mang thai... cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tập bộ môn này.
Hải Hà