Trong ngôi nhà ấy, người con sinh ra dù vẫn lớn lên khỏe mạnh bình thường như những đứa trẻ khác, nhưng có mấy ai thấu hiểu được sự thiệt thòi mà bé đã và đang chịu đựng, vì cả ba lẫn mẹ đều bị câm điếc bẩm sinh.
Chị Phùng Hà Tú Anh (29 tuổi) và anh Lê Ngọc Hậu (29 tuổi) đều mắc bệnh câm điếc bẩm sinh. Hai anh chị lớn lên trong hai gia đình cũng không khấm khá gì tại Đắk Lắk. Từ nhỏ, anh chị đã mang số phận bất hạnh, khó khăn trong giao tiếp với người bình thường. Cách đây 7 năm, hai anh chị quyết định cùng xây dựng tổ ấm và có được bé gái kháu khỉnh - Lê Phùng Trà My (sinh năm 2010).

Bà Hà Thị Thạnh (mẹ chị Tú Anh) kể trong nước mắt: “Lúc mới sinh ra Tú Anh và Ngọc Hậu đều xinh xắn, mạnh khỏe. Vậy mà oái oăm thay, trời không thương nên tất cả đều không nói, không nghe được. Rồi trước khi bé My ra đời, mọi người lo sợ gấp nghìn lần. Hạnh phúc chợt vỡ òa khi chúng tôi nghe được tiếng bập bẹ của bé”.
Từ khi Trà My lên ba, bé cùng mẹ chuyển về sống nhờ nhà ông bà ngoại để tiện trong việc học, còn ba vẫn sống ở huyện. Ông bà sống chủ yếu bằng nghề nông, chịu cảnh nắng mưa do trời, khó khăn nhiều bề. Mẹ đi nhặt đậu thuê, bữa có bữa không tùy mùa đậu, kiếm sống qua ngày. Ba bé đi giao bánh kẹo thuê từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Do đó, mỗi tháng gia đình nhỏ này mới có dăm ba bữa đoàn tụ với nhau.
Tương tự như người bình thường, người câm điếc có thứ ngôn ngữ riêng của họ. Dĩ nhiên, họ cũng có thể giao tiếp với người bình thường bằng thủ ngữ chung hoặc chữ viết. Trà My giao tiếp với ba mẹ bằng dấu hiệu riêng của bé, hoặc đơn giản bạn có thể tưởng tượng rằng trong gia đình họ, chỉ cần ra hiệu là mọi người lại tự ngầm hiểu.
Rồi cũng đến tuổi đi mẫu giáo, Trà My được tới trường. Theo cô giáo chủ nhiệm, em rất ngoan, đến lớp đầy đủ, học giỏi và luôn làm tốt bài tập về nhà. Hết giờ học, thường cô giáo phải đưa em về nhà vì không ai có thể đón về đúng giờ do bận việc.
“Tội nó lắm. Rất nhiều khi tôi thấy cửa khóa mà My cứ ngồi trước cửa nhà đợi mẹ về. Xót lắm. Nó là đứa bé ngoan, ít nói, không bao giờ tôi thấy nó đòi quà gì như những đứa nhỏ khác”, một chị hàng xóm cho hay.
Một phần cũng vì ba mẹ Trà My chưa từng được học hành, phần thương con, hai vợ chồng cũng cố gắng cho con đi học để lấy cái chữ cho bằng bạn bằng bè. Nhưng vì cuộc sống vốn lắm lo toan, nên hai anh chị rất khó khăn trong việc chu cấp đầy đủ trong quá trình học của bé. Nhất là trong lúc này, khi bé đến tuổi vào lớp một.
“Quần áo bé My hầu như được mặc lại do người khác cho. Những khi đi họp phụ huynh mẫu giáo, tôi có thể cảm nhận được nỗi tủi thân từ sâu thẳm của My khi thấy những đứa trẻ bình thường khác đang quấn quýt bên cha mẹ mình”, cô giáo của Trà My chia sẻ.
Hoàn cảnh nghèo khó như thế, gia đình rất mong được sự giúp đỡ để chia bớt khó khăn, giúp Trà My có thêm niềm tin trong cuộc sống và nụ cười tuổi thơ hồn nhiên như bản năng của bé.
Lê Thị Huệ
Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.