Độc giả gửi bài dự thi tại đây
"Học bổng Đèn Đom Đóm" là nơi để độc giả chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), THCS sở (cấp 2) nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường.
Cuộc thi là một trong những hoạt động nằm trong chương trình khuyến học Đèn Đom Đóm do nhã hàng Dutch Lady (Công ty FrieslandCampina Việt Nam) khởi xướng từ năm 2002. Với mục tiêu tiếp thêm sức mạnh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vững bước học tập, xây dựng nên những ngôi trường mới khang trang, chương trình khuyến học đã giúp nhiều giáo viên và học sinh vùng sâu vùng xa có điều kiện dạy và học tốt hơn.
Gửi bài tham gia cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm" là bạn đã tạo cơ hội giúp các em có thêm khoản tài chính thiết thực để tiếp tục con đường học vấn, qua đó góp phần nuôi dưỡng những tài năng Việt, phát triển sự nghiệp giáo dục đất nước.
Còn nhiều cảnh đời khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ từ cộng đồng để vượt qua các trở ngại trong cuộc sống. Đó là trường hợp của em Trần Thị Măng (Thừa Thiên Huế) đêm phải đi đánh cá cùng mẹ đến 5h sáng mới về nhưng vẫn đều đặn tới lớp với thành tích học tập đáng ngưỡng mộ.
Nhà Măng nghèo, bố bị bệnh nặng đã 4 năm, không có tiền chạy chữa. Trong khi các anh, chị phải lên chùa ở thì Măng ở nhà tất bật mưu sinh cùng mẹ để kiếm cái ăn. Dù kiếm được không đáng bao nhiêu, nhưng cô gái ở tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" vẫn thức trắng đêm giăng lưới cùng mẹ.
Hay với trường hợp cô học trò mồ côi Hứa La Linh ở một trường tiểu học ở Phú Yên, dù mất cả bố lẫn mẹ nhưng em vẫn nỗ lực học tập, đạt danh hiệu học sinh giỏi trong 4 năm liền. Linh lớn lên trong vòng tay của người bà đã ngoài 80 tuổi.
Chỉ có vài sào ruộng và vài con gà, lại phải nuôi thêm đứa con bị bệnh nên hình ảnh người bà thường đi xin từng lon gạo hàng xóm đã trở nên quen thuộc. Bữa cơm của bà cháu Linh vì thế thường chỉ có nước mắm hoặc muối. Hàng ngày, ngoài thời gian đến lớp, Linh phụ bà việc đồng áng, chăn nuôi.
Còn em A Lăng Thị Rít (Quảng Nam), ngày ngày phải thức dậy từ 5h sáng, vượt 7km đường núi cheo leo để tới trường.
Nhà Rít nghèo, lợn bò chẳng có, bố mẹ già yếu lại đông con, cái ăn phụ thuộc vào nương rẫy nên gia đình em gặp rất nhiều khó khăn. Ở lứa tuổi tiểu học, Rít làm hết mọi việc trong nhà, từ quét nhà, rửa bát, nấu cơm đi rừng phát rẫy, đào sắn, hái rau...
Riêng Đào Anh Tuấn, mới học lớp 3 nhưng đã phải rong ruổi khắp các con đường ở Sài Gòn để bán vé số. Không có bố, một mình mẹ không thể nuôi 3 anh em, nên dù sống ở thành phố hoa lệ nhưng anh em Tuấn thiếu thốn đủ bề. Đôi dép tổ ong của em mòn vẹt vì đêm nào cũng phải bán hết xấp vé số, hơn 22h mới về. Số tiền kiếm được, em phụ mẹ đóng tiền nhà trọ, tiền ăn ở học hành.
Mức lương công nhân của mẹ cùng những đồng vé số của anh em Tuấn chỉ đủ mấy mẹ con sống chật vật ở Sài Gòn, mỗi năm cậu bé 7 tuổi này chỉ mong tới ngày Tết để sắm bộ đồ mới duy nhất trong năm.
Ngoài những câu chuyện của Măng, Linh, Rít và Tuấn, còn hàng nghìn học sinh đang phải sống trong cảnh thiếu thốn, chật vật mưu sinh ở độ tuổi lẽ ra chỉ biết vui chơi và đến trường.
Độc giả có thể chia sẻ những hoàn cảnh cần giúp đỡ đến cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm" để các em được tiếp thêm sức mạnh, vững bước đến tương lai, thông qua những suất học bổng của chương trình.
Bài dự thi thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo hình ảnh minh họa (nếu có) hoặc thể hiện bài viết dưới dạng bài ảnh ảnh đẹp, từ 7-12 ảnh kèm theo chú thích); có thể gửi bài dự thi qua hình thức video. Độ dài của video không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện.
Hàng tuần, Ban tổ chức chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài.
Cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm" diễn ra nhân kỷ niệm 20 năm thành lập của FrieslandCampina tại Việt Nam.
Ngọc Anh