Không giống như nhiều bệnh nhân bị ung thư trải qua quá trình truyền hóa chất đều xanh xao, yếu ớt, cậu bé Trương Văn Tú vẫn giữ được nước da hồng hào, khuôn mặt bầu bĩnh, sáng sủa. Em hiểu chuyện, sống lạc quan, thích đọc sách, nghe nhạc và trêu đùa các bệnh nhi nhỏ hơn.
Suốt thời gian Tú đi viện gần 2 năm qua, mẹ em - chị Phạm Thị Nhung - đều phải bế, cõng con. Thời gian đầu chưa quen, lúc đó Tú nặng khoảng 40 kg, mẹ không bế được, mỗi lần cõng con là một lần đánh vật rất khó khăn. Sau những lần xạ trị, cơ thể sa sút và Tú chủ động ăn ít đi để mẹ dễ cõng hơn.
"Em thương mẹ lắm. Những lần hết tiền, mẹ phải cõng em từ Viện Huyết học ra bến xe Mỹ Đình, vừa đi vừa nghỉ mấy chặng liền. Em hỏi mẹ có mệt không thì mẹ đều bảo không mệt tí nào", Tú nói.
Cuộc sống ở quê nghèo khổ, người mẹ trẻ mới 32 tuổi phải xoay sở vất vả suốt những tháng ngày chăm con dưới Hà Nội. Tú nhớ những lần mẹ phải cõng em, lại phải xách đồ, trời mưa đồ rơi bẩn hết. Có lần Tú đói, mẹ chạy đi mua gói xôi nhưng vì sợ xe chạy mất mà vội vàng xôi rơi từ lúc nào. Hai mẹ con phải nhịn đói về quê... "Bằng tuổi này, lẽ ra em phải làm được việc giúp mẹ chứ không phải để mẹ cõng, lo như em bé thế", cậu bé 12 tuổi nói.
Từ tháng 2/2013, Tú hay bị mệt nhưng thường ngủ qua một đêm là khỏi. Trên da em xuất hiện những vết tím tay, tím mặt. Bác sĩ da liễu bảo em bị xuất huyết ngoài da, uống 10 ngày thuốc mà không thuyên giảm. Chị Nhung lại đưa con đi bệnh viện tỉnh, các bác sĩ cũng cho uống thuốc và hẹn "nếu không khỏi thì mang đi bệnh viện tuyến trên".
Ba tháng sau, Tú khám ở Bệnh viện Nhi rồi đến Viện Huyết học, đến khi phát hiện ra bệnh ung thư máu thì đã ở giai đoạn cuối. Ngay tuần đầu tiên nằm viện, hai chân Tú bị liệt, từ đó không đi lại được nữa. "Con đang đi đứng được, tự dưng bị liệt nửa người, vợ chồng tôi rất hoảng. Cả nửa năm sau hai vợ chồng thất thần, chỉ biết theo con mà không làm được việc gì ra tiền cả", chị Nhung tâm sự.
Qua Tết năm 2014, anh Trương Văn Tuyến, bố của Tú, ở lại quê kiếm sống bằng nghề mộc còn chị Nhung theo con đi viện. Mỗi ngày chăm con, chứng kiến sức khỏe con một yếu đi là một ngày chị Nhung đau đớn khóc thầm. Chị kể do bị liệt nằm nhiều mà Tú bị lở loét ở mông. Suốt ngày, em phải nằm nghiêng, không đi ngoài được. Suốt hai năm nay, chị phải ấn vào bụng con cho nước tiểu rỉ ra, mỗi lần đại tiện cũng phải mẹ giúp con.
Trước khi ốm Tú rất hiếu thuận. Bố mẹ đi làm cả ngày, mới hơn 10 tuổi mà Tú tự đi đón em, tắm rửa, nấu cơm đâu ra đấy. Vào ngày mùa nhà phơi thóc, hai anh em còn biết xúc hết vào bì để bố mẹ đi làm về chỉ việc vác cất đi. Chính vì thế những ngày đầu mới bị bệnh, bị liệt, Tú sống khép mình, mặc cảm, ghét ngồi xe lăn, đóng bỉm. Dần dần em mới lạc quan và còn quay ra động viên bố mẹ.
Trước đây Tú có học lực khá tốt. Em đã tốt nghiệp lớp 5 và vào lớp 6, song vì bệnh tật mà chưa thể tiếp tục đến lớp. Giờ đây việc đến trường hòa nhập cùng các bạn, với em, ngày càng xa vời. Những ngày ở viện, em đều đòi mẹ cõng đến phòng đọc sách mà không chịu ngồi xe lăn.
Chị Nhung kể: "Những lúc đó Tú nói rằng mẹ chịu khó cõng con đi, mai sau mẹ già yếu, con sẽ cõng lại mẹ. Con có ước mơ được cõng tôi từ lâu rồi. Cháu hay bảo việc đầu tiên lúc đi lại được là sẽ cõng mẹ chạy khắp làng để mẹ biết cảm giác được ngồi trên lưng con sung sướng lắm".
Cậu bé bại liệt thực hiện ước mơ cõng mẹ trên lưng
Hiện Tú đang được chuyển sang Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương để châm cứu. Theo các bác sĩ, việc châm cứu để đi lại được cần kiên trì một quá trình dài, có khi kéo dài vài năm. Riêng bệnh ung thư máu của Tú đã ở giai đoạn cuối, em phải truyền hóa chất để kéo dài sự sống.
Chiều 29/12, tại Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương, nhóm Từ thiện Thật đã tổ chức một sinh nhật đặc biệt cho Tú. Đây là lần đầu tiên em được tổ chức sinh nhật, được thổi nến, cắt bánh và nhận nhiều món quà. Cũng trong sinh nhật của mình, các tình nguyện viên đã giúp Tú thực hiện một phần ước mơ cõng mẹ trên lưng. Anh Thành Trung, Trưởng nhóm Từ thiện Thật, chia sẻ: "Với người bình thường thì việc cõng mẹ là chuyện đơn giản, nhưng với Tú thì đây thật sự là một ước mơ khó thực hiện. Và khi ước mơ của bé thành hiện thực thì đó chính là món quà lớn nhất với em". |
Phan Dương