![]() |
Poster của phim. |
Cách đây tròn 5 năm, ngày 11/9/2001, cả nước Mỹ bàng hoàng trước sự kiện hai chiếc máy bay lần lượt đâm thẳng vào hai toà nhà cao nhất, Trung tâm thương mại quốc tế (World Trade Center) biểu trưng sức mạnh kinh tế của xứ cờ hoa. Sau đó, một chiếc máy bay khác tiếp tục đâm vào Lầu năm góc, tổng hành dinh quân sự của nước này. Riêng chiếc thứ tư mang số hiệu UE93 Boeing 757 lại rơi xuống một vùng quê thuộc tiểu bang Pennsylvania.
Bộ phim United 93 chủ yếu kể về chiếc máy bay thứ tư, cất cánh từ sân bay quốc tế Newark, New Jersey vào sáng thứ hai ngày 11/9/2001 và bay đến San Francisco, nhưng kết cục đã đâm thẳng vào làng Shanksville (bang Pennsylvania) chỉ 90 phút sau đó. Phim là bài ca bi tráng về 40 hành khách và phi hành đoàn đã dũng cảm chặn đứng âm mưu của những kẻ khủng bố, khiến cho kế hoạch hướng UE93 đâm thẳng về Washington để đâm vào Nhà trắng hoàn toàn thất bại.
*Long Hổ Môn - tuyệt đỉnh võ thuật |
*Nụ hôn may mắn |
*Vương quốc xe hơi |
Với dàn diễn viên không tên tuổi, người ta nhớ nhiều nhất đến cái tên có thể quyết định sự thành công của phim là đạo diễn Paul GreenGrass. Ông là người đã tái hiện thành công các sự kiện đáng nhớ được nhiều người quan tâm như cuộc tàn sát người biểu tình ở Bắc Ai-len Ngày chủ nhật đẫm máu (Bloody Sunday), nạn phân biệt chủng tộc trong Kẻ sát hại Stephen Lawrence hay người lính bị bỏ rơi trong Hồi phục (Resurrected). Riêng Bloody Sunday đã mang về cho GreenGrass giải Gấu bạc tại liên hoan phim Berlin và giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại giải phim Độc lập diễn ra ở Anh cùng năm 2002.
![]() |
Phút thanh bình hiếm hoi. |
Để tái hiện chân thực bộ phim về chuyến bay UE93, đạo diễn GreenGrass và các cộng sự phải thu thập, nghiên cứu từ rất nhiều nguồn thông tin, tìm đến hơn 100 gia đình nạn nhân và bạn bè của người tử nạn trên chuyến bay này.
Hãng phát hành phim Universal tuyên bố trích 10% lợi nhuận thu được từ phim này để ủng hộ quỹ Tưởng nhớ chuyến bay UE93. Để giữ tính chân thật của bộ phim, diễn viên đóng hành khách và các tên khủng bố cũng không được ở chung khách sạn, thậm chí không ngồi cùng bàn ăn sau khi quay phim.
Nam diễn viên thủ vai tên cầm đầu nhóm khủng bố, Lewis Alsamari vốn là người Anh gốc I-rắc, đã bị chính quyền Mỹ từ chối cấp visa khi anh nộp hồ sơ sang Mỹ tham dự buổi chiếu phim ra mắt. Lý do, anh từng tham gia quân đội I-rắc từ năm 1990 và giải ngũ năm 1993.
Mặc dù trước đó đã nhận được sự đồng tình của 100 gia đình nạn nhân, nhưng khi công chiếu tại Mỹ, vẫn có những ý kiến trái ngược. Có người cho rằng bộ phim đã ra đời quá sớm làm khơi lại nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai. Nhưng hầu hết đồng tình là phải có một bộ phim trung thực để tưởng niệm những nạn nhân xấu số trong cuộc khủng bố tàn khốc nhất nước Mỹ này. Bên cạnh United 93, còn có một bộ phim khác là World Trade Center cũng mang thiện ý tương tự.
Chuyến bay số hiệu 93, khởi chiếu tại các rạp ở Hà Nội (Megastar Cineplex và TT CP Quốc gia) và các rạp ở TP HCM (Diamond, Galaxy, Thăng Long, Đống Đa, Toàn Thắng, Vinh Quang, Fafilm, Tân Sơn Nhất) từ ngày hôm qua, 8/9.
Sam Thái