Tôi là một kỹ sư máy tính lớn lên trên Internet, còn Bitcoin là đồng tiền Internet đầu tiên. Nên với cá nhân tôi, sở hữu Bitcoin như người Việt phải có tiền Đồng.
Tôi có một ít Bitcoin và Ethereum, nhưng chưa bao giờ kêu gọi người khác mua tiền số, kể cả ở bài viết này.
Dù vậy, khi mua Bitcoin lần đầu vào năm 2012, tôi không nghĩ nó sẽ tồn tại. Tôi mua chủ yếu vì tò mò và thú thật cũng muốn "kiếm chút cháo". Cháo đâu không thấy, tôi chỉ phát hiện một sự thật: tôi là nhà đầu tư siêu "thông minh". Giá lên thì tôi mua, giá xuống thì tôi bán.
Trong gần mười năm qua, mỗi đợt tiền số bùng phát tôi lại nhào vô, tốn ít tiền và cả đống thời gian, rồi lại bỏ qua cho đến đợt bùng phát tiếp theo. Có lẽ tôi không phải là trường hợp duy nhất "chơi" tiền số theo phong trào. Giáo sư Dan Boneh ở Đại học Stanford cho tôi biết, số người đăng ký học lớp về tiền mật mã của ông cũng trồi sụt theo giá Bitcoin.
Hồi tháng 3/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ, thị trường tiền số sụp đổ. Tôi nghĩ "thế là xong, còn lâu mới phục hồi". Tôi đã rất bất ngờ khi nó gượng dậy nhanh, mạnh, cho đến tận bây giờ.
Người Việt gọi Bitcoin là tiền ảo, dịch ra từ "virtual money". Cách gọi này khá định kiến. Từ "ảo" trong tiếng Việt thường dùng để chỉ những thứ không có giá trị, không bền vững, trong khi "virtual" là công nghệ hết sức giá trị. Nói nôm na, ảo hóa là công nghệ dùng phần mềm đưa thế giới thực lên không gian mạng, khiến việc mô phỏng thế giới thực trở nên dễ dàng hơn. Công nghệ điện toán đám mây chắc hẳn bạn đã nghe qua cũng được xây dựng dựa trên ảo hóa.
Tương tự, công nghệ tiền ảo giúp đưa tiền tệ trong đời thực lên không gian mạng, khiến đồng tiền trở nên lập trình được (programmable), không cần trung gian và không còn biên giới. Chưa có loại tài sản nào làm được như vậy. Căn tính này tạo ra giá trị riêng cho tiền số.
Nói "lập trình được" vì tiền số là một dạng phần mềm. Với vài dòng code, ai cũng có thể thay đổi tài sản này theo ý mình. Ví dụ như tôi có thể "nén" toàn bộ tiền số của tôi thành một chuỗi bí mật, dễ dàng vận chuyển xuyên không gian hay làm của để dành mà không ai có thể can thiệp. Nó dễ và an toàn hơn nhiều so với việc tôi cất tiền mặt hay vàng trong két ở nhà.
Công nghệ tiền số cũng giải phóng tiền tệ, xóa nhòa khoảng cách giữa người gửi và người nhận trong các giao dịch. Nó có thể xuyên không gian vì là một phần của Internet. Mỗi năm Việt Nam nhận hơn 16 tỷ USD kiều hối. Với mức phí trung bình khoảng 2,5%, tính ra mỗi năm người Việt phải trả hơn 400 triệu USD phí chuyển tiền. Không ai muốn trả tiền "cò". Với tiền số, tôi có thể dễ dàng chuyển tiền từ Mỹ về Việt Nam trong vài phút mà không cần qua bên thứ ba.
Lý thú nhất là tôi có thể tạo ra những hợp đồng thông minh để lập trình hóa những giao dịch trong đời thực. Chỉ hai năm, các sản phẩm tài chính tiền tệ xây dựng trên khả năng lập trình được của tiền số, gọi chung là DeFi, đã hút số vốn đầu tư gần 80 tỷ USD trên toàn cầu.
Ngoài giá trị công nghệ như trên, xin lưu ý, thị trường tiền số đang là cuộc chơi nhiều cạm bẫy, khả năng mất trắng rất cao.
Giá tiền số tăng đột biến thời gian qua, ngoài việc khiến nhiều người mất ăn mất ngủ, còn dẫn đến nguy cơ lừa đảo và thổi phồng.
Có những đồng tiền vừa ra đời đã tăng giá vài chục lần, ngờ đâu chỉ là "bơm rồi bán". Ai nhảy vào rất dễ "chết đến bị thương". Nhiều startup không làm gì liên quan đến blockchain cũng phát hành tiền số rồi chẳng "khởi nghiệp" gì suốt mấy năm. Khi tiền số bùng phát trở lại cuối năm 2020, họ lại sửa sang website để phát hành đợt tiền mới, hứa hẹn "lợi nhuận đầu tư vài ngàn lần".
Blockchain là công nghệ được thiết kế dành riêng cho tiền số, nhưng rồi được bơm thổi như một giải pháp siêu việt, giải quyết được mọi vấn đề. Trong khi đó, Viện Tiêu chuẩn công nghệ Mỹ năm 2018 công bố báo cáo NISTIR 8202 cho thấy "rất hiếm khi blockchain là giải pháp tối ưu".
IBM từng lập ra bộ phận chuyên đi bán giải pháp blockchain cho doanh nghiệp, để rồi phải sa thải hàng loạt nhân viên vì bán ế. Blockchain cho y tế, cho nông nghiệp, cho giáo dục, nghe thì hay nhưng trong 99% trường hợp, Excel là giải pháp tốt hơn.
Tiền số còn đang ảnh hưởng xấu đến môi trường vì ngốn nguồn năng lượng khổng lồ. Giá càng cao, càng tốn điện.
Vậy, tương lai của tiền số sẽ ra sao?
Nhiều dự đoán, đa số chúng ta sẽ sở hữu tiền số trong năm năm tới. Bạn có thể không tin Bitcoin, không sao cả, vì có nhiều loại tiền số khác nhau. Thay vì giao dịch hay tích lũy bằng USD, có thể bạn sẽ dùng USD phiên bản số hóa, ví dụ như USDC do Coinbase phát hành. Ra đời tháng 9/2018, cho đến nay đã có hơn 14 tỷ USDC - tương đương 14 tỷ USD - lưu hành.
Ngoài USD, các đồng tiền của các nền kinh tế lớn như Bảng Anh, Euro, Yen Nhật hay Nhân dân tệ đã và sẽ được số hóa. Ai vẫn nghĩ tiền số là "ảo" có lẽ chưa biết rằng Trung Quốc đã thử nghiệm tiền số quốc gia của họ hơn một năm, mở ra cuộc marathon phát hành tiền số giữa các ngân hàng trung ương trên phạm vi toàn cầu.
Ở khối tư nhân, đồng Diem của Facebook (trước đây là Libra) cũng đang ôm mộng trở thành tiền số toàn cầu. Những tập đoàn fintech hàng đầu thế giới như PayPal, Square hay VISA đều đã cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan đến tiền số.
Có thể cả thế giới đang bị lừa. Nhưng tôi tin công nghệ tiền số sẽ thay đổi hoàn toàn cách từng người, từng gia đình, từng doanh nghiệp và quốc gia dự trữ và sử dụng tiền tệ. Nhiều khả năng chúng ta đang tận mắt chứng kiến một cuộc cách mạng công nghệ tầm vóc của thế kỷ 21.
Vấn đề là, Việt Nam dường như vẫn đang ở thế kỷ 20 bởi chúng ta chưa chấp nhận tiền số.
Internet có những mặt trái, công nghệ tiền số cũng vậy. Nhưng một khi tài sản này phổ biến trên toàn cầu, chính phủ nước nào đi sau sẽ gặp trở ngại trong nỗ lực kiểm soát nguồn dự trữ ngoại tệ. Tiền số cũng đặt ra thách thức lớn với phòng chống rửa tiền.
Và trên thực tế, nhiều người Việt Nam đang sở hữu, giao dịch tiền số dù chưa có thống kê chính thức. Người Việt xưa nay đã chấp nhận ngoại tệ, khó có lý do để họ từ chối một đồng "đô" điện tử nào đó, đặc biệt khi ngoại tệ số đem lại nhiều ích lợi.
Đại diện một số bộ ngành đang kêu gọi chuyển đổi số. Tôi nghĩ, nghiên cứu về đồng tiền số của Việt Nam, kèm theo học hỏi và ứng dụng công nghệ tiền số vào nền kinh tế chính là cuộc chuyển đổi lớn nhất mà Việt Nam không thể bỏ lỡ.
Ứng xử với tiền số thế nào, do đó, là câu hỏi chính sách quan trọng của nhiệm kỳ chính phủ này.
Dương Ngọc Thái