Đụng độ mẹ chồng, con dâu xảy ra trong nhiều thời đại, bắt nguồn từ tính chiếm hữu của cả hai phụ nữ với một người đàn ông. Trong các cuộc đối đầu này, con dâu không thích mẹ chồng vì cảm thấy bà can thiệp và kiểm soát, trong khi mẹ chồng không ưa con dâu vì cảm giác 'mất quyền lực'.
Anne Kathryn Killinger (Mỹ), tác giả cuốn sách về vấn đề này cho rằng "con dâu độc hại" thường có những tính cách cơ bản: thái độ nữ quyền, thành kiến, thiếu tự tin, không có khả năng xử lý các mối quan hệ với gia đình chồng, ghen tuông, không chấp nhận truyền thống gia đình chồng, tỏ ra thù hận với các thành viên trong nhà, tìm cách để con trai quay lưng lại với bố mẹ...
Trên thực tế, một cô gái bước chân vào gia đình chồng sẽ mất một thời gian để hòa nhập. Quá trình này không dễ dàng, thậm chí làm nảy sinh nơi người con dâu cảm giác không được xem trọng, bị tổn thương, dần dà làm nảy sinh sự ghen tuông, khó chịu với mẹ chồng, muốn kiểm soát chồng.
Điều quan trọng là gia đình chồng, đặc biệt là mẹ chồng cần phải nắm bắt cảm xúc này của con dâu và giúp con dâu loại bỏ những mầm mống tiêu cực đó.
Ruth Nemzoff, Ed.D. - học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Nghiên cứu Phụ nữ Brandeis, Anh - cho rằng, mẹ chồng nên cố gắng nhìn nhận một cách trung thực các mối quan hệ của mình với con trai, con dâu và cố gắng hiểu tại sao con dâu lại hành động như vậy. Thay vì đổ lỗi cho bản thân hoặc con cái, hãy thử đặt câu hỏi và nghĩ cách để có thể hòa nhập tốt hơn với cuộc sống của các con. Có một số quy tắc ứng xử được khuyến khích.
Chấp nhận sự lựa chọn của con trai mình
Nhiều khi các cô con dâu hình thành cảm xúc tiêu cực vì nhận thấy gia đình chồng chưa hoàn toàn chấp nhận mình là thành viên. Nhiều mẹ chồng thậm chí thốt lên: "Con trai mình lấy cô ta thì mình phải chịu, mình không thích cô ta chút nào". Đây là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm.
Mẹ chồng cần hiểu rằng con dâu là sự lựa chọn của con trai mình, con dâu bây giờ là một phần của gia đình. Vì thế, nên cho con cảm thấy được yêu thương và được chấp nhận.
Nếu con trai bạn chọn kết hôn với cô gái đó, lý do đơn giản bởi vì cô gái đó đã làm cho con trai bạn hạnh phúc. Hãy chấp nhận điều đó thay vì đi soi mói, đánh giá rồi chỉ ra những dấu hiệu rằng con dâu "khó ưa".
Đối xử tốt với con dâu
Trong những ngày đầu tập thích nghi với gia đình mới, con dâu thậm chí có thể có những hành động phản kháng. Mẹ chồng nên cho con dâu một chút thời gian để học cách hòa nhập. Nên đáp lại sự phản kháng đó với lòng tốt, sự tử tế. Đa phần con dâu có suy nghĩ rằng mẹ chồng là những người thường cứng nhắc và hay kiểm soát, nên nảy sinh tâm lý cảnh giác. Một khi thấy rằng không có gì phải sợ hãi, con dâu sẽ dần bình tĩnh và học cách sống thuận hòa. Điều quan trọng, mẹ chồng nên giúp con dâu hiểu rằng mình không đe dọa mối quan hệ của vợ chồng con.
Nên nghĩ về những đứa cháu của mình
Nhiều ông bà nội quý cháu nhưng lại không ưa con dâu. Điều này là một sai lầm, có thể biến con dâu của họ thành một phụ nữ "độc hại". Cha mẹ cần nhớ rằng con dâu đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ của bạn với các cháu. Những suy nghĩ tiêu cực của con dâu về bố mẹ chồng sẽ có tác động tiêu cực đến suy nghĩ của đứa trẻ về ông bà. Trong nhiều trường hợp, khi mối quan hệ căng thẳng, nhiều con dâu còn không cho con mình gặp ông bà.
Đừng nghe những điều người khác nói về con dâu
Theo các chuyên gia, nên cố gắng tìm hiểu về con dâu thay vì đưa ra những đánh giá, cảm nhận chủ quan dựa trên những gì người khác nói.
Việc tự mình tiếp xúc với con dâu sẽ giúp mẹ chồng có một đánh giá khách quan hơn, từ đó có cách ứng xử phù hợp.
Cung cấp cho con không gian và thiết lập ranh giới
Nhiều cha mẹ chồng cho rằng con cái ở riêng không quan tâm đến mình, hoặc nếu ở chung thì cũng ru rú trong phòng chúng mà không hỏi han bố mẹ. Trên thực tế, người trẻ có đời sống độc lập và không phải lúc nào cũng muốn gắn bó với cuộc sống của người lớn tuổi. Do đó, một cô con dâu không gần gũi bạn không có nghĩa rằng cô ấy xấu tính.
Tốt hơn, bố mẹ chồng nên chủ động tạo ra một số ranh giới. Giống như việc bố mẹ không muốn con can thiệp vào cuộc sống của mình, cảm xúc của con dâu là tương tự. Hãy cứ vui vẻ dù con dâu và con trai ít lui tới, thăm viếng bạn thường xuyên, thay vì khóc lóc, trách giận con thờ ơ với mình từ khi có vợ. Cách ứng xử này của mẹ chồng sẽ khiến con dâu đánh giá cao bạn vì đã tôn trọng quyền riêng tư của họ.
Đừng "nói xấu sau lưng"
Nếu có xích mích nào đó giữa bạn và con dâu, bạn cũng đừng nên nói với con trai. Thay vì than thở với con trai và nói xấu đủ điều về con dâu, nên nói trực tiếp với con dâu, để con hiểu rằng bạn không đang tìm kiếm đồng minh và chĩa mũi nhọn về phía cô ấy. Đừng tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy cô là một cô con dâu tồi, nên nhìn vào những mặt tích cực mà cô có.
Chấp nhận thực tế con dâu không hoàn hảo
Mặc dù mẹ chồng đã cố gắng nhiều lần nhưng con dâu không muốn thay đổi hành vi của mình, điều đó có nghĩa là cô ấy là người như vậy. Mẹ chồng cũng sẽ nhận ra rằng mình không thể thay đổi con dâu. Do đó, bạn cần phải chấp nhận. Bạn cũng có thể phải chấp nhận một thực tế: không ai là hoàn hảo và con trai bạn có thể đã không có lựa chọn tốt nhất.
Tuy nhiên, ít nhất thì con trai bạn hạnh phúc khi ở bên vợ, đó mới là quan trọng nhất. Do đó, nên chấp nhận thực tế, thỏa hiệp và giữ hòa khí với con dâu, nhằm giữ yên bình cho gia đình.
Thùy Linh (Theo Bonobology)